(SGTT) - Dịch sách là nghề đòi hỏi rất nhiều kỹ năng bên cạnh khả năng về ngoại ngữ. Trong một buổi giao lưu tại sân khấu đường sách Nguyễn Văn Bình (TPHCM) gần đây, một số dịch giả đã chia sẻ về những yếu tố cần thiết để một người có thể theo đuổi công việc này.
Dịch giả Hoàng Long, chuyên dòng văn học Nhật với những dịch phẩm đáng chú ý như Thất lạc cõi người, Tà dương, Bia mộ giữa biển; dịch giả Duy Khương với Nội tình của ngoại tình, Trải nghiệm cận tử; và biên tập viên Nguyễn Thu, Trưởng chi nhánh Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tại TPHCM, đã chia sẻ tại buổi giao lưu rằng dịch giả phải như là một chuyên gia trong lĩnh vực mà mình chọn dịch.
Đường vào nghề
Việc lựa chọn cuốn sách sẽ chuyển ngữ và liên hệ ra sao với nhà xuất bản là điều mà nhiều người băn khoăn khi đến với nghề dịch sách. Các dịch giả mới vào nghề có thể chủ động giới thiệu những dịch phẩm của mình cho nhà xuất bản.
Biên tập viên Nguyễn Thu chia sẻ, các nhà xuất bản đều cởi mở khi đón nhận những dịch phẩm được gửi đến. Tuy nhiên, mỗi nhà xuất bản sẽ có đặc điểm riêng nên dịch giả cần lựa chọn tác phẩm phù hợp tiêu chí của nhà xuất bản. Hơn nữa, bộ phận làm sách còn phải thẩm định, khảo sát nhu cầu độc giả để đánh giá xem cuốn sách đó có phù hợp để in hay không.
Nếu tác phẩm dịch gửi đến bị nhà xuất bản từ chối, người dịch vẫn còn một con đường để giới thiệu dịch phẩm. Họ có thể đăng một phần đã dịch lên các diễn đàn trực tuyến để xem phản ứng của người đọc. Một khi dịch phẩm được cộng đồng mạng hưởng ứng mạnh mẽ thông qua các lượt thích, bình luận, chia sẻ, dịch giả có thể lấy đó làm bằng chứng để thuyết phục nhà xuất bản một lần nữa.
Nhưng dù là chọn con đường nào để giới thiệu tác phẩm dịch của mình, dịch giả luôn cần có sự chủ động trong việc tìm kiếm tác phẩm. Đó có thể là những cuốn sách mà dịch giả đã đọc và muốn truyền tải lại những điều thú vị trong sách bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, người dịch phải hiểu khả năng của mình phù hợp với thể loại, lĩnh vực, tác giả nào. Chẳng hạn, dịch giả Hoàng Long chỉ chuyên dịch văn học Nhật Bản giai đoạn hiện đại (từ thời Minh Trị trở đi). Anh Long cho rằng: “Để thành danh trong lĩnh vực dịch thuật, chỉ nên dịch chuyên về một số ít tác giả. Thậm chí đối với một tác giả, chỉ nên dịch chuyên về tác phẩm trong một giai đoạn nào đó. Bởi khi xác định một lĩnh vực mà mình thông hiểu, dịch giả sẽ xây dựng được thương hiệu cá nhân đối với người đọc”.
Tiêu chí đánh giá bản dịch hay
Theo một số dịch giả, bản dịch hay là bản dịch truyền tải được cảm xúc của tác giả, tôn trọng tác phẩm gốc. Dịch giả không đơn thuần chuyển ngữ từ bản gốc sang tiếng Việt mà còn nghiên cứu về bối cảnh văn hóa, lịch sử của cuốn sách để thấu hiểu những ẩn ý đằng sau câu chữ. Giống như một tảng băng trôi, các tác phẩm hàm chứa nhiều tầng nghĩa mà người dịch phải nỗ lực truyền tải sao cho chính xác, chân thật.
Bên cạnh yếu tố tôn trọng tác phẩm gốc, biên tập viên Nguyễn Thu chia sẻ thêm, khi chọn dịch những công trình nghiên cứu, y tế, triết học vốn thuộc thể loại cần mang tính chính xác cao, dịch giả cần sự cẩn trọng khi dịch các thuật ngữ.
Những yếu tố cần có
Một dịch giả cần có khả năng ngôn ngữ để đến với nghề dịch. Nhưng vượt xa hơn, dịch giả phải là một chuyên gia trong lĩnh vực để có thể truyền tải đầy đủ nội dung tác phẩm. Và để câu văn được mượt mà, dịch giả phải thành thạo những kỹ năng cơ bản là đọc và viết.
Khả năng đọc giúp dịch giả đọc sâu, đồng cảm với cảm xúc và tư tưởng của tác giả. Khả năng viết giúp diễn đạt tốt. Anh Hoàng Long khuyên các bạn trẻ nếu muốn trở thành dịch giả, trước hết có thể cộng tác với các tờ báo để viết hay hơn, khi đã viết hay ắt sẽ dịch hay.
Ngoài ra, để tiến bộ nhanh, người dịch có thể luyện tập bằng cách chuyển ngữ những đoạn nhỏ ra tiếng Việt rồi dịch ngược từ tiếng Việt trở lại ngôn ngữ gốc. Lúc ấy, dịch giả có thể thấy sự khác biệt trong cách dịch của mình với tác phẩm gốc để nhận ra bản thân đã thấu hiểu tác phẩm đến đâu. Bên cạnh thể loại ưa thích, dịch giả cũng có thể thử dịch các thể loại không thuận tay như một cách trau dồi khả năng.
Dịch giả phải là người đầu tiên hài lòng với cuốn sách của mình vì đã thao tác nhiều lần với tác phẩm, cẩn trọng trong từng dấu chấm, dấu phẩy, dấu ngoặc kép. Bởi vì một khi đã gửi bản dịch cho nhà xuất bản, người dịch đã thể hiện uy tín, thương hiệu của bản thân. Suy cho cùng, dịch giả chính là người đầu tiên chịu trách nhiệm trước bạn đọc.
Tâm Lê