Lạ lẫm là cảm giác ban đầu của nhiều du khách khi đặt chân đến với căn phòng “Trash - Ôm rác vào lòng” tại Huế Eco Homestay (Phú Vang, TP Huế), và sau đó là sự ngạc nhiên có thêm phần thích thú. Khi bước chân vào phòng, đập ngay vào mắt mọi người là những chai nhựa 1,5L được kê quanh dưới chân giường. Những chiếc chai nhựa được lấp đầy bởi bao bì nylon, rác thải nhựa – được gọi bằng cái tên chai rác sinh thái – được đặt dọc quanh chiếc giường nhờ thiết kế riêng có khe rãnh để xếp đều các chai rác như một kiểu trang trí.
Thay vì giao phó nguồn rác khó phân hủy này cho môi trường, nơi đây đã tự nguyện tạm “ôm rác vào lòng” chờ hướng xử lý sau. Ngay tại căn phòng này, các du khách khi đến lưu trú cũng sẽ được truyền thông, hướng dẫn thực hiện việc xử lý sạch bao bì ni lon và nhét đầy vào chai nhựa. Chính những điều đó tạo nên tên gọi riêng cho căn phòng.
Huế Eco Homestay, cách trung tâm thành phố Huế không quá xa (2-2,5km) tại số 48 xóm 1, Ngọc Anh, Phú Thượng, Phú Vang với một không gian xanh mát và cực kỳ yên tĩnh. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh, chủ nhân Huế Eco Homestay sử dụng 100% đồ dùng sinh hoạt trong không gian sống đều là những phế phẩm vứt đi. Những đồ dùng này được chị cùng một số bạn trẻ yêu môi trường cùng nhau chỉnh sửa, trang trí lại. Mỗi món đồ trong căn nhà là một câu chuyện gắn liền với nó, mỗi căn phòng cũng có tên gọi riêng ẩn giấu đầy kỉ niệm của chủ nhân.
Việt Nam là một trong những nước có lượng rác thải khó phân hủy như nylon và nhựa lớn nhất thế giới. Nếu tình hình này vẫn được tiếp tục, dự báo đếnnăm 2050, các chủng loại sinh vật ở đại dương sẽ phải nhường chỗ lại cho lượng rác thải nhựa, nylon đang ngày càng phủ kín từ đáy lên đến bề mặt của sông ngòi và biển cả. Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một trong những nước có khả năng dễ tổn thương nhất từ hiện tượng biến đổi khí hậu.
Từ việc tìm hiểu và ghi nhận những thông tin nêu trên, với khát khao đươc góp phần giảm thiểu hiện trạng trên và chung tay bảo vệ môi trường, chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh muốn làm một cái gì đó với sứ mệnh nhằm lan tỏa một cách rộng rãi mô hình lưu trú sinh thái và vận động nâng cao ý thức xã rác một cách tử tế và văn minh.
Và thế là Huế Eco Homestay được ra đời.
“Khẩu hiệu xuyên suốt từ khi ý tưởng của mô hình Huế Eco Homestay bắt đầu thành hình cho đến nay là “Không chừ biết khi mô/When if not now” – không bây giờ thì biết khi nào mỗi một chúng ta mới chịu ra tay hành động vì môi trường”, chị Quỳnh Anh nói và chia sẻ thêm đây như lời nhắc nhở cho chính bản thân mình, các thành viên trong gia đình mình ở mọi lúc, mọi nơi trong mọi hoạt động và qua đó có thể lan tỏa dần đến mọi người xung quanh, đến chính các vị khách đã đặt chân đến nơi đây.
Có thời gian gắn bó trước đây với các tổ chức phi chính phủ, chứng kiến những ảnh hưởng nghiêm trọng của rác thải, nhất là rác thải nhựa và ni lon khó phân hủy đối với môi trường. Chị Quỳnh Anh luôn ấp ủ một kế hoạch hành động để kêu gọi mọi người cùng chung tay giảm thiểu bớt tác hại của rác thải. Các hành động của chị luôn thực hiện với tiêu chí nói không với việc sử dụng túi nylon và đồ nhựa với phương châm 4R (Rethink, Reuse, Reduce and Recycle) – Suy nghĩ lại - Tái sử dụng - Giảm bớt đi và Tái chế.
