(SGTT) - Nền nông nghiệp sạch đòi hỏi người nông dân phải thích ứng và lựa chọn cho mình những công nghệ phù hợp với việc sản xuất. Đây là nội dung chính của hội thảo “Giúp nông dân làm nông thông minh” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group) phối hợp với Đài truyền hình tỉnh Hậu Giang và UBND địa phương này tổ chức vừa qua.
Vì sức khỏe cộng đồng
Tại hội thảo, bà Nguyễn Kim Thùy, chủ cơ sở sản xuất cá thát lát Kỳ Như, cho biết bà nhận thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ cá thát lát của người tiêu dùng rất lớn nhưng họ lại ngại cá có nhiều xương. Bà nói: “Sau khi nghiên cứu cách thức loại bỏ xương nhưng vẫn giữ nguyên vẹn con cá, tôi đã thành công và đăng ký thương hiệu cá thát lát rút xương tẩm gia vị. Hiện mỗi tháng cơ sở của tôi cung cấp khoảng 10 tấn cá thành phẩm cho hệ thống Lotte TPHCM, siêu thị Metro Cần Thơ và các địa phương như Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội, thu về mỗi tháng 80 triệu đồng lợi nhuận”.
Theo bà Thùy, người tiêu dùng đang hướng đến sử dụng sản phẩm sạch và có truy xuất nguồn gốc. “Chính vì thế, sản phẩm làm ra phải đảm bảo quy trình sạch và an toàn. Nguồn hàng cá thát lát thương phẩm được sử dụng chế biến, ngoài cá tự nuôi, cơ sở của tôi còn liên kết, hợp tác thu mua của những cơ sở nuôi theo quy trình sạch”, bà nói.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Công ty cổ phần Nông trại sinh thái Ecofarm, cho biết năm 2008 công ty đã đầu tư hệ thống 4.200m2 nhà lưới theo công nghệ Israel tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang nhằm phát triển vùng rau an toàn. “Tết năm 2009, sản phẩm rau sạch từ nông trại Ecofarm lần đầu xuất hiện khắp Phú Quốc. Sau đó, Ecofarm mở rộng quy mô sản xuất tại Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp…”, ông nói.
Năm 2011, Ecofarm liên kết, hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình sản xuất 10ha tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP và bao tiêu đầu ra toàn bộ sản phẩm. Trong quá trình hợp tác, Ecofarm đã hỗ trợ nông dân nhiều mặt, hướng tới áp dụng quy trình sản xuất sạch như cung ứng trụ tiêu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, phân hữu cơ vi sinh, tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân ủ lên men vi sinh xác cá, mắm, phân chuồng; hướng dẫn xử lý sâu bệnh theo phương pháp sinh học.
Giúp nông dân ứng dụng công nghệ cao
Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh Hậu Giang cũng đã xác định hướng đi riêng. Đó là phát triển nông nghiệp xanh, thúc đẩy mô hình kinh tế bền vững, hướng tới nông nghiệp thông minh, liên kết phát triển theo cơ chế thị trường trên nền tảng logistics.
Từ cơ sở đó, theo ông Châu, địa phương đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang tại huyện Long Mỹ với diện tích 5.200ha, có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các nhà đầu tư làm nông nghiệp 4.0, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông sản.
Đồng thời, những năm qua nông nghiệp Hậu Giang nói riêng và vùng đồng bằng Sông Cửu Long còn gặp nhiều khó khăn như tác động của biến đổi khí hậu; cách làm của người nông dân vẫn dựa theo kinh nghiệm, mức độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn thấp; mối liên kết giữa nông dân với các khâu khác chưa chặt chẽ, chưa xây dựng được chuỗi ngành hàng…
Chính vì vậy, theo ông Châu, việc giúp nông dân làm nông thông minh là hết sức cần thiết nhằm tìm ra những giải pháp phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ 4.0. “Từ đó, giúp nông dân, hợp tác xã dễ dàng tiếp cận các ứng dụng công nghệ, đặc biệt là sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các viện, trường…”, ông nhấn mạnh và cho rằng đây cũng là con đường tối đa hóa lợi nhuận cho người nông dân.
Ông Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn thuộc Đại học Cần Thơ, gợi ý đối với sản xuất lúa gạo, Hậu Giang có thể đưa công nghệ viễn thám vào quản lý sản xuất và sâu bệnh hay ứng dụng quản lý cây trồng thông qua điện thoại, sử dụng phân bón thông minh để sản xuất lúa gạo hữu cơ.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Rynan Holdings JSC, cho biết hoạt động canh tác lúa của bà con gặp nhiều khó khăn như bị xâm nhập mặn, sử dụng phân bón không hiệu quả, thiếu lao động… Một trong những giải pháp được công ty đưa ra là xây dựng các phao quan trắc nước thông minh để kiểm soát độ mặn. Nông dân chỉ cần dùng điện thoại, truy cập vào ứng dụng được kết nối không dây với các phao quan trắc là có thể biết chính xác độ mặn trên sông. Khi nguồn nước đảm bảo, nông dân chỉ cần bấm nút điều khiển trên điện thoại là có thể đưa nước lên ruộng.
Trung Chánh