Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Phát triển du lịch đường sông TPHCM: nhiều nút thắt cần phải gỡ

(SGTT) - Ưu thế về diện tích đường sông lớn, lại là đô thị lớn, mặt khác đã có những chiến lược phát triển cụ thể, thế nhưng câu chuyện phát triển du lịch đường sông ở TPHCM vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức.

Doanh nghiệp “kêu khóc” chuyện sử dụng bến bãi

Một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay là việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng và các thủ tục khai thác bến bãi phức tạp đối với các doanh nghiệp. Như trường hợp của Công ty Thuyền Nhiêu Lộc, việc gia hạn hợp đồng khai thác bến nội đô tại quận 1 và quận 3 (Tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) gặp phải nhiều khó khăn do vướng mắc về quy định đất đai. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của một doanh nghiệp mà còn làm gián đoạn dịch vụ và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Công ty Thuyền Nhiêu Lộc đã tạm ngưng hoạt động từ tháng 5-2024. Mặc dù tạm ngưng nhưng công ty vẫn phải duy trì việc bảo dưỡng các phương tiện, bộ máy nhân sự để vận hành nên tình trạng hiện nay khá chật vật.

Trước khi Nghị định Số 06/2024/NĐ-CP bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa được ban hành, thẩm quyền quản lý bến thủy nội địa thuộc về Sở Giao thông Vận tải nên việc thực hiện công bố, công bố lại, gia hạn hoạt động bến thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý của sở. Nhưng kể từ ngày 10-3-2024 khi Nghị định số 06/2024/NĐ-CP có hiệu lực, thẩm quyền quản lý bến thủy nội địa lại thuộc ủy ban nhân dân cấp quận, huyện nơi đặt bến thủy quản lý. Tuy nhiên, phần đất ở các khu vực này lại chưa được bàn giao về cho doanh nghiệp vì vậy UBND cấp quận, huyện không thể công bố gia hạn hợp đồng cho các công ty.

Cùng chung khó khăn, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, đơn vị vận hành tuyến buýt sông số 1 (Bến Bạch Đằng - Linh Đông) cho biết lộ trình tuyến buýt sông đi qua 5 bến, thì nay bến Thanh Đa đã ngừng hoạt động do địa phương không gia hạn giấy phép. Vì thế, tàu buýt sông không ghé đón khách bến này nữa. Bến tàu Cầu Mống (quận 4) phục vụ tour du lịch đường sông cũng đang trong tình trạng tương tự.

Nhóm học sinh tham quan sông Sài Gòn. Ảnh: Ngọc Khuyến

Theo bà Nguyễn Thị Vương, Giám đốc Công ty Thuyền Nhiêu Lộc, mặc dù đã hoạt động được nhiều năm nhưng hiện tại điều kiện để thực hiện công bố, công bố lại, gia hạn hoạt động cho bến thủy là doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng bến thủy nội địa. Tuy nhiên, đa số đất làm bến thủy, bến khách ngang sông lại nằm trên hành lang sông, kênh rạch không có chủ sở hữu mà lại thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Trong khi đó, khu vực xây dựng nhà chờ của công ty lại thuộc quyền quản lý của Trung tâm quản lý hạ tầng thuộc Sở Xây dựng. Do đó, muốn có quyền sử dụng đất thì phải thông qua đấu thầu theo Luật Đất đai.

"Doanh nghiệp đang rất cần có giải pháp hỗ trợ tạm thời để tiếp tục duy trì hoạt động, phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế trong thời gian này", bà Vương nói.

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Anh Sơn, cho biết "Sau khi Luật đất đai 2024 mới được thông qua thì tình hình chung tại TPHCM hiện nay là việc xử lý các thủ tục hành chính đang gặp vướng mắc trong việc xác định nghĩa vụ tài chính; hiện vẫn chờ hướng dẫn từ cơ quan cấp trên có thẩm quyền liên quan".

Việc thiếu quy hoạch rõ ràng và các thủ tục hành chính phức tạp đã trở thành rào cản lớn, hạn chế sự phát triển của du lịch đường sông.

Tiến sĩ Jackie Lei Tin Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và Khách sạn tại Đại học RMIT, cho biết quyền quản lý bến thủy rõ ràng và các quy định quản lý hợp lý là rất quan trọng. "Các quốc gia như Đức và Hà Lan được hưởng lợi từ quan hệ đối tác công tư. Việt Nam có thể áp dụng cách tiếp cận này để thúc đẩy sự hợp tác và thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng đường thủy", bà Jackie Lei Tin Ong nói.

Câu chuyện thiếu bến bãi, cầu phao cũng đang làm hạn chế việc tạo ra những sản phẩm du lịch đường sông cho TPHCM. "Việc chưa khai thác được những sản phẩm đường sông liên tuyến do thiếu cầu phao, bến bãi là khó khăn mà hàng loạt doanh nghiệp đường sông đang phải đối mặt trong việc đa dạng hóa sản phẩm đường sông", bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Les Rives, cho hay.

TPHCM có hệ thống sông ngòi và kênh rạch liên thông, thuận lợi để phát triển du lịch đường sông từ trung tâm thành phố đến các quận huyện liên vùng, như tầm ngắn nội đô, tầm trung Củ Chi, Cần Giờ, Long An, Đồng Nai, Nhà Bè... và tầm xa Tiền Giang, Bến Tre và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, bà Hạnh nói thêm.

Bên cạnh những khó khăn về hạ tầng giao thông đường thủy, sản phẩm du lịch chưa đa dạng thì một yếu tố khiến du lịch đường sông TPHCM chưa phát triển được như kỳ vọng liên quan đến suy giảm chất lượng môi trường sông nước.

Ông Đoàn Đức Minh, Phó trưởng khoa Du lịch, Đại học Kinh tế TPHCM, nói "Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, tích tụ rác thải, cùng các vấn đề liên quan đến mùi hôi không chỉ làm mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, làm giảm sút giá trị của sản phẩm du lịch. Đây là trở ngại lớn nhất, tác động trực tiếp đến sức hấp dẫn và trải nghiệm của du khách". 

Một hệ sinh thái sông nước trong lành, với cảnh quan tươi đẹp và đa dạng sinh học phong phú, chính là nền tảng tạo nên sức hấp dẫn độc đáo cho các sản phẩm du lịch đường sông, đặc biệt là trong bối cảnh du khách ngày càng quan tâm đến các trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên và có trách nhiệm với môi trường, một dòng sông ô nhiễm sẽ không thể nào thu hút và giữ chân họ.

Mặc dù các yếu tố khác như hạ tầng, sản phẩm du lịch, quảng bá... cũng đóng vai trò quan trọng, nhưng nếu không có một môi trường sông nước lành mạnh, những nỗ lực khác sẽ không đạt được hiệu quả tối ưu. Do đó, việc bảo vệ và cải thiện môi trường sông nước cần được xem là ưu tiên hàng đầu, là kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình hoạch định và triển khai các chiến lược phát triển du lịch đường sông tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, ông Minh nói thêm. 

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Theo thống kê của Sở Du lịch TPHCM, trên địa bàn hiện có 123 phương tiện thủy đang hoạt động, gồm 43 tàu nhà hàng, tàu lưu trú, du thuyền và 80 cano, tàu gỗ nhỏ; có 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch trong tổng số 251 cảng, bến thủy nội địa. Trong 2 năm 2023 - 2024, dự tính lượng khách du lịch đến thành phố bằng đường thủy đạt khoảng 500 ngàn lượt khách/năm; doanh thu du lịch đường thủy đạt 300 tỉ đồng/năm, mức tăng trưởng khoảng 10%/ năm.

Lịch sử hình thành, phát triển của TPHCM trong hơn 300 năm qua ghi dấu ấn đậm nét của những dòng sông. Dòng sông đã ôm trọn thành phố suốt chiều dài lịch sử, từ khởi thủy đến đương đại. Thế nhưng với lợi thế trên 100 tuyến sông rạch, tổng chiều dài khoảng 1.100km nhưng TPHCM chỉ đang khai thác khoảng 20 tuyến vận tải hành khách và du lịch đường thủy, có vẻ đây là con số còn khiêm tốn.

"Tuy sở hữu hệ thống sông và kênh rạch dày đặc, nhưng đối với người dân và du khách hình ảnh sông Sài Gòn rất mờ nhạt. Điều này chính là thách thức cho việc tiếp thị du lịch đường sông" bà Jackie Lei Tin Ong đánh giá.

Có thể thấy, câu chuyện tạo ra một thương hiệu du lịch riêng là điều mà TPHCM cần phải làm để du lịch đường sông thật sự ấn tượng cho du khách.

TPHCM có ổng chiều dài khoảng 1.100km. Ảnh: Water Bus Saigon

Học hỏi từ mô hình thành công ở các nước khác cũng giúp có thêm những kinh nghiệm quý báu. Chẳng hạn, Bangkok kết hợp các chợ địa phương và nhà hàng nổi vào các tuyến đường thủy, Venice có những chuyến du ngoạn bằng thuyền gondola mang tính biểu tượng với các câu chuyện về lịch sử. "Châu Âu đã rất thành công với mô hình này, khi các bảo tàng ven sông như Bảo tàng Hàng hải Amsterdam không chỉ là nơi trưng bày hiện vật mà còn là điểm dừng chân lý tưởng để du khách khám phá văn hóa, lịch sử nơi đây", bà Jackie Lei Tin Ong gợi ý.

Theo Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy, giảng viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn tại RMIT Việt Nam, việc tổ chức các tour du lịch với chủ đề theo mùa sẽ là một làn gió mới cho du lịch đường sông Sài Gòn. TPHCM có thể tận dụng đặc trưng sông theo mùa nắng và mưa để thực hiện. Lấy ví dụ về dòng sông Thames ở Anh, đã có những tour du lịch theo chủ đề được khai thác tốt như chủ đề Harry Potter, không chỉ thu hút khách du lịch mà còn tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ cho người dân địa phương.

Mặc khác, theo đánh giá từ bà Daisy Kanagasapapathy, TPHCM có tiềm năng lớn để kết hợp du lịch đường thủy với các trải nghiệm như tour ẩm thực, lễ hội văn hóa và hoạt động chăm sóc sức khỏe. Bà cũng đánh giá cao về lễ hội sông nước TPHCM 2 năm qua.

TPHCM đang là trung tâm bậc nhất cả nước có nhịp sống đô thị sôi động và hiện đại, việc tạo ra những trải nghiệm gắn với sông nước sẽ giúp người dân và du khách cảm nhận thành phố ở một khía cạnh khác. Phát triển du lịch đường sông không chỉ là tạo ra những sản phẩm du lịch đơn thuần mà còn là một cách để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất sông nước.

Ngọc Khuyến - Thế Kỳ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chợ Bến Thành, đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo là...

0
UBND TPHCM vừa có quyết định về việc xếp hạng di tích cấp thành phố đối với di tích kiến trúc nghệ thuật chợ...

TPHCM: Chợ hoa xuân ‘Trên bến dưới thuyền’ có hơn 680...

0
(SGTT) - Chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền" 2025 sẽ diễn ra từ ngày 14-1-2025 đến 28-1-2025 (tức từ ngày 15 đến 29...

Trung tâm TPHCM lên đèn, người dân xuống phố đón Giáng...

0
(SGTT) – Dù hơn một tháng nữa mới đến Giáng sinh, nhưng nhiều trung tâm thương mại tại TPHCM đã được trang trí rực...

Ngắm khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của...

0
(SGTT) – Cách trung tâm TPHCM hơn 50km, Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam, được...

Doanh thu du lịch TPHCM 10 tháng ước đạt hơn 156.600...

0
(SGTT) - Trong 10 tháng năm 2024, ngành du lịch TPHCM đón hơn 35,5 triệu lượt khách trong và ngoài nước, doanh thu đạt...

Giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới của...

0
(SGTT) - Trong khuôn khổ Hội chợ ITB Asia 2024, từ ngày 21-10 đến 26-10, Sở Du lịch TPHCM phối hợp Đại sứ quán...

Kết nối