(SGTT) - Không chỉ là hiện tượng phim trực tuyến, “Trò chơi con mực” đang ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội với việc gợi nhớ các trò chơi truyền thống của tuổi thơ. Nhiều trào lưu từ bộ phim như thử thách tách kẹo đường, trò chơi "đèn xanh, đèn đỏ”… cũng tạo nên cơn sốt khắp nhiều châu lục.
- Giải mã sức hút của phim Hạ cánh nơi anh
- Những căn hộ tầng hầm như trong phim Ký sinh trùng hút khách du lịch
- Khám phá những địa điểm ngoài đời thực của loạt phim “Chiến tranh giữa các vì sao”
Cơn sốt tách kẹo đường lan rộng từ Á sang Âu
Sau khi bộ phim “Trò chơi con mực” (Squid game) được công chiếu, thử thách tách kẹo đường dalgona ngay lập tức đã vượt ra khỏi ranh giới của nghệ thuật và trở thành một trào lưu gây sốt trên khắp các trang mạng xã hội khiến giới trẻ tại nhiều nước vô cùng thích thú và hào hứng tham gia thử thách tách kẹo.
Theo tình tiết trong phim, người chơi sẽ chọn 1 trong 4 biểu tượng là hình tròn, hình tam giác, hình chiếc ô và hình ngôi sao và. Sau đó, họ sẽ được nhận 1 hộp kẹo đường, bên trong có biểu tượng được chọn trước đó. Với công cụ hỗ trợ là một chiếc kim nhọn, nhiệm vụ của người chơi là tách kẹo theo đúng đường viền đã in sẵn trong một khoảng thời gian giới hạn. Nếu kẹo được tách theo đúng hình và không bị vỡ, nhiệm vụ sẽ thành công, còn ngược lại người chơi bị loại.
Tại Việt Nam, cơn sốt tách kẹo như trong phim đang dần xâm chiếm trên trên nền tảng TikTok và các phương tiện truyền thông xã hội khác. Giới trẻ Việt hiện liên tục đăng các video clip hướng dẫn nấu kẹo đường với nguyên liệu là đường và muối nở (baking soda), cũng như quay cảnh tỉ mỉ tách kẹo để vượt qua thử thách. Ra mắt từ giữa tháng 9-2021, trò chơi gẩy kẹo đã trở thành thú tiêu khiển của nhiều bạn trẻ ngay tại nhà, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19.
Theo Reuters, tại thị trường nội địa, món kẹo đường cũng trở thành cơn sốt khi những người bán kẹo đường ở Hàn Quốc kiếm bộn tiền nhờ thành công của bộ phim “Trò chơi con mực”. Theo anh An Yong-hui (37 tuổi) là một thợ làm kẹo có thâm niên 8 năm, bán kẹo ở một khu đại học tại Seoul, anh không thể về nhà trong một tuần và phải làm nhiều giờ liên tục vì những người hâm mộ của phim đã xếp hàng kín khu vực quầy kẹo vỏn vẹn 2m2 của anh từ sớm, háo hức chờ đợi được cầm miếng kẹo trên tay và trải nghiệm tách hình.
Tại thời điểm hiện tại, An Yong-hui bán được hơn 500 chiếc kẹo đường mỗi ngày với giá khoảng 2,000 won/ chiếc (1,7 đô la Mỹ). Tính trung bình mỗi ngày, anh có thể thu về đến 1 triệu won (843 đô la Mỹ). Trước đó, kẹo đường dalgona là món ăn vặt phổ biến trên đường phố ở những năm 70, 80 tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, kể từ đầu những năm 2000, khi xuất hiện nhiều món ăn mới, số lượng cửa hàng bán loại kẹo này càng ít dần.
Thậm chí, các trang thương mại điện tử lớn như Amazon, eBay hoặc Coupang cũng đang bán những bộ dụng cụ để nấu và tách kẹo dalgona với giá khoảng 29,99 đô la Mỹ.
