(SGTT) - Tham gia chương trình "Ở nhà vui lắm nha", bạn đọc có tên Trần Quang Duy đã có đôi dòng nhắn gửi đến Sài Gòn thân thương trong những ngày dịch bệnh hoành hành. Những tâm tư của anh Quang Duy được Sài Gòn Tiếp Thị trích lại dưới đây.
- Ở nhà mùa dịch: Khẩu trang bảo vệ bạn và tôi!
- Ở nhà mùa dịch: Bữa cơm gia đình, khoảnh khắc bạn bỏ lỡ bấy lâu nay
- Du lịch giữa mùa dịch: Cần Giờ, thân thuộc như ở nhà, không lo về giá
Mến gửi Sài Gòn,
Ai đó từng nói rằng, mỗi con người mưu sinh chốn này là những tế bào tạo nên một Sài Gòn đầy hỷ nộ ái ố. Bây giờ Sài Gòn lâm bệnh, "băng bó" tứ bề thì từng tế bào cũng "trọng thương" thật nhiều, kẻ "trọng thương" tinh thần, người "trọng thương" miếng cơm manh áo, đủ bề lo toan.
Những ngày này thấy Sài Gòn đón tin dữ mỗi sớm bằng mấy con số tăng đều, nhưng may thay những câu chuyện tích cực hiện hữu từng góc phố của những con người lành tính, đôn hậu nơi đây, của phiên chợ 0 đồng, của bữa trưa 0 đồng, của lời kêu gọi ngọt xớt chân thành từ người dân Sài Gòn. Họ chộn rộn sẻ chia miếng no miếng đói mà dập tắt hết trơn bao nỗi sợ "Cô Vy" đem lại, ngó ấm lòng biết bao, thấy niềm tin dâng trào. Giờ tôi chỉ mong Sài Gòn lo "dưỡng thương" thật tốt mà mau khoẻ lại cho bà con vui mừng, chứ Sài Gòn bệnh hoài mấy tháng trời, ai có thèm cười tiếng nào "đã nư" đâu.
Chúng ta ai chẳng một lần ghét Sài Gòn…
Ai chẳng một lần muốn biến hai chữ “Sài Gòn” thành dĩa cơm tấm để và vội hết vào miệng hay tô hủ tiếu húp một phát hết. Thế là xong, chẳng còn gì.
Nhưng mà, thành phố này vốn chẳng có lỗi... chỉ là ngay cái giai đoạn mà cuộc đời của một con người bị "án ngữ" và xoay vần bởi 4 thứ: tuổi trẻ, tình yêu, sự nghiệp, đam mê - chúng ta lại chọn ở Sài Gòn.
Thế thì:
Cứ nên vứt bỏ hết tất cả để ngả lòng vào một ai đó, vì chẳng phải người ta vẫn hay gắn thanh xuân của mình với những mối tình sao?
Hay cứ một lần sống hết mình vì đam mê, chẳng cần biết ngày mai ra sao, chỉ cần hôm nay mình hiểu thế nào là đắm say, là thăng hoa.
Hay tận dụng cái hoa lệ, cái phồn vinh của một thành phố mang tên Sài Gòn để dựng xây sự nghiệp, hưởng cái bình yên lúc xế chiều?
Sài Gòn chẳng cho bạn câu trả lời nào chính xác cả, ngã ở chỗ nào, đứng lên chỗ đó thì mới hòng tìm được đáp án.
Sài Gòn không là nơi ai đó có thể yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên được, khó lắm. Người ta mãi mê với cuộc sống, với bản thân để thấy rằng Sài Gòn khô khan, vô cảm và đôi khi còn khó ưa nữa. Vậy đó mà tôi nặng tình khi nào không biết, đi vừa xa một cái là biết mình đã yêu, đã nhớ cái nơi mà mình hờn trách này.
Nếu ví với món ăn chắc Sài Gòn giống nồi lẩu thập cẩm không thể ăn vội được, phải tìm một quán thật ngon, thong thả ngồi xuống, dò xem menu, đợi dọn lên từng dĩa một, đến chờ nước sôi, rồi mở nắp thưởng thức từng chút từng chút ấy. Tôi nghĩ, chén cuối cùng sẽ luôn là chén ngon nhất sau khi nước đã sắc lại, đủ để bạn mang cái sự ấm ngọt ấy về nhà, thấm tận mấy hôm sau.
Mà cũng bởi vì chúng ta chưa mở lòng, nhìn nhận Sài Gòn một cách phóng khoáng trong suy nghĩ chật hẹp nên mới cảm thấy khó “nuốt”, một nồi lẩu không khó để ăn hết, chỉ là do cách ăn của chúng ta thôi.
Sài Gòn sẽ khắc nghiệt đủ để dạy người ta một bài học đau đến nhớ đời, nhưng trưởng thành. Sài Gòn cũng sẽ "cất giữ" cho người ta những góc dung dị, bình thường và chậm chạp - bên dưới những toà nhà Bitexco, Landmark 81 - đủ để người ta có những ngày ngồi lặng yên và thở.
Ghét một thứ gì đó, nghĩa là ta đã từng yêu rất nhiều... Sài Gòn sẽ sớm khoẻ lại thôi.
Trần Quang Duy
Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.