(SGTT) – Xu hướng phát triển du lịch gắn với các địa điểm từng xuất hiện trong phim ảnh đang ngày càng phổ biến, khi điện ảnh không chỉ đơn thuần là sản phẩm giải trí mà còn góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến. Tại Huế, với lợi thế về lịch sử và hệ thống di sản văn hóa phong phú, việc tận dụng các bối cảnh phim để giới thiệu thành phố được xem là hướng đi tiềm năng nhằm tạo thêm sức hút cho du lịch địa phương.
- Tháp Chăm Phú Diên – ‘viên ngọc’ ẩn giữa làng biển xứ Huế
- ‘Khác biệt hóa’ sản phẩm du lịch để hút khách quốc tế
- Làm gì để nâng tầm năng lực cạnh tranh của du lịch Việt?
Để hiểu rõ hơn về tiềm năng này, Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của thành phố Huế, nhằm làm sáng tỏ những cơ hội và thách thức khi áp dụng mô hình du lịch "theo dấu phim" tại đây.

Đưa Huế trở thành "trường quay mở"
Với bề dày văn hóa và cảnh quan đặc sắc, Huế đã in dấu trong nhiều tác phẩm điện ảnh nổi bật như Đông Dương, Cô gái trên sông, Ngọn nến hoàng cung, Trăng nơi đáy giếng. Gần đây, các bộ phim như Mắt biếc, Em và Trịnh, Gái già lắm chiêu, Kiều và Linh Miêu tiếp tục đưa hình ảnh Huế đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là giới trẻ và du khách quốc tế.
Sở Du lịch thành phố Huế cho biết sau mỗi tác phẩm điện ảnh gây tiếng vang, lượng khách tìm đến các địa danh xuất hiện trong phim thường tăng rõ rệt. Hiệu ứng này đã khơi dậy cảm hứng du lịch, khiến du khách thay đổi kế hoạch để trải nghiệm những địa điểm trong các bộ phim. Điều này chứng tỏ tiềm năng lớn của việc kết nối điện ảnh với phát triển du lịch văn hóa, nếu được quy hoạch và định hướng phù hợp.
Theo đó, ngành du lịch Huế đang nỗ lực xây dựng thành phố trở thành một "trường quay mở", gắn kết nghệ thuật với du lịch một cách bền vững và đầy cảm xúc.
Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, lãnh đạo Sở Du lịch thành phố Huế cho rằng để đón đầu xu hướng du lịch "theo dấu phim”, ngành du lịch đã lên ý tưởng liên kết các tour tuyến và dịch vụ với mục đích quảng bá những địa điểm xuất hiện trong phim.
Ngành cũng phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và người dân tổ chức vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, bổ sung các dịch vụ như quán nước, dịch vụ thuê xe đạp để du khách tham quan và chụp ảnh, đồng thời lắp đặt biển báo chỉ dẫn tại một số điểm đến.
Bên cạnh đó, các công ty lữ hành tại Huế đã đưa "cây cô đơn" ở làng Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, và quán cà phê Mắt biếc vào các tour tham quan để giới thiệu cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Điển hình, công ty Huetourist đã đưa hai điểm tham quan này vào các tour khám phá Huế nửa ngày và tour “Sóng nước Tam Giang” một ngày. Mỗi ngày, công ty tiếp đón nhiều đoàn khách Việt, chủ yếu ở độ tuổi từ 30-45 tuổi. Ngoài ra, đơn vị cũng đã niêm yết tour "Cây Mắt biếc" trên 4 trang OTA (Online Travel Agency) - các trang bán tour trực tuyến từ Hồng Kông, với hàng trăm ngàn lượt xem và đặt dịch vụ mỗi ngày.

