(SGTT) - Dù chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng các cơ sở sản xuất nước mắm theo mô hình sản phẩm truyền thống OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Phú Yên vẫn hối hả vào vụ tết. Không chỉ phục vụ thị trường trong tỉnh, mà còn cung ứng cho các tỉnh, thành trong cả nước.
Nước mắm đi “dạo Tết”
Những ngày giáp tết, mỗi ngày Cơ sở sản xuất nước mắm Ngân Mỹ Á, xã An Phú, thành phố Tuy Hòa (vừa được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021 của tỉnh Phú Yên), xuất ra thị trường từ 200 đến 300 lít các loại, tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Thị trường ưa chuộng nhất hiện nay không chỉ ở tỉnh Phú Yên, mà còn vươn ra các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Ông Trịnh Văn Gấm, Chủ cơ sở sản xuất nước mắm Ngân Mỹ Á, cho hay mùa tết nước mắm thường khan hiếm, thiếu sản lượng. Nhưng năm nay do Covid, ông chủ động sản lượng dự trữ được, đảm bảo đủ cung cấp cho thị trường, đảm bảo uy tín, chứ không phải vì số lượng mà giảm chất lượng.
Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nên vụ sản xuất nước mắm tết năm nay bắt đầu muộn hơn so với mọi năm. Thế nhưng, chủ cơ sở vẫn chuẩn bị hàng trăm tấn nguyên liệu để tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời tuyển thêm lao động nhàn rỗi phục vụ kịp thời thị trường tết.
Ông Lê Văn Quốc, nhân viên cơ sở sản xuất nước mắm Ngân Mỹ Á, cho hay ông hay chở nước mắm đi phân phối trong tỉnh. Ngày giáp tết việc vận chuyển tấp nập hơn, mỗi ngày được vài ba chuyến, chở nước mắm “dạo tết” nhiều nơi. "Bán nhiều, tăng thu nhập cho người lao động nên rất vui", ông nói.
Được biết, nước mắm Phú Yên sản xuất theo lối truyền thống, có màu cánh gián đậm, trong và có mùi thơm đặc trưng, nên mỗi độ tết đến xuân về, các cơ sở này nhộn nhịp đưa đặc sản của địa phương đến người tiêu dùng cả nước, tạo hương vị đặc sản vùng miền cho ngày tết thêm đầm ấm.
Nước mắm “ra lò” lên trang web thương mại điện tử
Nước mắm nhỉ Tân Lập (Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Phú Yên năm 2020. Sử dụng nguyên vật liệu cá cơm tươi của vùng biển ngoài khơi Phú Yên, ướp với muối biển Tuyết Diêm (Sông Cầu), cùng với đó dùng phương pháp gài nén và ủ chượp theo tỷ lệ 3 cá 1 muối.
Để có được nước mắm thành phẩm phải trải qua các công đoạn như muối cá (trộn cá với muối sạch), ủ cá… Trước đây, ông bà, cha mẹ muối cá cơm để ươn, nhưng nay thay đổi muối cá còn tươi.
Khi ướp cá với muối rồi ủ cá, để một thời gian thịt cá “chín”, nước đầu tiên lấy ra gọi là nước máu. Từ thùng ủ cá, người làm đưa nước máu đó chuyển sang bể dang nắng. Nước mắm chế biến theo phương pháp truyền thống phải dang nắng từ 6-7 tháng. Khoảng thời gian này đủ để tiêu tan nước máu và chuyển thành đạm. Đây là yếu tố quyết định đến giá trị dinh dưỡng, mùi, vị của nước mắm.
"Nước mắm mới lấy ra có màu trắng lợt, sau khi dang nắng thì chuyển sang màu đỏ, mà phải dang "đủ nắng", nếu yếu nắng nước mắm trở mùi, trong chai nổi cợn, không để được lâu. Nước mắm ngon nếm thử ngọt ngay. Nước mắm truyền thống ủ trong thùng gỗ, khi bán thì phân ra, nước mắm 30 độ đạm hiện nay có giá 100.000 đồng/lít, 20 độ đạm 50.000 đồng/lít", ông Ông Phạm Văn Khải, Chủ cơ sở sản xuất nước mắm Tân Lập chia sẻ.
Với mùi thơm đặc trưng, vị mặn có hậu ngọt tự nhiên nhưng không chát, sản phẩm nước mắm Tân Lập sau khi “ra lò” sẽ được phân chia thành nhiều loại theo những mức chất lượng riêng.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Yên, cho hay cơ sở sản xuất nước mắm đạt sản phẩm OCOP 3 sao là những sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương theo công thức truyền thống. Khi được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm sẽ được đưa lên trang web thương mại điện tử của tỉnh Phú Yên để giới thiệu những sản phẩm OCOP xúc tiến thương mại trực tiếp, kết nối thị trường trực tuyến để cho người tiêu dùng biết.
Mạnh Hoài Nam