Trong nỗ lực thiết kế chính sách nhằm hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, ban soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất phương án mới và bổ sung năm quyền lợi nếu người lao động chọn “ở lại” với bảo hiểm xã hội.
- Đề xuất thêm quyền lợi cho người lao động nếu không rút BHXH một lần
- Số người rút BHXH một lần tăng trung bình 10% mỗi năm
Sau phiên họp thường kỳ tháng 7 về chuyên đề xây dựng pháp luật, Chính phủ đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); đồng thời yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – cơ quan chủ trì soạn thảo – tiếp thu và hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10-2023.
Liên quan đến rút bảo hiểm xã hội một lần, Chính phủ đánh giá vấn đề này khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế, xã hội nên có thể đưa ra hai phương án để xin ý kiến Quốc hội và quy định các biện pháp thiết thực hỗ trợ, khuyến khích người lao động tự nguyện bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Hiện tại, cơ quan soạn thảo đã bổ sung năm quyền lợi người lao động sẽ được hưởng nếu bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Cụ thể là: (1) điều kiện hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống 15 năm; (2) được hưởng trợ cấp hàng tháng nếu không đủ thời gian đóng để nhận lương hưu hoặc chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí; (3) có bảo hiểm y tế do ngân sách chi trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng; (4) sau một năm nghỉ việc, nếu không rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động vẫn có bảo hiểm y tế với thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đóng bảo hiểm xã hội; (5) người lao động mất việc được hỗ trợ tín dụng giải quyết khó khăn tài chính.
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất một phương án mới về rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo đó, chỉ những người đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi luật này có hiệu lực mới được rút bảo hiểm một lần. Nếu chọn bảo lưu thời gian đóng, người lao động sẽ được hưởng năm quyền lợi nói trên, nếu rút bảo hiểm một lần thì sẽ mất các quyền lợi này.
Còn lại, những người đóng bảo hiểm xã hội từ khi luật này có hiệu lực sẽ không được rút bảo hiểm một lần, trừ ba trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng, ra nước ngoài định cư hoặc mắc bệnh nguy hiểm tính mạng. (Lúc đầu, cơ quan soạn thảo đề xuất giữ nguyên quy định hiện hành, nghĩa là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội dưới 20 năm và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng bảo hiểm thì được rút bảo hiểm một lần).
Phương án 2 là đề xuất ban đầu khi xây dựng dự thảo luật này. Theo đó, người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ được giải quyết tối đa 50% thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, khuyến khích đóng tiếp. Điều kiện được rút một lần là không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội đủ 12 tháng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm. Như vậy, người tham gia có thể đóng tiếp bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, tử tuất, bảo hiểm y tế…
Có thể thấy, cơ quan soạn thảo đã cố gắng làm cho bảo hiểm xã hội hấp dẫn hơn khi thiết kế thêm quyền lợi bổ sung. Trong đó, quyền lợi thứ 5, người lao động mất việc được hỗ trợ tín dụng giải quyết khó khăn tài chính, là quyền lợi mới so với dự thảo lúc đầu. Quyền lợi này rất quan trọng, bởi nếu người lao động có thể dễ dàng tiếp cận với tín dụng vi mô, rất có thể rút bảo hiểm xã hội một lần không bao giờ là lựa chọn của họ. Vậy nhưng, quy định như vậy còn chung chung, chưa thể khiến người lao động yên tâm để chọn ở lại với bảo hiểm xã hội.
Hơn nữa, như cơ quan soạn thảo đã chỉ ra, cả hai phương án rút bảo hiểm xã hội một lần đều có ưu điểm và nhược điểm. Phương án 1 dần khắc phục tình trạng rút bảo hiểm xã hội và ít gây phản ứng. Tuy nhiên, do chỉ áp dụng cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ khi luật có hiệu lực (dự kiến từ 1-7-2025) nên hơn 17,5 triệu lao động đang đóng bảo hiểm xã hội vẫn có quyền hưởng một lần. Việc này tạo sự so sánh giữa những người đóng trước và đóng sau.
Phương án 2 đúng tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội nhưng lại chưa giải quyết triệt để việc rút bảo hiểm một lần. Người lao động không được hưởng toàn bộ thời gian đóng, đồng thời có thể xuất hiện tình trạng ồ ạt rút bảo hiểm một lần và điều này sẽ đe dọa chế độ an sinh xã hội trong tương lai.
Trong sáu tháng đầu năm nay, ngành bảo hiểm xã hội ghi nhận trên 665.000 người rút bảo hiểm một lần, tức bình quân hơn 110.000 người/tháng. Như vậy, “nhịp độ” vẫn duy trì như năm 2022 – cả năm có gần 1 triệu người rút bảo hiểm một lần.
Báo cáo Thủ tướng vào cuối tháng 5 vừa qua, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhận định xu hướng rút bảo hiểm xã hội một lần chưa dừng lại bởi làn sóng cắt giảm nhân sự kéo dài tới cuối năm nay. Bên cạnh đó, Ban IV kiến nghị cho lao động dùng sổ bảo hiểm xã hội thế chấp, vay tiêu dùng ngắn hạn khi thu nhập bấp bênh.
Lý do là, theo cuộc khảo sát thực hiện trong tháng 4-2023, có 61% trong số những người từng rút bảo hiểm một lần cho biết nguyên nhân rút là do không có nguồn tiết kiệm hoặc nguồn khác để bù đắp nguồn thu nhập bị mất khi không có việc. Ngoài ra, có 14% rút bảo hiểm vì lo lắng về sự ổn định của chính sách bảo hiểm xã hội. Khi được hỏi về khả năng đóng lại bảo hiểm xã hội, 48% số lao động từng rút bảo hiểm cho biết không muốn đóng lại.
Quốc hội dự kiến thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vào tháng 5-2024. Từ nay tới đó còn 10 tháng nữa để Chính phủ và Quốc hội thiết kế các chính sách tăng quyền lợi cho người lao động một cách tương xứng, thiết thực và cụ thể để họ chọn ở lại với bảo hiểm xã hội thay vì rút một lần. Nếu không đạt được mục tiêu này, chúng ta sẽ phải đối mặt với những bất ổn lớn hơn khi dân số nước ta đang già đi và lực lượng lao động tự do ngày càng tăng trong một tương lai không xa.
An Nhiên
Theo Kinh tế Sài Gòn Online