Sau 2 năm tiến hành nghiên cứu, kêu gọi mọi người chung tay thu gom rác thải, chị Quỳnh Anh đã thu được hơn 60 chai nhựa chứa đầy khoảng 18kg rác ni lon, nhựa, xốp khó phân hủy (chai rác này được gọi là chai rác sinh thái/gạch sinh thái – eco bin/eco brick). Từ đó chị bắt tay vào cải tạo, trang trí cho homestay xinh xắn và thân thiện với môi trường.
Bốn mục tiêu chính được đặt ra khi triển khai dự án Huế Eco Homestay này là xây dựng và lan tỏa mô hình lưu trú xanh với nguồn năng lượng sạch từ dàn pin mặt trời áp mái, gồm các sản phẩm tái chế từ rác thải, từ những viên gạch bông làm tay bị lỗi, từ các kỷ vật của gia đình đã lâu không còn sử dụng. Ba tiêu chí còn lại là nâng cao ý thức của mọi người trong việc nói không với rác thải nhựa, kêu gọi mọi người hãy biến ý thức thành hành động và muốn minh chứng được rằng việc biến nguồn rác thành vật dụng có ích là điều hoàn toàn có thể làm được nếu quyết tâm thực hiện với thái độ thực sự nghiêm túc, trọn tâm ý với một niềm tin mãnh liệt.
“Trong suốt quá trình thực hiện, Huế Eco Homestay rất may mắn đã được sự đồng hành từ chính các thành viên trong gia đình, bạn bè, các bạn học sinh của Câu lạc bộ Quốc Học Xanh, câu lạc bộ Huế Xanh (nhóm gồm các bạn nước ngoài làm việc tại Huế và yêu Huế, các bạn trẻ tại Huế cùng hướng đến Huế Xanh), các bạn sinh viên khoa du lịch của Đại Học Huế và vô số các cá nhân trong lẫn ngoài nước”, chị Quỳnh Anh chia sẻ.
Chị đưa ra ví dụ một số bạn tham gia làm chai rác / gạch sinh thái. Có bạn còn đi vận động các tiệm tạp hóa thu gom một lượng lớn các bì nylon thải ra hàng ngày tại tiệm để mang về tự nhét vào chai. Một số tự tìm kiếm các mẫu tái chế từ vỏ nhựa qua trang Pinterest và tự tay làm nên những sản phẩm trang trí, sử dụng được. Có bạn tự tay may bộ tạp dề từ áo quần cũ bỏ đi. Từ phía gia đình, do giai đoạn đầu chưa hoàn toàn hiểu hết ý tưởng nên đã có một số ngăn cản và thiếu đồng tình. Dần dần, nhà bố mẹ cũng tích cực thu gom rác nylon để làm chai gạch sinh thái…
“Hơn 60 chai gạch sinh thái thu gom được sau 6 tháng vận động, các thành viên trong gia đình bắt đầu trao đổi thiết kế sản phẩm từ những chai rác này và cùng nhau thực hiện”, chị chia sẻ.
Song song với những thuận lợi trên cũng có sự hiện diện của vô vàn những thách thức từ khâu xây dựng, thiết kế và trang trí cho đến năng lực tài chính của gia đình.
Ngoài những sản phẩm trang trí đơn giản do các bạn tình nguyện viên hỗ trợ, chị Quỳnh Anh kể lại câu chuyện gia đình chị tự tìm kiếm các đơn vị cơ khí có đủ trang thiết bị và nhân lực có kỹ năng, có tay nghề để triển khai lắp ráp các vật dụng lớn hơn.
“Tuy nhiên, đây là lần đầu nhóm thợ này thi công các sản phẩm và ý tưởng như thế này nên cũng còn nhiều bỡ ngỡ, chưa kinh nghiệm và chưa đủ độ tinh tế trong quá trình làm. Vì vậy, việc khắc phục, sửa đi sửa lại nhiều lần là điều hoàn toàn dễ hiểu”, chị Quỳnh Anh nói.
Bên cạnh đó, vì muốn tận dụng nguồn gạch bông làm tay bị lỗi được loại ra từ các hợp đồng gạch xuất khẩu nên quá trình lót gạch cũng vướng không ít thử thách. Với kích cỡ gạch chỉ 20x20 không còn thông dụng, gạch làm tay thường dễ mẽ góc, dễ bong tróc lớp men tráng tay phủ trên bề mặt hay màu gạch cũng dễ phai theo lớp hồ xi măng còn bám sau khi lót… không phải thợ nào cũng có thể lót được nên chi phí cho đội thợ có kinh nghiệm lót loại gạch này phải phát sinh cao hơn gấp 2-3 lần bình thường.
