(SGTT) - Tòa án Nhân dân huyện Hóc Môn hôm 23-4 đã tuyên phạt đối tượng Trương Văn Tuấn trú ở xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TPHCM 10 năm 6 tháng tù về hành vi nuôi nhốt trái phép các loài động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp, quý hiếm theo quy định tại khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
- Giao rùa biển quý hiếm từ thông tin của báo SGTT cho cơ quan bảo tồn động vật hoang dã
- TPHCM và Hà Nội “về chót” trong giải cứu động vật hoang dã
- Bảo vệ động vật hoang dã, nhìn từ cái chết con tê giác Java cuối cùng
Theo đó, tháng 11-2019, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn TPHCM đã phát hiện và thu giữ 57 cá thể ĐVHD các loại, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở mức độ cao nhất – thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Đó là báo gấm (Neofelis nebulosa), beo lửa (Catopuma temminckii), cầy mực (Arctictis binturong), mèo cá (Prionailurus viverrinus), cầy vằn bắc (Chrotogale owstoni), rái cá vuốt bé (Aonyx cinereus), bồ nông chân xám (Pelecanus philippensis), vượn đen má vàng (Nomascus (Hylobates) gabriellae), công má vàng (Pavo muticus), cắt lớn (Falco peregrinus) và vượn pi-lê (Hylobates pileatus) tại cơ sở nuôi ĐVHD của đối tượng Trương Văn Tuấn (xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TPHCM).
Ông Trương Văn Tuấn khai rằng phần lớn số ĐVHD này do một số cơ quan kiểm lâm ở phía Nam giao cho ông (theo dạng sau khi được người dân tự nguyện giao nộp ĐVHD cho kiểm lâm và kiểm lâm chuyển cho cơ sở của ông) và một phần khác do ông mua trôi nổi trên thị trường. Ông Tuấn cũng đã cung cấp bảng kê lâm sản có xác nhận của các cơ quan kiểm lâm có liên quan chứng minh nguồn gốc của số ĐVHD này. Tuy nhiên, qua xác minh, cơ quan cảnh sát điều tra xác định hầu hết các trường hợp giao nộp ĐVHD theo lời khai của Tuấn và thể hiện tại các bảng kê lâm sản do đối tượng này cung cấp là không có thật. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã khởi tố vụ án “Giả mạo trong công tác” để làm rõ trách nhiệm của các cán bộ kiểm lâm có liên quan.
Bên cạnh đăng ký và được cấp mã số cơ sở nuôi ĐVHD dưới tên mình, ông Tuấn cũng đồng thời là chủ của nhiều cơ sở nuôi ĐVHD dưới danh nghĩa của một số cá nhân khác. Các cơ sở này đều được cơ quan kiểm lâm cấp phép nuôi thương mại một số lượng lớn ĐVHD, trong đó có những loài được các nhà khoa học đánh giá là “không có khả năng gây nuôi thương mại” như rùa đầu to.
Việc sử dụng vỏ bọc cơ sở nuôi ĐVHD có đăng ký hợp pháp để “hợp pháp hóa” ĐVHD bất hợp pháp của ông Tuấn không phải là một hiện tượng cá biệt. Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã không ít lần phát hiện các cơ sở nuôi ĐVHD có đăng ký hợp pháp, lại lợi dụng cơ sở của mình để buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD.