Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Những yêu cầu mới về nhân lực fintech

(SGTT) - Lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) đang thiếu nguồn nhân lực có kiến thức về công nghệ thông tin đồng thời thành thạo nghiệp vụ tài chính kinh doanh. Một số trường đại học đã đưa vào chương trình đào tạo những nội dung liên quan để đáp ứng nhu cầu của người học và các nhà tuyển dụng tương lai.

Ngành fintech đang cần nhân lực vừa am hiểu kiến thức tài chính vừa nắm vững những kỹ năng công nghệ cần thiết. Ảnh: Pinterest

Lưu Hà Thanh Anh (18 tuổi) vừa đậu tốt nghiệp lớp 12 và chọn ngành fintech (công nghệ tài chính) để theo học bậc đại học. Quyết định này đến từ lần Thanh Anh tham gia một cuộc thi nhỏ về khởi nghiệp (startup) với bạn bè vào năm 2018. Nhờ trải nghiệm này, Thanh Anh đã nhận được nhiều lời tư vấn về thương mại điện tử và về lập trình, hai mảng quan trọng trong ngành fintech. Từ đó em có được hiểu biết ban đầu về vai trò của ngành fintech và chọn nó làm ngành học để theo đuổi.

Nhu cầu nhân lực đang hình thành

Vài năm gần đây, số lượng những bạn trẻ thích fintech như Thanh Anh đang ngày càng gia tăng. Tuy vậy, nhân lực trong ngành mới mẻ này vẫn còn thiếu. Phó viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng Phạm Xuân Hòe chia sẻ, vấn đề hiện nay về nhân lực cho ngành fintech là người biết về công nghệ thông tin (CNTT) thì thường không có chuyên môn trong lĩnh vực tài chính, ngược lại người biết tài chính thì không am hiểu CNTT.

Hệ quả là nhân lực chỉ giỏi CNTT mà không có kiến thức tài chính sẽ không đạt hiệu quả công việc trong lập trình ứng dụng về fintech. Ngược lại, nhân sự cấp cao có chuyên môn về tài chính ngân hàng thường quyết định chậm hoặc sai lầm khi đầu tư về công nghệ do ít am hiểu về CNTT. Cuối cùng, khi yêu cầu trình độ nhân lực trong ngành fintech dần nâng cao thì những nhân viên, lãnh đạo cũ, không thông thạo cả hai mảng CNTT và tài chính sẽ khó trụ vững trong ngành.

Trên thực tế, không chỉ những ai chọn ngành fintech mới phải học thêm về công nghệ. Các tập đoàn lớn đang số hóa quy trình làm việc cũng có nhu cầu về người am hiểu cả tài chính và công nghệ. Báo cáo của Hiệp hội kế toán viên quốc tế (ACCA) cho thấy nhu cầu sử dụng nhân lực ngành tài chính sắp tới sẽ cần thêm một số kỹ năng mới liên quan đến công nghệ. Hiện nay, các công ty vẫn phải thuê ngoài các chuyên viên về big data (dữ liệu lớn) và lập trình. Tuy vậy, họ đang có nhu cầu tuyển các vị trí về tài chính, thuế và quản lý nắm vững về công nghệ. Trong tương lai gần, nhân viên trong ngành tài chính sẽ phải hiểu được một số mảng của ngành công nghệ thông tin để cùng làm việc với bộ phận kỹ thuật khi cần phát triển thêm phần mềm.

Giải pháp từ ngành giáo dục đào tạo

Các cơ sở giáo dục đào tạo đã nắm bắt được nhu cầu của nguồn nhân lực fintech và cho ra đời các chương trình đào tạo phù hợp. Chương trình học fintech chủ yếu đào tạo về ngành tài chính ngân hàng kèm thêm thời lượng lớn cho các môn về lập trình của ngành công nghệ thông tin. Đơn cử như chương trình đào tạo Cử nhân chất lượng cao Công nghệ tài chính của trường Đại học Kinh tế-Luật TPHCM dành 60% thời lượng để trang bị cho sinh viên về chuyên môn kinh tế, kinh doanh và tài chính-ngân hàng. Còn lại 40% thời lượng của chương trình được dành để đào tạo về khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, công cụ toán học và thống kê ứng dụng trong lĩnh vực tài chính để sinh viên áp dụng công nghệ vào ngành nghề. Theo thống kê của trường, các sinh viên học ngành công nghệ tài chính sẽ phù hợp với các nghề nghiệp phát triển công nghệ tài chính, quản lý tại các công ty fintech, công ty phát triển phần mềm, tổ chức tài chính.

Nhiều chuyên viên ngành ngân hàng cũng nhìn nhận nhu cầu tuyển người vừa có kiến thức tài chính ngân hàng vừa có kiến thức công nghệ. Ông Bùi Xuân Trường, Giám đốc công nghệ ngân hàng số của Ngân hàng Tiên Phong, chia sẻ các ngân hàng đang đầu tư nhiều nguồn lực vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ máy học (Machine learning). Do đó, ngành ngân hàng có nhu cầu cao về nguồn nhân lực fintech. Một số cơ sở cũng đã tích cực đi đầu xu thế như chương trình Cử nhân công nghệ tài chính của Viện Ngân hàng Tài chính đã cung cấp các môn công nghệ khá chuyên sâu như Lập trình căn bản, Phân tích dữ liệu tài chính qui mô lớn, Hệ thống thông tin tài chính và Nhóm phần mềm ứng dụng trong tài chính. Chương trình của Viện Ngân hàng Tài chính đi theo hướng chuyên sâu, chủ động hướng nghiệp cho sinh viên vào những vị trí cụ thể như: trưởng nhóm Mô hình rủi ro trong mảng quản trị rủi ro, chuyên viên quản lý đề án công nghệ và chuyên viên cao cấp quản trị dữ liệu tại các ngân hàng hay các công ty phát triển phần mềm. Những công việc nói trên đều là những vị trí hấp dẫn, với mức lương có thể lên tới 30-40 triệu đồng một tháng.

Tương tự, một số chương trình thạc sĩ ngành tài chính cũng đang hướng đến việc đào tạo về công nghệ dành cho nhân lực ngành fintech. Viện quốc tế Pháp ngữ liên kết với trường Đại học quản trị Normandie của Pháp mở chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Ngân hàng, Tài chính & Fintech. Ngoài những kiến thức cơ bản và chuyên sâu ngành tài chính, sinh viên của khóa thạc sĩ này cũng phải học các môn thuộc ngành công nghệ thông tin như lập trình, lập trình hướng đối tượng và phát triển ứng dụng.

Mỹ Huyền

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những Fintech “làm mưa làm gió” trên thị trường năm 2020

0
(SGTT) – Trong năm 2020 đã có nhiều Fintech tạo được dấu ấn tại thị trường Việt Nam bất chấp những ảnh hưởng, khó...

Fintech Việt dần đi vào “hơi thở” cuộc sống

0
(SGTT) - Thống kê của Viện Chiến lược Ngân hàng (thuộc Ngân hàng Nhà nước) cho thấy dự kiến doanh thu từ các Fintech...

Kết nối