(SGTT) - Trong chuyến công tác tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vào ngày 13-7, Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đặt mục tiêu hoàn thành 600km cao tốc trong nhiệm kỳ này và 600km nữa trong nhiệm kỳ sau để cả vùng có 1.200km cao tốc.
- Hơn 150 tỉ đồng hỗ trợ giải phóng mặt bằng đường nối cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu
- Bắt đầu dùng cát biển đắp nền cao tốc Hậu Giang – Cà Mau
Theo TTXVN, đây là lần thứ ba Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng các dự án đường bộ cao tốc tại ĐBSCL.
Theo quy hoạch, vùng này sẽ có 6 tuyến cao tốc, gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang. Trong đó, dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 là tuyến giao cao tốc trục ngang dài 188km, có tổng mức đầu tư gần 44.700 tỉ đồng, khởi công tháng 6-2023, dự kiến hoàn thành năm 2027.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt 99%, chủ yếu chỉ còn khoảng 1% tập trung tại 86 hộ dân và công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là 15 vị trí đường điện cao thế.
Theo baochinhphu.vn, về nguyên vật liệu, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án khoảng 29 triệu m3, đến nay đã cơ bản giải quyết đủ nguồn cung vật liệu cát về trữ lượng. Tuy nhiên, công suất khai thác còn thấp, chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu nên cần nâng công suất.
Về công tác thi công, giải ngân, dự án khởi công 4/14 gói thầu xây lắp đầu tiên từ tháng 6-2023. Đến tháng 12-2023, các địa phương đã khởi công toàn bộ 14/14 gói thầu. Lũy kế sản lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 9,3% giá trị hợp đồng. Trong đó, An Giang đạt 20,5%, Hậu Giang đạt 11,9%, Cần Thơ đạt 5%, Sóc Trăng đạt 2,3%.
Sau khảo sát thực địa, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc làm việc tại chỗ với các bộ, ngành, địa phương, nhà thầu nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy dự án và các dự án khác để cả vùng có 1.200km cao tốc.
Mạng lưới cao tốc này cùng với hệ thống giao thông thủy nội địa, các cảng lớn như Cái Cui, Ô Môn, Trần Đề, các sân bay… sẽ cơ bản giải quyết vấn đề giao thông cho ĐBSCL.