(SGTT) - Mới đây, tỉnh Phú Yên đã tổ chức công bố và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đối với danh lam thắng cảnh đập Đồng Cam. Đây là điều kiện để Phú Yên tiếp tục bảo tồn, quảng bá điểm tham quan mới đến du khách.
- Trải nghiệm cắm trại, chèo sup tại hồ thủy điện Hàm Thuận
- Tiềm năng du lịch của ba công trình đại thủy nông ở miền Trung
Công trình đập Đồng Cam nằm trên sông Ba thuộc thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa (phía bờ Bắc) và thôn Thành An thuộc xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa (phía bờ Nam).
Khi có hệ thống thủy nông Đồng Cam, toàn bộ sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng Tuy Hòa có bước phát triển nhảy vọt. Từ một vùng đồng bằng chỉ sản xuất một vụ bấp bênh trở thành một vùng đồng bằng trù phú với 2 - 3 vụ lúa, năng suất cao, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho người dân Phú Yên.
Để hoàn thành công trình này, mỗi ngày trung bình có 1.500 lao động, cao điểm lên đến 5.000 người, làm việc cật lực trong 6 năm (1924 – 1929) và 3 năm khắc phục, gia cố, hoàn thiện. Môi trường làm việc bấy giờ vô cùng khắc nghiệt như rừng thiêng, nước độc, sốt rét; tai nạn trong quá trình nổ mìn, phá đá… cũng đã xảy ra.
Đã có hơn 2 triệu mét khối đất, 360 ngàn mét khối đá đã được đào, phá; hơn 20 ngàn khối bê tông và 20 ngàn khối đá hộc đã được thi công; hàng trăm khối gỗ và hàng trăm tấn sắt thép đã được vận chuyển đến thi công công trình… Công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng năm 1932 và khai thác hoàn toàn năng lực tưới vào năm 1933. Đập Đồng Cam tiêu tốn 2,1 triệu đồng Đông Dương bấy giờ, tương đương 262.000 tấn lúa.
Cho đến nay, đập Đồng Cam vẫn được xem là hình mẫu về kỹ thuật xây dựng công trình thuỷ nông phục vụ sản xuất nông nghiệp. Không chỉ thế, đập Đồng Cam là một danh lam thắng cảnh nổi bật trên sông Ba.
Những yếu tố tự nhiên trên đây đã làm cho khu vực đập Đồng Cam là một trong những nơi có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, hấp dẫn của Phú Yên.
Trong bối cảnh “rừng thiêng nước độc”, hơn 5,35 triệu lượt công lao động đã “đồng cam cộng khổ” xây dựng nên đập nước hùng vĩ này với hơn 2.500 hạng mục lớn nhỏ cùng hệ thống nông giang với hai kênh dẫn nước, khoảng 200km kênh mương nhịp nhàng, đồng bộ dẫn nước cho cả đồng lúa Tuy Hòa rộng 220 km².
Ngay sau khi công trình đưa vào sử dụng, cánh đồng Tuy Hòa đã sản xuất ổn định hai vụ/năm, nhanh chóng trở thành vựa lúa lớn nhất miền Trung. Tiếp đó là vùng nguyên liệu mía được hình thành, thúc đẩy sự ra đời của Nhà máy đường Đồng Bò, cơ sở sản xuất công nghiệp quan trọng nhất tại địa bàn Phú Yên trước Cách mạng Tháng Tám.
Hàng năm, cứ vào mùng 8 tháng Giêng, các thế hệ lãnh đạo và người dân Phú Yên đều đến đập Đồng Cam để dâng hương tưởng niệm tiền nhân đã để lại một đại công trình thủy nông cho hậu thế.
Trần Thanh Hưng