Không những vậy, vì là gạch lỗi được loại ra nên mỗi mẫu gạch chỉ còn một lượng rất ít, không đủ để lót theo đúng diện tích từng khu vực trong khu lưu trú. Do vậy, cả hai vợ chồng chị Quỳnh Anh phải cùng nhau bàn bạc, đo đạc và trực tiếp hướng dẫn thợ lót và phối màu một cách thẫm mỹ nhất tuy cả hai vợ chồng đều chưa hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Mỗi đồ vật cũng sẽ có câu chuyện gắn liền với nó được chị Quỳnh Anh làm một tờ note nhỏ ngay bên cạnh để du khách tiện theo dõi. Đó là 16 bánh xe ba gác và trụ nhổ bằng đồng đã có từ 100 năm trước của ông nội để lại được chị làm thành tay vịn cầu thang phía trong nhà. Hay là những mảnh gỗ kiềng ngày xưa được gia đình dựng vội sau cơn lũ lịch sử miền Trung 1999 cũng được tận dụng để làm các đồ vật trong homestay. Mỗi đồ vật, dù nhỏ nhất đều được chị sử dụng và chế tạo thành những món trang trí độc lạ cho căn nhà.
Hướng đến lối sống “Zero waste – Tái sử dụng tất cả các loại rác đến 0”, Huế Eco Homestay đang nỗ lực thực hiện các hành động nhằm kéo dài vòng đời và tuổi thọ cho rác thải để hạn chế sự ô nhiễm môi trường. Tiến tới hành động không xả rác thải, các vật dụng như vỏ trái cây, rau củ quả cũ, bã cà phê, vỏ trứng,… đều được chị Quỳnh Anh và mọi người tận dụng triệt để. Chị cho biết, các vỏ trái cây có thể tận dụng để làm ra nước rửa tay sinh học, cực kỳ an toàn với da tay cũng như môi trường. Ngoài ra, những phế phẩm từ nhà bếp (rau củ, vỏ hành, vỏ bầu bí…) đều được tận dụng để ủ phân tự nhiên, và bón cho cây cối quanh vườn.
Trên thực tế, khó khăn và thách thức khi triển khai không hề ít. Các thành viên trong gia đình tuy đã đến lúc ủng hộ ý tưởng triển khai của mô hình Huế Eco Homestay này, nhưng cũng không tránh khỏi những lúc tâm trạng không được vui khi nhìn toàn bộ không gian nhà đều được chất đủ các loại rác ở các góc, nào là nylon, vỏ chai nhựa, giấy, lon sữa, lọ thủy tinh đã qua sử dụng, ấm nước cũ... ra sân thì phơi đầy bao bì túi nylon để nhét làm chai rác sinh thái.
Về tài chính, tuy các bên nhận được đề xuất tài trợ từ Huế Eco Homestay đều đánh giá rất cao ý tưởng, nhưng với chiến lược tài trợ của mỗi đơn vị có một số ràng buộc riêng nên không nơi nào sẵn sàng cấp nguồn kinh phí dù cho những hoạt động đã được chia nhỏ ra từ mức 1.000 đô la Mỹ đến 7.000 đô la Mỹ và tổng nguồn xin tài trợ chỉ chiếm 30% tổng kinh phí, 70% còn lại gia đình vay vốn từ ngân hàng.
“Không xin được nguồn, quyết vẫn không chùn bước trước nhiều thách thức, gia đình tiếp tục vay 30% còn lại để hoàn thành công trình theo dự kiến”, chị chia sẻ.
Chưa kịp mừng sau khi đưa cơ sở đi vào hoạt động thời gian ngắn, chị Quỳnh Anh lại buồn khi mùa dịch Covid-19 đến và Huế Eco Homestay phải đóng cửa ba tháng.
Nhưng khó khăn cũng không làm nản lòng người phụ nữ Huế này.
“Tuy gián đoạn, nhưng do mô hình của Huế Eco Homestay rất thiết thực và đi đúng trọng tâm của xu hướng chung toàn cầu chứ không riêng gì của một quốc gia nào, nên cơ sở đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng, các đơn vị truyền thông, các báo đài địa phương và cả nước, qua đây đã giúp mô hình này được tuyên truyền, quãng bá một cách rộng rãi”, chị kể với giọng vui hơn.
