(SGTT) - Cứ mỗi dịp lễ tết hoặc đám cưới của đồng bào Khmer, những chiếc “num kha - nhây” được tỉ mỉ tạo hình thành “đom kha - nhây” - một cây gừng để trưng trên bàn thờ gia tiên. Món bánh lạ mà quen này trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer.
- Hương xuân rộn ràng bên nồi bánh tét của đồng bào Khmer tại Sóc Trăng
- Hàng chục ngàn du khách ‘tụ hội’ về Sóc Trăng xem đua ghe ngo
- Nhiều hoạt động đón chờ du khách dịp lễ hội Ok Om Bok tại Trà Vinh, Sóc Trăng
Num kha - nhây có nghĩa là bánh gừng, là tên của loại bánh làm từ bột và trứng, nắn thành hình dáng củ gừng. Muốn ăn loại bánh này phải tìm được người thợ chuyên làm bánh gừng và đặt riêng, vì hiếm nơi bán bánh. Tôi theo lời giới thiệu của người dân khu vực ấp Hà Bô, xã Tài Văn (Sóc Trăng), tìm đến mợ hai Đa - một thợ làm bánh gừng khéo tay có tiếng.
Chế biến đơn giản nhưng lại kỳ công
Bột bánh gừng chủ yếu là bột nếp, nhưng có trộn thêm một ít nguyên liệu khác mà chỉ những người bán hàng thạo nấu ăn mới biết. “Ngay khu chợ Mỹ Xuyên chỉ có duy nhất “hàng xén” cô Thương mới biết trộn bột bánh gừng này. Làm đúng bột bánh mới ngon, còn xài bột nếp vẫn được, nhưng không ngon bằng”, mợ hai Đa cho biết.
Nguyên liệu làm bánh gừng rất đơn giản: 1kg bột bánh gừng, 14 quả trứng vịt, một ít dầu ăn, một quả chanh tươi, đường cát trắng. Trứng vịt nên dùng loại “chạy đồng” vì loại trứng này ngon, bùi và ít tanh hơn.
Các công đoạn chế biến cũng đơn giản, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công. Đầu tiên cần đánh trứng cho thật “nổi”, công đoạn này có thể dùng máy đánh trứng. Nước cốt chanh được cho vào trong trứng để giúp trứng nhanh bông và bánh cũng trắng đẹp hơn. Sau đó chia phần trứng đã đánh bông thành hai phần. Một phần cho trực tiếp bột bánh gừng vào, nhồi kỹ. Phần trứng còn lại sẽ được rưới từ từ vào hỗn hợp bột trứng trong quá trình nhồi. Sau khi hỗn hợp hòa quyện thành một khối, cho từng muỗng dầu ăn nhỏ vào khối bột và tiếp tục nhồi thật kỹ. Thao tác này được lặp đi lặp lại khoảng 10 lần, đến khi khối bột hoàn toàn không nhẵn bóng, không còn dính tay là được.
Khâu tạo hình cho bánh là khâu khó nhất và đòi hỏi sự tỉ mẩn. Có 3 kiểu tạo hình: cây gừng, củ gừng và hoa lục bình. Trong đó, tạo hình củ gừng được ưa chuộng nhất. Khâu tạo hình này chiếm một nửa thời gian làm bánh.
Bánh được chiên trên lửa lớn trong khoảng 3 phút sẽ chín đều. Có thể dùng ngay hoặc ngào đường đều ngon.
“Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”
Món bánh gừng mang ý nghĩa thủy chung, son sắt nên thường xuất hiện vào đám cưới và dịp lễ, tết của đồng bào Khmer. Khi trưng bánh trên bàn thờ gia tiên, người thợ làm bánh dùng khoảng 50 cái bánh gừng, thân cây chuối to và những cây tre vuốt nhọn để tạo hình bánh thành một cây gừng to. Có thể dùng giấy đỏ với ý nghĩa may mắn, báo hỷ để quấn phần thân chuối. Một cây gừng hoàn chỉnh như vậy còn được gọi là “đom kha - nhây”.
Mỗi đám cưới của người Khmer trưng hai cặp “đom kha - nhây”, tức bốn cây gừng hoàn chỉnh. Mỗi cặp “đom kha - nhây” có giá dao động từ 600.000 - 800.000 đồng. “Thấy vậy chứ làm cực lắm, bốn ký bột mới làm được bốn cây bánh, vị chi một cây bánh là một ký bột. Người thạo làm cũng mất cả ngày, mà phải có người phụ làm nữa mới xong nghe”, mợ hai Đa vừa tỉ mẩn cố định từng cái bánh, vừa cười, nói.
Bánh gừng thơm mùi trứng, béo và bùi, vỏ ngoài giòn rụm, bên trong mềm mại, hương vị lại ngọt thanh, rất dễ ăn nên được nhiều thực khách yêu thích. Bánh gừng không chỉ là một thức ăn vặt bình dân, mà còn là một lời nhắc nhở về lòng thủy chung, son sắt của con người Việt Nam.
Bánh gừng hoàn toàn không dùng nước và đường khi nhồi bột. Bánh dùng để làm “đom kha - nhây” sẽ không ngào đường, tránh thu hút côn trùng và chảy đường khi trưng trên bàn thờ gia tiên. Tuy không ngào đường nhưng bánh vẫn ngọt thanh nhè nhẹ, thơm ngon.
Bích Duy