(SGTTO) - Phần lớn mọi người từ bỏ công việc hiện tại để tìm một công việc khác tốt hơn nhưng anh Phạm Công Luật lại nghỉ việc để... đạp xe xuyên Việt và gom rác. Trong suốt chuyến hành trình, anh đã gặp được rất nhiều người thú vị và nhận được sự cổ vũ, tham gia nhiệt tình từ cộng đồng yêu môi trường.
Chuyến hành trình gom rác của anh Phạm Công Luật đang bị hoãn do dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Trong những ngày "không đạp", anh Luật về lại Phú Yên, rồi lên TPHCM để gặp gỡ những người bạn có cùng chí hướng bảo vệ môi trường. Khi biết anh đang ghé thăm thành phố để gặp bạn bè và tổ chức hoạt động gom rác ở đây, người viết bài đã tranh thủ hẹn anh để được nghe kể về "Hành trình Gom".
Trên facebook của anh Phạm Công Luật luôn xuất hiện cái tên Gom và "Hành trình Gom". Anh chia sẻ: "Vì tôi đang đi gom rác nên tôi gọi mình là Gom và chuyến đi của tôi là hành trình gom. Khi nhiều người bắt đầu biết đến tôi, họ luôn gọi tôi bằng cái tên đó. Vậy là tôi chính thức mang tên Gom".
Cách đây 3 năm, anh Luật bị trầm cảm. Những ngày khủng khiếp ấy kéo dài đến 6 tháng. Nhưng nhờ tình thương yêu của gia đình và nỗ lực của bản thân, anh Luật đã vượt qua tất cả. Sau đó, anh từ bỏ công việc ở công ty du lịch, cùng chiếc xe đạp của mình, quyết định đạp xe xuyên Việt cho thỏa chí đam mê.
Vốn là một người yêu thiên nhiên và từ lâu đã muốn làm một điều gì ý nghĩa cho cộng đồng, trên đường đi, anh Luật nhìn thấy rác ở khắp nơi, thế là ý tưởng vừa đạp xe vừa gom rác có từ đó.
Anh Luật có hai người bạn đồng hành: chiếc xe đạp và chiếc khăn rằn. Đây là hai vật bất ly thân của Gom. Khi đạp xe thì dùng khăn che nắng, đi gom rác thì dùng khăn làm khẩu trang và khi mệt thì dùng khăn quạt mát. Không biết có phải vì luôn mang chiếc khăn bên mình mà cho đến bây giờ, Gom luôn gặp may mắn và nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người.
Từ đầu tháng 7-2020, anh Luật bắt đầu chuyến hành trình đạp xe qua 8 tỉnh thành, đi từ Sài Gòn, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Nha Trang, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi.
Trong những ngày đầu, anh đạp xe và gom rác một mình. Trên đường từ Bà Rịa Vũng Tàu ra thị xã La Gi (Bình Thuận), đi ngang một bãi rác, anh tính chạy qua luôn vì chưa tới điểm dừng chân dự kiến, nhưng thấy áy náy nên anh quay lại. Anh nói: "Bãi rác lớn lắm, rác quăng tùm lum, tôi mất hơn một giờ để dọn sạch sẽ và gom lại để người dân đốt cho dễ.
Đang dọn thì có một thanh niên chạy ngang qua, vài phút sau anh đó trở lại mang cho tôi một lon nước cho đỡ khát và hẹn tôi có đi ngang chỗ anh thì ghé chơi".
Suốt chặng đường, anh Luật xin ngủ nhờ ở chùa, nhà thờ hay nhà dân nên rất tiết kiệm chi phí. Nhưng chủ yếu là do anh muốn được trò chuyện và làm quen với mọi người. Lần ghé thị xã La Gi (Bình Thuận) bị lạc đường, anh vào ngôi chùa gần đó xin tá túc. Hôm sau, anh dành cả một ngày để dọn bãi biển gần đó. Anh cười vui: "Nhìn bãi biển sạch bong, tôi vui lắm. Mọi người ở chùa rất dễ thương và nhiệt tình, còn khuyên tôi đừng đi nữa, ở lại đây luôn vì sợ tôi cực khổ".
Anh Luật nhớ nhất là chặng từ vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận) ra Nha Trang, có rất nhiều con dốc cao, xung quanh không có nhà dân và vắng bóng người, chỉ có gió biển tạt vào mặt. Anh cố gắng vừa đạp, vừa dắt bộ một hồi rồi cũng qua được. Qua Cam Ranh (Nha Trang), anh không muốn đạp xe nữa, đã đi được 115km rồi, chỉ muốn dừng thôi vì chân đã mỏi rã rời.
Lúc này đầu gối của anh chấn thương khá nặng, anh đạp xe bằng một chân, chân còn lại đẩy nhẹ. Khi đến được Nha Trang, anh phải ở lại vài hôm để dưỡng thương.
Hết đau anh lại lên đường. Đến bãi biển Hòn Một (Nha Trang), anh Luật lại tiếp tục dọn rác. Lúc ấy có một thanh niên đang bơi ở biển, thấy anh Luật đang nhặt rác liền đến giúp một tay. Lòng tốt của anh thanh niên khiến anh Luật cảm động và nhớ mãi.
Đến Phú Yên, anh Luật kết nối được với chị Hà, một người phụ nữ mà anh rất mến phục. Chị Hà cũng là người giúp anh kết nối với 30 bạn trẻ nhóm Hành trình xanh Phú Yên, chủ yếu là các bạn phổ thông trung học, cũng thường hay đi gom rác. Thế là hành trình Gom kết hợp với Hành trình xanh Phú Yên rong ruổi khắp nơi nhặt rác.
