(SGTTO) - Những ai thường tập luyện hay hoạt động ngoài trời dưới thời tiết nóng sẽ dễ gặp tình trạng sốc nhiệt. Đây là bệnh lý được gây ra bởi sự tăng nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C và kèm theo rối loạn chức năng thần kinh.
Với cơ thể người, nhiệt độ thích nghi tốt nhất là khoảng 25°C. Cơ thể có thể điều chỉnh để thích nghi tốt với thay đổi của nhiệt độ là do có trung tâm điều nhiệt nằm ở não. Tuy nhiên khi đến ngưỡng nhiệt độ nóng quá, cơ thể không thể điều chỉnh kịp thời dẫn đến bệnh.
Tùy theo mức độ và thời gian tiếp xúc với thời tiết nắng nóng hay hoạt động có nặng nhọc hay không… mà các bệnh lý do ảnh hưởng của nhiệt độ sẽ xuất hiện và được chia theo các mức độ từ nhẹ đến nặng.
Triệu chứng của sốc nhiệt
- Nhiệt độ cơ thể tăng cao. Nếu nhiệt độ cơ thể lớn hơn hoặc bằng 40 độ C (104 độ F) là dấu hiệu chính của sốc nhiệt
- Thay đổi trạng thái tâm thần hoặc hành vi. Các tình trạng như lú lẫn, lo lắng, nói lắp, cáu kỉnh, mê sảng, co giật và hôn mê có thể là hậu quả của sốc nhiệt.
- Thay đổi bài tiết mồ hôi. Trong trường hợp sốc nhiệt do thời tiết nóng, bạn sẽ cảm thấy da nóng và khô khi chạm vào. Tuy nhiên, trong trường hợp sốc nhiệt do gắng sức, bạn sẽ cảm thấy da ẩm ướt.
- Buồn nôn và nôn. Bạn có thể cảm thấy khó chịu ở bụng hoặc nôn.
- Da đỏ ửng. Da có thể chuyển thành màu đỏ khi nhiệt độ cơ thể tăng lên.
- Có thể có thở nhanh và nông.
- Tăng nhịp tim. Mạch có thể tăng đáng kể bởi vì phản ứng xuất nhiệt (sự chênh lệch nhiệt độ) đặt một gánh nặng rất lớn lên tim nhằm giúp làm mát cơ thể.
- Đau nhức đầu.
Nguyên nhân
Sốc nhiệt (hay còn gọi là đột quỵ do nhiệt) là loại bệnh có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não. Nguyên nhân là do bị mất muối và nước kéo dài cùng với sự quá tải khả năng hoạt động của trung tâm điều nhiệt.
Tăng thân nhiệt kéo dài sẽ làm tổn thương hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận đặc biệt là hệ thần kinh. Nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân có thể lên đến trên 40 độ C, kèm theo các triệu chứng thần kinh (đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật thậm chí hôn mê…).
Khi thấy các triệu chứng của bệnh này, phải sơ cứu tạm thời bằng cách cho người bị sốc nhiệt nằm đầu thấp, di chuyển ra khỏi vùng có nhiệt độ cao, làm giảm nhiệt cho nạn nhân như dùng quạt hay ngâm người trong nước mát vài phút, dùng gạc có thấm nước lạnh hay nước đá đặt ở các vùng trên cơ thể, đồng thời chuyển người bệnh đến bệnh viện ngay.
Cách phòng tránh
Sốc nhiệt có thể được tiên đoán và dự phòng được. Chỉ cần thực hiện các bước sau để dự phòng sốc nhiệt trong thời tiết nắng nóng:
- Mặc đồ rộng rãi, quần áo nhẹ. Việc mặc quá nhiều quần áo hoặc quần áo quá chật sẽ khiến bạn nóng bức.
- Bảo vệ cơ thể không bị cháy nắng. Cháy nắng ảnh hưởng tới khả năng tự làm mát, do vậy phải tự bảo vệ mình khi đi ra ngoài bằng cách đội mũ rộng vành, đeo kính râm và sử dụng kem chống nắng phổ rộng với chỉ số bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời (SPF) tối thiểu là 15. Thoa nhiều kem chống nắng và thoa lại kem chống nắng hai giờ một lần hoặc thoa thường xuyên hơn nếu bạn đang bơi hoặc đổ mồ hôi.
- Uống nhiều nước. Bù đủ nước sẽ giúp bạn đổ mồ hôi và duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường.
- Đặc biệt cẩn thận với một số thuốc. Nếu bạn sử dụng thuốc có thể ảnh hưởng tới khả năng giữ nước và tản nhiệt của cơ thể và hay đi ra ngoài trời nắng thì nên hỏi ý kiến bác sĩ.
- Không ở lại trong xe ô tô đang đỗ dưới trời nắng nóng vì có thể gây ra tử vong do nhiệt. Khi đỗ xe dưới ánh nắng mặt trời, nhiệt độ trong xe ô tô có thể tăng thêm 6-7 độ C (20 độ F) trong vòng 10 phút, gây nguy hiểm ngay cả khi cửa kính xe bị rạn nứt (hoặc hé mở) hoặc xe được đỗ trong bóng râm.
- Hãy nghỉ ngơi trong khoảng thời gian nóng nhất trong ngày. Nếu bạn không thể tránh được các hoạt động gắng sức dưới thời tiết nóng, hãy uống nhiều nước và thường xuyên nghỉ ngơi ở nơi mát mẻ. Cố gắng lên lịch tập luyện hoặc lao động thể lực trong khoảng thời gian mát mẻ hơn trong ngày, ví dụ vào sáng sớm hoặc chiều tối.
- Thích nghi. Hạn chế thời gian làm việc hoặc luyện tập trong điều kiện nóng cho tới khi bạn thích nghi với nó. Những người không thường xuyên tiếp xúc với thời tiết nóng rất dễ mắc bệnh liên quan tới nhiệt. Có thể mất khoảng vài tuần để cơ thể bạn điều chỉnh với thời tiết nóng.
- Nếu bạn tham gia các sự kiện hoặc các hoạt động thể thao gắng sức dưới thời tiết nóng, hãy chắc chắn rằng phải có dịch vụ cấp cứu y tế sẵn sàng bên cạnh phòng trường hợp cấp cứu vì nhiệt.
Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu
Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM