Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Phát triển du lịch địa phương cần dựa vào ‘sắc màu riêng’ của vùng

(SGTT) – Ngoài yếu tố tâm linh, đa số các địa phương vùng Tây Nam Bộ, do có nét tương đồng về cảnh quan nên các sản phẩm du lịch cũng không quá khác biệt. Tuy nhiên riêng An Giang, với địa hình vừa có đồng bằng, núi non, những cánh rừng, cộng thêm yếu tố văn hóa cộng đồng đa dạng, tất cả đem lại nguồn dư địa dồi dào cho việc phát triển du lịch. Đó là những ý kiến được nêu ra tại tọa đàm "Phát triển du lịch gắn với sắc màu vùng biên" diễn ra vào ngày 5-4 tại TP Châu Đốc, An Giang do Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp cùng Victoria Núi Sam Lodge tổ chức.  

Từ sắc màu vùng biên

Không còn là tát mương, bắt cá, thăm vườn trái cây hay chèo xuồng qua kênh rạch, du khách khi đến An Giang vài năm trở lại đây còn được trải nghiệm nhiều hoạt động du lịch khác nhau.

Lợi thế của An Giang so với các tỉnh thành trong khu vực Tây Nam bộ là địa hình có núi non, với điều kiện thuận lợi này để tránh sự trùng lặp trong du lịch, An Giang đã tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch kết hợp cùng các hoạt động thể thao, chẳng hạn như giải chạy, đi bộ địa hình, lễ hội khinh khí cầu, lễ hội dù lượn. Bên cạnh đó nơi đây cũng đầu tư tạo ra một số sản phẩm tương đối mới như làng bè sắc màu Châu Đốc, với tuổi đời hơn 100 năm, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, chia sẻ.

Giải chạy “Núi Cấm Trail 2023” được tổ chức tại Khu du lịch Núi Cấm năm 2023, thu hút hơn 1.000 vận động viên tham gia. Ảnh: Dương Việt Anh.

Mỗi miền đất của An Giang ẩn chứa những giá trị đặc sắc mà theo các diễn giả và khách mời tham gia trong tọa đàm Phát triển du lịch gắn với sắc màu vùng biên, do ấn phẩm Sài Gòn Tiếp thị của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức, tất cả tài nguyên từ cảnh quan, con người, văn hóa đã tạo cho An Giang một “sắc màu” riêng biệt.

Ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Victoria Núi Sam Lodge (thành viên chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn), chia sẻ doanh nghiệp của ông có hai khu nghỉ dưỡng được đặt tại TP Châu Đốc bởi vị trí ở đây khá độc đáo, mỗi lần du khách đến đều có một trải nghiệm khác nhau.

“Mỗi năm có khoảng 30% khách đến chúng tôi là khách quen, họ lui đến thường xuyên bởi vị trí đặc biệt và con người thân thiện. An Giang nổi tiếng là điểm hành hương, thưởng ngoạn với nhiều địa danh như Miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, rừng tràm Trà Sư, kênh Vĩnh Tế… không chỉ vậy đến đây du khách được ngắm nhìn cảnh vật thay đổi theo từng mùa, có lúc là lúa xanh mướt, có lúc lúa chín vàng ươm hay vào mùa khô lại thấy cây cối trơ trọi, đến mùa lũ thì lại thấy nước tràn đồng”, ông Tuấn nói.

Cũng nói về sự đa dạng về “sắc màu” du lịch của An Giang, ngoài cảnh quan, theo đánh giá từ bà Nguyễn Giang Sở Hạ, Giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Nội địa – Quốc tế Soha Group “Không chỉ để khách xem cảnh núi non, ruộng đồng, sông nước mà chúng tôi rất chú trọng việc đưa văn hóa địa phương vào trong các chương trình, du khách từ công ty tìm về An Giang còn để gặp gỡ và tìm hiểu về con người nơi đây. Chúng tôi đưa khách về thị xã Tân Châu để lắng nghe câu chuyện thăng trầm của nghề dệt thổ cẩm hay để du khách thưởng thức những món ăn đặc trưng của địa phương như bún cá, mắm, nước thốt nốt, bánh bò thốt nốt…”

Vùng đất An Giang là nơi sinh sinh sống của 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer… mỗi dân tộc mang một màu sắc văn hóa khác nhau với nhiều lễ hội dân gian, các làng nghề truyền thống và nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Trong đó, phải nhắc đến với việc An Giang hiện đang có 7 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Hội đua bò Bảy Núi, kỹ thuật khắc chữ trên kinh lá buông, lễ hội kỳ yên đình Thoại Ngọc Hầu, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm Châu Phong, nghi lễ vòng đời người Chăm An Giang, nghệ thuật sân khấu dì kê của người Khmer.

 Trở thành điểm đến chứ không chỉ là điểm dừng chân

Theo báo cáo du lịch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, năm 2023 tỉnh đón được khoảng 8,5 triệu lượt khách, tuy nhiên chỉ có 700 ngàn lượt khách lưu trú từ khách sạn 2 sao trở lên.  Dù có tiềm năng nhưng nhìn từ con số thống kê, việc khách ở lại còn khá khiêm tốn.

Muốn dòng khách đến với An Giang và không xem đây là điểm dừng chân để đi Cần Thơ, Kiên Giang hay sang nước bạn Campuchia, theo các diễn giả tỉnh này cần xem xét các yếu tố về hệ thống lưu trú, hệ thống giao thông, chất lượng nguồn nhân lực.

Theo bà Sở Hạ, điểm hạn chế mà không chỉ An Giang mà ngay cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chính là vấn đề giao thông, đi lại. Thông thường khách của công ty sẽ đi từ TPHCM hoặc TP Cần Thơ. Nếu đi từ TPHCM đến An Giang cũng mất khoảng 5 tiếng, còn ở Cần Thơ thì ngắn hơn khoảng hơn 3 tiếng, nhưng việc mất thời gian cho một chuyến đi có thể khiến du khách không còn hứng thú cho những trải nghiệm.

Từ thực tế khi giao thông không thuận lợi, rất khó để người dân, du khách tiếp cận, hy vọng sau khi mở cổng từ cảng cổng Long Xuyên đến cồn Mỹ Hòa Hưng, các trục đường nội tỉnh giữa các huyện, thị xã và nhất là khi hoàn thành cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, trong thời gian tới, việc phát triển du lịch nơi đây sẽ trở nên tốt hơn.

Mặt khác, khi khách ở lại đêm, địa phương cũng cần quan tâm trong việc đầu tư sản phẩm du lịch đêm. “Nếu buổi tối có các hoạt động, trải nghiệm cho du khách thì sẽ giữ chân được họ lâu hơn. Không chỉ An Giang, ngoại trừ một số tỉnh như Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau có các sản phẩm du lịch về đêm thì hầu như cả khu vực đều không có, hoặc rất mờ nhạt”, bà Sở Hạ cho biết thêm.

Các diễn giả trao đổi trong tọa đàm Phát triển du lịch dựa vào sắc màu vùng biên diễn ra tại An Giang vào ngày 5-4. Từ trái sang phải: bà Nguyễn Giang Sở Hạ, Giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Nội địa – Quốc tế Soha Group; ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Victoria Núi Sam Lodge; ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại tỉnh An Giang và ông Nguyên Phong, người điều phối tọa đàm.

Một vấn đề được đặt ra tại buổi trò chuyện chính là việc An Giang có chung khoảng 100km đường biên giới với quốc gia Campuchia, giáp hai tỉnh Kandal và Takeo nước này. Tuy nhiên, dù có vị trí khá đặc biệt nhưng theo lãnh đạo địa phương, việc khai thác vào trao đổi du lịch hiện tại tương đối khó khăn giữa hai nước so với hồi trước dịch.

Mỗi năm khách Việt sang Campuchia thì nhiều hơn khách Campuchia vào Việt Nam. Do đa phần khách Việt thường đi liên tuyến, sau khi qua nước bạn du khách tiếp tục sang Thái Lan. Còn đối với khách Campuchia khi sang nước ta thường không phải tham quan cảnh đẹp hay hành hương tâm linh, mà đi du lịch theo dạng khám chữa bệnh hoặc thăm thân nhân kết hợp khám phá.

Ngoài ra, câu chuyện khai thác du lịch ở An Giang mà theo đại diện địa phương vẫn còn nhiều vùng chưa tận dụng. Thông thường vùng Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn luôn là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách, tuy nhiên tại các huyện, thị xã khác của tỉnh cũng ẩn chứa những “sắc màu” nhưng chưa hút khách. Chẳng hạn như bung Bình Thiên tại huyện An phú, đây là hồ nước ngọt lớn nhất vùng Tây Nam bộ, có thảm hệ sinh thái đặc trưng vùng sông nước Cửu Long với nhiều cá, cua, tôm cùng các loại thực vật như bông súng, rong tảo… hay ở Tân Châu có nghề trồng dâu nuôi tằm.

Cộng đồng cùng làm du lịch

Tìm cách phát triển du lịch tại An Giang nói riêng và những vùng đất tương tự, tại buổi tọa đàm, các diễn giả cũng chia sẻ kinh nghiệm. Theo đó để du lịch phát triển lâu dài ngoài việc duy tu, bảo dưỡng các công trình, đầu tư cơ sở vật chất thì rất cần sự quan tâm đến yếu tố người dân địa phương.

Với An Giang, để “sắc màu vùng biên” sẽ là tài nguyên lâu dài thì người dân phải cùng tham gia hoạt động du lịch, là người khai thác, giữ gìn. “Nếu không phát huy được giá trị cộng đồng trong du lịch, người dân sẽ gặp khó khăn, vì chính người dân là người hiểu rõ về văn hóa của mình, là người trải nghiệm và gìn giữ, do vậy dễ dàng tạo ra “những cái chạm” cho du khách. Như ở núi Cấm nếu vài năm trước rất khó để có nhà dân chịu làm du lịch nhưng hiện nay nhiều homestay mọc lên, họ cùng san sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau đón khách", ông Trung Hiếu cho biết.

Cánh đồng lúa tại thị xã Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Dương Việt Anh

Là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú lâu năm tại An Giang, ông Phạm Minh Tuấn Giám đốc Victoria Nui Sam Lodge, cũng nói người dân đóng vai trò lớn cho việc phát triển du lịch. “Tại điểm đến của chúng tôi, để đóng góp vào sự phát triển du lịch địa phương, gần như 100% nhân viên là người dân tại địa phương, không chỉ vậy chúng tôi đưa các sản phẩm địa phương vào bán tại khu quà lưu niệm như đường thốt nốt, vải, quần áo… hay đưa những món nổi tiếng vào thực đơn. Đồng thời phối hợp với các công ty lữ hành đưa du khách đến các điểm đến trong khu vực nhằm gia tăng giá trị kinh tế", ông Tuấn nói.

Còn với góc độ lữ hành, bà Hạ cho biết, chọn làm du lịch là để quảng bá du lịch nước nhà, do đó mà trong các tour doanh nghiệp bà cố gắng để du khách được trải nghiệm văn hóa địa phương nhiều nhất từ tham quan trải nghiệm làng nghề, thưởng thức món ăn bản địa hoặc sau các tour chúng tôi sẽ gửi tặng du khách những món đồ thủ công do người dân làm ra.

Năm nay, tỉnh này đặt mục tiêu đón 9 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, dự kiến doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2024 khoảng đạt 6.200 tỉ đồng.

Tọa đàm Phát triển du lịch gắn với sắc màu vùng biên nằm trong khuôn lễ công bố kết quả “Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2023” và phát động đề cử “Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2024” do Sài Gòn Tiếp Thị – một ấn phẩm của Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Ngọc Khuyến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thưởng thức phở Hoàng, hai năm liên tiếp đạt Michelin Bib...

0
(SGTT) - Mở bán từ năm 2008, phở Hoàng là thương hiệu được thực khách nhớ đến bởi hương vị phở Nam Định, giao...

Mới lạ bánh cuốn Cao Bằng, dùng nước hầm xương thay...

0
(SGTT) - Dù chỉ mới mở bán thời gian gần đây nhưng quán ăn Thủy ở quận 7 lại thu hút sự quan tâm...

Đầu tư vào đất nông nghiệp vùng ven: Được gì và...

0
(SGTT) - Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng và nhu cầu tìm kiếm một không gian sống gần gũi với thiên nhiên...

Giá vé metro Bến Thành – Suối Tiên từ 6.000 đến...

0
(SGTT) - TPHCM vừa công bố giá vé tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Theo đó, vé đi metro có giá từ 6.000...

Mới lạ tô súp cua cô Bông tại chợ Thiếc, gần...

0
(SGTT) - Tọa lạc trong khu chợ Thiếc, quận 11, quầy súp cô Bông đến nay đã hơn 20 năm phục vụ thực khách...

Nở rộ xu hướng thuê mua áo dài gia đình, hội...

0
(SGTT) - Cận Tết, thay vì lựa chọn chụp ảnh chân dung mang tính cá nhân hoá như mọi năm, năm nay nhiều bạn...

Kết nối