Khi anh tiếp tục chuyến đi chưa bao lâu thì dịch Covid-19 bùng phát trở lại, anh đành quay lại Phú Yên. Tuy nhiên, anh Luật không muốn hành trình Gom dừng lại. Dù trong những ngày "không đạp", anh vẫn liên hệ với nhóm học sinh đã hỗ trợ anh dọn dẹp bãi biển và thầy Tân, người đã thành lập nên một đội gom rác "Gom - không cô đơn Đông Hòa" để tiếp tục đi gom rác cùng nhau.
Chưa hết, anh Luật còn quay lại TPHCM để vận động một số bạn trẻ cùng gom rác, dọn dẹp đường phố vào sáng chủ nhật.
Từ chuyến hành trình chỉ có một mình, nay anh Luật quen biết được rất nhiều bạn gồm những người cũng đạp xe xuyên Việt, những người đã và đang đi gom rác như anh và người dân tại những nơi mà anh đi qua.
Tất cả sự việc xảy ra dọc đường đều được anh cập nhật chi tiết trên facebook. Anh muốn chia sẻ để nhiều người cùng biết về hành trình gom rác đầy ý nghĩa này và quan trọng hơn hết là kêu gọi mọi người cùng tham gia với anh. Nhiều bạn trẻ đã chủ động nhắn tin hỏi thăm và ủng hộ anh trong suốt dọc đường đi. Anh lại có thêm nhiều bạn mới, những người bạn chưa bao giờ gặp nhưng có cùng điểm chung là yêu thiên nhiên. Ngoài ra còn có một số anh chị là "mạnh thường quân" theo dõi từng bước đi của anh và luôn giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần khi anh cần.
Anh Luật xúc động nói: "Dù chưa gặp mặt bao giờ, chỉ mới quen qua facebook nhưng mọi người đã giúp đỡ rất nhiều từ cái ăn, chỗ ở đến ủng hộ tinh thần. Suốt hành trình mọi người hay nhắn tin rủ rê tôi ghé nhà họ chơi, họ sẽ mời tôi ăn cơm và đi gom rác với tôi. Có bạn ở tới Tây Bắc cũng nhắn tin".
Một điều đáng mừng là ngày càng có nhiều người biết đến Hành trình Gom và muốn chung tay góp sức bảo vệ thiên nhiên cùng với anh Luật. Trong đó có cả những người nổi tiếng như rapper Đinh Tiến Đạt, ca sĩ – nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý.
Còn nhiều nữa những câu chuyện về những người bạn Gom quen dọc đường đi nhưng có những người bạn đối với Gom thật đặc biệt.
Anh Bình và con trai Tommy 17 tuổi đang thực hiện chuyến đạp xe xuyên Việt từ Hà Nội đi Cà Mau. Tuy nhiên, khi đến Phú Yên, dịch bệnh đã ngăn cản dự định của hai cha con. Ngày Gom gặp anh cũng là ngày hai cha con anh Bình sắp lên tàu rời Phú Yên về Hà Nội. Gom đã rủ rê anh Bình và Tommy lên cao nguyên Vân Hòa, Phú Yên để trồng cây trước khi lên đường, hai cha con đã đồng ý ngay mà không hề lưỡng lự.
Điều làm Gom ngưỡng mộ là cách giáo dục con của anh Bình qua chuyến đạp xe xuyên Việt. Dọc đường đi, anh Bình để cho Tommy tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Anh chỉ là người đồng hành cố vấn khi Tommy cần giúp đỡ. Sau chuyến đi này, Tommy có được nhiều bài học đáng giá để trưởng thành hơn.
Trong những chuyến đi gom rác với nhóm Gom không cô đơn, Gom nhớ nhất là lần đi leo núi và gom rác ở núi Đá Bia tại Phú Yên. Suốt con đường lên núi, rác tràn ngập khắp nơi. Sau khi kết thúc chặng đường, cả nhóm đã gom được một bao rác rất to, làm "quà" tặng cho một bà cụ lớn tuổi ở chân núi để bà bán ve chai kiếm thêm thu nhập.
An Thư là cô gái nhỏ nhắn, một mình đạp xe từ Hà Nội vào TPHCM. Trong hành lý của An Thư có một món quà rất đặc biệt mà cô muốn gửi đến mọi người, đó là túi hạt giống. Khi đến những nơi cần có cây xanh, cô lại gieo hạt, rồi lại lên đường đi tiếp. Sau vài ngày Gom xuất phát thì An Thư cũng bắt đầu đạp xe. Được truyền cảm hứng từ Gom, An Thư cũng đạp xe gom rác. Trong suốt cuộc hành trình, cả hai giữ liên lạc thường xuyên để đảm bảo không ai gặp bất trắc hay bỏ cuộc giữa chừng và hẹn sẽ gặp nhau một ngày không xa.
“Hành trình nối những miền xanh” là chuỗi nội dung về du lịch xanh, do Sài Gòn Tiếp Thị Online thực hiện nhằm khuyến khích, vinh danh những địa điểm, ý tưởng làm du lịch có đóng góp trở lại cho môi trường, tạo cơ hội cho du khách gần gũi thiên nhiên. Nếu có ý tưởng hoặc muốn cộng tác liên quan nội dung này, mời bạn gửi về email: toasoan@sgtiepthi.vn hoặc nhắn tin trên fanpage: facebook.com/sgtiepthi.vn, hoặc tham gia giao lưu trên group facebook Thích du lịch Xanh.
Quỳnh Châu
(Hình ảnh do nhân vật cung cấp)