Thứ sáu, Tháng mười một 15, 2024

Những “thần đồng” buồn bã

NGUYỄN HUỆ NGHI -

“Làm gì thì làm, phải học bơi, biết bơi”, “Không thể an tâm nếu ra đường không có chút bản lĩnh để đối phó với bạo lực: phải học võ!”, “Không có toán học thì làm sao đạt được mộng làm giàu: phải đi học toán thông minh sớm!”... Còn nhiều, nhiều nữa những lý do để chúng ta lùa con cái vào các trường kỹ năng, năng khiếu.

Dĩ nhiên, có những thứ đặc biệt cần thiết cho mọi đứa trẻ, nhưng không phải bộ môn năng khiếu hay kỹ năng nào cũng phù hợp với tất cả. Nhưng nhiều phụ huynh đã không nhận ra điều đó. Từ lâu, các chuyên gia giáo dục cảnh báo rằng, tâm lý chung là phụ huynh thích trang bị cho con những “món” mà ngay trong cuộc đời, họ từng ao ước nhưng không làm được vì không có điều kiện, hoặc đã từng làm nhưng thất bại. Họ bắt con cái gánh lấy giấc mơ của mình. Ngoài ra, cũng có nhiều phụ huynh có tính ôm đồm, nhìn ra chung quanh, gì cũng thấy ham thích, mong muốn con mình được trang bị đủ đầy và quên rằng với những đứa trẻ, sức thu nạp kiến thức có hạn và chất lượng tiếp thu tùy thuộc vào niềm đam mê hay hứng thú của con cái mình.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Những đứa trẻ cứ thế được đưa đến các trung tâm kỹ năng, năng khiếu từ rất sớm. May mắn với những đứa tìm thấy niềm vui trong việc rèn luyện. Nhưng thành phần miễn cưỡng phải đi học, phải chịu đựng khổ luyện những thứ mình không yêu thích thì không ít.

Một anh bạn là kỹ sư xây dựng đã than phiền về chuyện mình bị ba mẹ ép học piano 10 năm. Anh thấy tiếc vì cho đến nay, ngó thấy cây piano là ký ức những ngày khủng khiếp hiện về. Anh phải học và chơi như một cái máy, sau 10 năm thì chẳng để tâm nhớ điều gì cả. Thoát ly ra khỏi văn bản nhạc là anh không chơi được đàn vì đơn giản không một chút hứng thú, đam mê. Một cô bạn khác lại bị ép đi học vẽ từ bốn tuổi. Và kết quả là sau ba năm học, cô đâm ra dị ứng với mỹ thuật.

Ngày nay, nhiều trẻ em được cha mẹ chở đến các lớp học nhạc, học mỹ thuật… trong tình trạng nước mắt vắn nước mắt dài. Nhiều em ngồi trước cây đàn trong tình trạng ngao ngán, chẳng tiếp thu được và giáo viên cũng không biết phải làm sao. Một giáo viên ở trung tâm dạy nhạc P. ở quận 7, TPHCM cho biết: “Có khi đã báo với phụ huynh về tình trạng con em họ không chịu học, không một chút kiên nhẫn hay yêu thích khi luyện đàn nhưng họ không tin, cứ chở con tới giao cho trung tâm. Họ muốn chúng tôi phải dạy nhạc theo kiểu cưỡng bức đứa trẻ và như thế thì chắc chắn không thể có hiệu quả tốt được”.

Sự áp đặt trong các trường hợp trên đã gây ra sự phản tác dụng ghê gớm.

Trong điều kiện chương trình học nhà trường hiện nay hãy còn nặng nề, thì việc tạo ra thêm sức ép đối với con cái qua những khóa học năng khiếu không cần thiết sẽ làm khổ các em rất nhiều và nhất là vô cùng tốn kém. Người viết từng lân la qua nhiều trung tâm dạy nhạc “hàng hiệu” và được biết, nhiều phụ huynh đầu tư rất mạnh cho con cái trong chuyện học, chuyện mua sắm nhạc cụ nhưng không biết rằng, con cái họ đã khổ sở, uể oải ra sao trong các giờ học thêm dạng này.

Vì vậy, điều cần thiết vẫn là thăm dò xem, con mình phù hợp và định hình năng khiếu theo chiều hướng nào để có thể tìm kiếm các môn học, lĩnh vực tương thích nếu như có điều kiện.

Một trong những vấn đề của phụ huynh đô thị, đó là lo sợ con mình rảnh rỗi, khó kiểm soát nên họ bằng mọi cách lấp trống thời gian của đứa trẻ; việc đưa con đến các lớp luyện năng khiếu được coi là “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”. Và dĩ nhiên, trong số đó, nhiều người còn nuôi kỳ vọng con mình sẽ thành công sớm, trở thành những “thần đồng” được xã hội công nhận. Từ đây, tâm lý sống hào nhoáng được vô tình áp đặt cho những đứa trẻ. Trong khi một điều đơn giản vô cùng, đó là làm sao để con trẻ vui học, vui chơi thì không phải ai cũng làm được.

Gần đây, cũng đã có những mô hình tổ hợp giáo dục giải trí ra mắt, đôi khi là một cách “ném” các em vào một mô hình học trong vui chơi, trong cảm hứng sáng tạo. Điều đặc biệt là những mô hình này không đào tạo và mong cầu các em sẽ trở thành nghệ sĩ nọ nghệ sĩ kia mà cốt tạo cho các em sân chơi và sinh hoạt tập thể thông qua các trò chơi, tham gia cộng đồng nghệ thuật.

Các em không quan tâm thần đồng là gì, mình có phải phấn đấu để được xưng tụng hay không, hoặc khổ luyện nhất thiết là để trở thành một ai đó trong cuộc đời. Một trong những điều tối quan trọng quyết định thành công của việc học năng khiếu ở các em đó chính là phải học trong niềm vui, sự say mê của bản thân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Shiseido triển khai dự án Anessa Sunshine khuyến khích hoạt động...

0
(SGTT) - Sáng 3-11, tại TPHCM, chương trình sáng kiến toàn cầu "Anessa Sunshine Project" đã chính thức ra mắt tại Việt Nam. Đây...

Bộ Y tế lo ngại bệnh truyền nhiễm tăng cao trước...

0
So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc sởi tăng hơn 8 lần, số ca mắc ho gà tăng hơn 25 lần... Bộ...

Hà Nội: Bế mạc giải bóng đá dành cho học sinh...

0
(SGTT) - Ngày 18-8-2024, tại TP Hà Nội đã diễn ra lễ bế mạc giải bóng đá Grifted Students Cup 2024, giải đấu dành...

Nước Pháp làm luật bảo vệ trẻ em trên mạng như...

0
(SGTT) - Trong bối cảnh công nghệ phát triển và trẻ em ngày càng sớm tiếp cận với thế giới số có rất nhiều...

Nhu cầu xe đạp, xe máy điện của học sinh, người...

0
(SGTT) - Doanh thu của các cửa hàng phân phối xe máy, xe đạp điện trong năm nay có sự tăng trưởng tích cực...

‘Cối xay gió’ của một thầy giáo dạy văn

0
(SGTT) -  Bộ phim “Thầy dạy thay” cho thấy cuộc chiến đơn độc của một thầy giáo dạy văn trong thời hiện đại. Cuộc...

Kết nối