Chủ động “đặt hàng” và tạo điều kiện cho nhà làm phim
Trong bối cảnh du lịch ngày càng cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ, việc xuất hiện trong các bộ phim có sức lan tỏa lớn là cơ hội hiệu quả để địa phương quảng bá hình ảnh, gia tăng lượng khách và khẳng định thương hiệu văn hóa.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế, để tận dụng tối đa lợi thế này, Huế cần chủ động “đặt hàng” các nhà làm phim thông qua cơ chế hỗ trợ rõ ràng. Trong Đề án phát triển du lịch Huế giai đoạn 2025–2030, tầm nhìn 2045, ngành du lịch đã đề xuất các chính sách hỗ trợ hoạt động biểu diễn văn hóa – nghệ thuật.

Tuy nhiên, để thu hút các nhà sản xuất phim, cần phải thống nhất quy trình cấp phép, chuẩn hóa dịch vụ hỗ trợ và thành lập một đơn vị đầu mối chuyên trách. Điều này sẽ giúp việc quay phim tại Huế trở nên thuận lợi hơn, từ đó tăng cường sức hấp dẫn của thành phố đối với ngành công nghiệp điện ảnh.
Những mô hình thành công từ Quảng Bình, Quảng Ninh hay Ninh Bình – nơi thu hút lượng lớn du khách nhờ khai thác hiệu quả các bối cảnh phim nổi tiếng – cho thấy Huế, với tiềm năng sẵn có, hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho các đoàn làm phim, thúc đẩy ngành du lịch và xây dựng thương hiệu văn hóa bền vững.
Theo Sở Du lịch thành phố Huế, để tăng tính cạnh tranh, Huế cũng cần có chính sách hỗ trợ cụ thể - chẳng hạn như hoàn thiện chỉ số PAI (Production Attraction Index) - Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim. Mặc dù hiện nay đã có một số hỗ trợ như miễn giảm vé tham quan, cung cấp thông tin, hỗ trợ thủ tục pháp lý, nhưng thành phố vẫn thiếu các ưu đãi về lưu trú, phương tiện và dịch vụ hậu cần cho đoàn phim.
Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch "theo dấu phim"
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Thanh Bình cho rằng để phát triển bền vững du lịch "theo dấu phim", cần triển khai một cách đồng bộ các giải pháp cụ thể. Các vấn đề lớn hiện nay bao gồm thiếu chính sách hỗ trợ rõ ràng, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các bên liên quan, và sự kết nối yếu giữa ngành phim và địa phương.

Trước tiên, cần xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ và dễ tiếp cận về các bối cảnh quay phim, như các di tích lịch sử, kiến trúc và điểm đến nổi bật. Điều này sẽ giúp các đoàn làm phim trong và ngoài nước dễ dàng tìm kiếm thông tin. Từ đó, họ có thể lên kế hoạch quay phim hiệu quả.
Thứ hai, việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu trong quản lý du lịch điện ảnh, tổ chức sự kiện và hỗ trợ đoàn làm phim là yếu tố then chốt giúp nâng cao chất lượng phục vụ và phát triển bền vững loại hình du lịch này. Việc kết hợp đào tạo với phát triển sản phẩm du lịch sẽ bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả trong chiến lược dài hạn.
Ngoài ra, cần ban hành cơ chế hỗ trợ các đơn vị làm phim chọn Huế làm bối cảnh quay. Song song đó, cần đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trung tâm điện ảnh hiện đại và tổ chức các sự kiện phim quốc tế để thu hút nhà làm phim và du khách.
Thành phố cũng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính và thành lập cơ quan liên ngành để xây dựng kế hoạch dài hạn, tăng cường kết nối giữa điện ảnh và du lịch. Các tour có thể kết hợp trải nghiệm phim và tham quan di tích, giúp du khách hiểu sâu hơn về văn hóa Huế.
Cuối cùng, cần xây dựng quy định quay phim tại các di tích với yêu cầu nghiêm ngặt nhưng linh hoạt, đồng thời trích một phần doanh thu từ du lịch phim để bảo tồn di sản, đảm bảo sự phát triển bền vững mà không chạy theo hiệu ứng nhất thời.
Giải quyết những vấn đề này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho chiến lược quảng bá, giúp du lịch và điện ảnh cùng phát triển bền vững.