Chị kể thêm rất nhiều vị khách từ các tỉnh xa đã đến đây lưu trú, họ như cảm nhận được hồn xanh nơi đây qua từng câu chuyện gắn liền với từng sản phẩm, từng hướng dẫn và quy định xanh tại đây và vẫn giữ liên lạc với chị để gửi những hình ảnh tái chế họ đang áp dụng sau khi đến đây hay gửi những thông tin liên quan đến sứ mệnh xanh. Thậm chí chị vừa nhận được một thùng gồm 100 lọ thủy tinh từ một gia đình tại Hà Nội sau khi sử dụng, họ không còn muốn “giao phó cho môi trường” và đã lưu giữ để gửi cho Huế Eco Homestay tái chế.
"Đây chính là những niềm vui, niềm khích lệ thêm cho mình với sứ mệnh bảo vệ môi trường này . Vì vậy mình rất mong muốn mô hình sinh thái này sẽ được lan tỏa, nhân rộng nhiều hơn nữa vì một môi trường xanh", chị xúc động kể.
Trong sinh hoạt hàng ngày, chị Quỳnh Anh cũng tiếp tục tuyên truyền cho gia đình và mọi người về tác hại của rác thải nylon, rác thải nhựa và sự tác động của nó đến với môi trường. Mỗi ngày đi chợ chị thường mang theo giỏ, hộp đựng thức ăn và mang theo cả những bì nylon đã được làm sạch, phơi khô để cho những mệ già bán rau tại chợ tái sử dụng lại. Nhiều người dân lúc đầu còn lạ lẫm, khó hiểu, đến bây giờ, hầu như một số nơi bán hàng tại chợ gần như không sử dụng bao nylon khi bán hàng cho chị.
“Hãy hành động - Action Please” gần như là kim chỉ nam để thôi thúc hành động của mỗi người khi đặt chân đến đây. Ngay từ những việc nhỏ nhặt nhất như thế, chị Quỳnh Anh luôn muốn cố gắng làm nhiều nhất có thể vì môi trường. Rác thải vẫn còn có những công dụng của nó, bằng tâm huyết và nỗ lực, chúng ta hoàn toàn vẫn có thể biến chúng thành những vật dụng có ích, vậy hãy xả rác một cách có ý thức, văn minh và tiết kiệm nhất.
Tại nơi đây, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, du khách, việc quảng bá các sản phẩm làm từ thiên nhiên, từ những nguyên liệu địa phương cũng được đẩy mạnh. Hiện các sản phẩm như Trà vương tôn, túi thơm từ cây cỏ, xà phòng tắm, son dưỡng môi từ tinh dầu dừa, tin dầu sả chanh, nón lá sen, hoa giấy do các bạn trẻ khuyết tật làm… đều được để sẵn và giới thiệu cho du khách trong nước và quốc tế.
Không chỉ dừng lại ở đây, điều rât đáng khích lệ cho chị Quỳnh Anh là một số tổ chức phi chính phủ bắt đầu biết đến mô hình này và đã chủ động liên lạc, kết nối cùng hợp tác. Gần đây nhất là tổ chức WWF (Worldwild Fund for Nature – Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã) của Việt Nam đã ký kết thỏa thuận cấp vốn cho một số hoạt động cần thiết của Huế Eco Homestay cho giai đoạn từ nay đến hết 2020.
“Càng lúc mình càng cảm nhận được niềm hạnh phúc và mất dần cảm giác “đơn độc” trong hành trình xanh như thi thoảng vẫn từng xuất hiện trước đây”, chị kể. “Quả đúng như tâm nguyện của chính bản thân mình từ ban đầu, trong kinh doanh hãy khoan đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu mà cần phải hướng đến những giá trị nào bạn có thể mang lại cho cộng đồng, cho môi trường và xã hội, ắt hẳn bạn sẽ được đền đáp.”
Cuối cùng, chia sẻ với TBKTSG Online, chị Quỳnh Anh nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đều có thể mạnh dạn bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, dần dần mới có thể mang lại ảnh hưởng và thay đổi lớn được - Không chừ biết khi mô?
Nhân Tâm
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online