Sức hút của trò chơi tách kẹo trong tác phẩm đình đám “Trò chơi con mực” còn lan rộng đến các nước châu Âu. Theo Yonhap, một cửa hàng pop-up hay còn gọi là “Trung tâm trải nghiệm Squid Game” (không gian bán hàng ăn theo xu hướng hoặc sự kiện đang nổi tiếng, mở khoảng vài ngày đến vài tuần) đã được khai trương vào cuối tuần qua tại một quán cà phê ở quận 2 của Pháp, thu hút rất đông người hâm mộ ở châu Âu đến trải nghiệm.
Tại đây, du khách được chụp ảnh với các nhân viên mặc đồ đỏ như trong phim và trải nghiệm một số trò chơi tuổi thơ, đặc biệt là trò tách kẹo đường.
Trò chơi tuổi thơ “đèn xanh, đèn đỏ” tại trung tâm thương mại
Là bom tấn xứ Hàn trong suốt thời gian vừa qua, “Trò chơi con mực” còn gây thương nhớ khi gợi lại trò chơi truyền thống "đèn xanh, đèn đỏ” với chi tiết nổi bật là cô búp bê màu cam khổng lồ.
Theo Variety, tại thành phố Quezon (Philippines), Netflix đã cho ra đời một bản sao búp bê khổng lồ từng xuất hiện trong bộ phim này ngay trung tâm mua sắm Robinsons Galleria. Nhiều người dân đã rất hứng thú khi trải nghiệm trò chơi “đèn xanh, đèn đỏ” tại trung tâm mua sắm. Tương tự như trong phim, búp bê hoạt hình khổng lồ vang lên bài hát Hàn Quốc quen thuộc nhưng vô cùng ớn lạnh.
Bản sao búp bê khổng lồ được đặt ở lối đi bộ bên ngoài để theo dõi người tham gia giao thông. Đặc biệt, nhân vật hoạt hình khổng lồ này có thể phát hiện ra người đi bộ bằng mắt laser. Bất cứ khi nào phát hiện người đi bộ vượt đèn đỏ, búp bê quay đầu lại, sau đó đôi mắt sẽ nhấp nháy và chuyển sang màu đỏ nhằm chỉ ra lỗi sai phạm.
“Trò chơi con mực” đã gây nên một cơn sốt chưa từng có không chỉ tại thị trường nội địa Hàn Quốc mà còn lan rộng sang nhiều nước từ châu Á đến châu Âu. Parody (bản nhái lại) các cảnh phim hay những trào lưu, dịch vụ ăn theo bộ phim này cũng thu hút hàng ngàn người tham gia, chứng tỏ sức hút rất lớn của bộ phim.
Với dự báo, “Trò chơi con mực” có thể đạt 82 triệu người xem trong vòng 28 ngày, ông Ted Sarandos, đồng giám đốc điều hành của Netflix, cho biết bộ phim có thể trở thành nội dung gốc thành công nhất từ trước đến nay của gã khổng lồ giải trí trực tuyến toàn cầu.
Minh Thảo
Theo Reuters, Yonhap, Variety
Bộ phim “Trò chơi con mực” gồm chín tập, thuộc thể loại phim chiến đấu sinh tồn. Nội dung phim xoay quanh những con người ở bước đường cùng tham gia một đấu trường bí ẩn có giải thưởng lên đến 45,6 tỉ won (880 tỉ đồng). Tại đây, họ chấp nhận trải qua những trò chơi dân gian Hàn Quốc như hoa dâm bụt nở, kéo co, bắn bi... nhưng theo một quy luật đẫm máu là người chiến thắng sẽ được bước vào vòng sau và có thể lấy toàn bộ tiền thưởng, còn thua sẽ chết ngay tại chỗ. Bộ phim không thiên về các cảnh hành động gay cấn, thay vào đó tập trung phản ánh nhiều hiện trạng xã hội như khát vọng làm giàu nhanh của một bộ phận dân Hàn Quốc, tỷ lệ nợ xấu tăng cao hay sự suy đồi đạo đức của giới chủ giàu có… Đây là bộ phim đầu tiên của Netflix xếp hạng nhất bảng xếp hạng top phim thịnh hành của nền tảng này ở 83 quốc gia và vùng lãnh thổ.