Trong khi cuộc sống đang từ từ chuyển mọi thứ lên mạng, liệu bạn có biết chắc được chiếc áo sơ mi đặt mua trên trang web nào đó có vừa hay không, và quan trọng hơn là có giúp bạn “bảnh” hơn không?
Anh Christian Wylonis đã trả lời cho câu hỏi trên bằng Fitbay, công ty khởi nghiệp ở Copenhagen (Đan Mạch), với ý tưởng so sánh bạn với người có cùng khổ người với bạn và định hình xem quần áo đó trông như thế nào khi ở ngoài đời thực. Anh Wylonis, 30 tuổi, cảm thấy với vóc dáng “dài lưng” của mình, anh rất khó tìm được chiếc áo nào hợp và thoải mái, và rồi ý tưởng mà anh ấp ủ là Fitbay sẽ trở thành một “Facebook về quần áo” được anh ráo riết thực hiện.
Theo Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International, thị trường bán hàng áo quần và giày dép trực tuyến toàn cầu sẽ đạt 305 tỉ đô la Mỹ vào năm 2018. Nhưng các nhà bán lẻ trực tuyến đang phải nhức đầu với vấn đề người mua khó tính không hài lòng với sản phẩm và muốn trả lại. Theo Công ty Tư vấn Clear Returns (Scotland), có khoảng 30% quần áo bán trên mạng bị gửi trả lại. Còn với cửa hàng thời trang và giày dép Zalando tại Đức (chỉ bán trên mạng và có quy mô lớn nhất châu Âu), có khoảng phân nửa quần áo bán ra bị khách hàng trả lại.
Trên Fitbay, người sử dụng nhập vào các thông số về chiều cao, cân nặng và dáng người (như thân dài hoặc tròn), cơ bắp hay bầu bĩnh, cánh tay dài hay ngắn… Sau đó, người mua sẽ được nhóm lại với nhau dựa trên dữ liệu tương tự. Họ được khuyến khích tải lên ảnh toàn thân với mục đích giúp người khác mường tượng ra được khổ quần áo có vừa vặn với mình hay không.
Mỗi người dùng có một trang “Discover”, gồm hình ảnh của cửa hàng và của người mua khác mặc quần áo mua tại đó mà các thuật toán của Fitbay dự đoán người mua thích loại quần áo ấy. Những hình ảnh đề xuất đó còn có thể cho bạn nhiều thông tin chuyên sâu hơn nữa như bạn nên mặc T-shirt của Gap cỡ (size) nào là thích hợp nhất. Công ty cũng tìm cách bổ sung những kích thước quá khổ vì một số người mua không sẵn sàng chia sẻ các thông tin nhạy cảm như vậy.
Fitbay mới chỉ là một trong nhiều công ty khởi nghiệp muốn giải quyết khâu “thử đồ” khi mua sắm quần áo trên mạng. Công ty Công nghệ thời trang Clothes Horse (New York) đối chiếu kích cỡ quần áo dựa trên các chỉ số từ các nhà bán lẻ và đưa ra đề nghị sản phẩm dựa trên khách hàng thích mặc loại vải nào. Còn Công ty Fits.me (London) tạo một ảnh đại diện (avatar) dựa trên số đo của bạn, rồi dịch vụ này sẽ cho bạn biết nếu bạn mặc chiếc áo hoặc chiếc đầm nào đó sẽ trông thế nào. Còn công ty Virtusize (Stockholm) cho khách hàng so sánh các món hàng định mua với những món hàng đã từng mua; hệ thống hiển thị ảnh chiếc váy mà bạn định mua chồng lên trên chiếc váy cũ theo cùng kích cỡ để bạn đối chiếu và chắc chắn sẽ không bị quá rộng hoặc quá chật.
Hồi tháng 2 năm nay, eBay mua lại PhiSix, là công ty làm đồ họa quần áo 3D để minh họa cho khách hàng về tính năng thử đồ trực tuyến. Chợ trực tuyến này sử dụng phần mềm PhiSix để hiển thị cho người mua tiềm năng ảnh đại diện đang mặc jeans từ một trong những cửa hàng liên kết. eBay không cho biết nhà sản xuất quần áo bởi họ muốn thử nghiệm tính năng này phổ biến đến mức nào mà không bị tác động bởi thương hiệu của quần áo ấy, đồng thời cũng làm tăng tính tò mò của người mua hàng.
Fitbay là công ty khởi nghiệp nhưng đã có nguồn vốn đến 2,4 triệu đô la, thu lợi nhuận khi khách hàng nhấn chuột trên một trang web và đặt hàng. Khi bản dùng thử xuất hiện từ tháng 2, có gần 100.000 lượt người đăng ký. Công ty cho biết họ có khoảng 4 triệu món hàng trong cơ sở dữ liệu của từ hơn 1.000 nhà bán lẻ như Uniqlo, Ralph Lauren và J.Crew, có nhiều giải pháp ăn mặc cho mọi người, từ vóc người quá khổ cho đến người thanh mảnh.
Theo anh Wylonis, lợi thế của Fitbay nằm ở chỗ công ty dựa vào khổ người, không dựa vào số đo như thông thường. Đồng thời, khách hàng rất dễ đăng ký và chọn đúng khổ người của mình..
Có thể đây là một giải pháp tốt cho bài toán “thử đồ” trực tuyến.
Kim Ba