(SGTT) - Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) đã tuyên phạt 7 năm tù, phạt bổ sung 10 triệu đồng với ông Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1988, trú tại thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) về hành vi nuôi nhốt trái phép 14 cá thể kỳ đà vân.
- Nuôi gấu con bị phạt 1 năm tù, rao bán động vật hoang dã trên mạng phạt hàng trăm triệu đồng
- Người dân Nghệ An kêu gọi dừng buôn bán động vật hoang dã trái phép
Trước đó, vào tháng 7-2021, tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, bắt quả tang ông Tùng đang vận chuyển một số cá thể rắn trái phép đi tiêu thụ. Kiểm tra nhà của ông này, các cơ quan chức năng phát hiện và tịch thu thêm 14 cá thể kỳ đà vân và nhiều động vật hoang dã khác. Toàn bộ số động vật hoang dã (ĐVHD) này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Việt Nam là nơi phân bố tự nhiên của hai loài kỳ đà là kỳ đà hoa (Varanus salvator) và kỳ đà vân (Varanus nebulosa). Trong đó, kỳ đà vân thuộc lớp bò sát được bảo vệ ở cấp độ cao theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Cụ thể, kỳ đà vân nằm trong Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tê động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và nhóm IB Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP.
Tùy theo số lượng cá thể bị xâm hại và một số yếu tố khác, các hành vi vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép kỳ đà vân có thể bị xem xét xử lý hình sự theo quy định tại Điều 244 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21, 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã nhằm góp phần bảo vệ các loài động vật hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng, tránh các hậu quả pháp lý đáng tiếc nếu bị phát hiện hành vi vi phạm cũng như để phòng ngừa nguy cơ lan truyền các dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Hồng Văn