(SGTT) - Khắp cánh rừng thuộc huyện Đông Giang, Quảng Nam, có nhiều loại họ tre cho măng (abăng) như lồ ô (pa’oo), nứa (cr’đêê), tre (ơm), dang (ch’tang)… Mùa hái măng từ tháng 5 đến tháng 9 Âm lịch, các phụ nữ và cô gái Cơ Tu ở đây vào rừng từ sáng sớm để hái măng.
- Khi đồng bào dân tộc lập hợp tác xã nông nghiệp sinh thái
- Gặp già làng người Chơ-ro nghe chuyện người dân tộc thoát nghèo nhờ rừng
Qua quan sát, nhờ quen và khéo tay, các cô gái Cơ Tu xếp măng vào gùi bằng ba mụt măng “tra” nối tiếp nhau, đầu ngọn của mụt măng này xỏ vào phần gốc của mụt kia. Do vậy, tuy gùi măng trông thật cao nhưng khi lên, xuống dốc, qua bao con khe, con suối, gùi măng không bị đổ, thật khéo tay và tài tình.
Khi gùi măng về đến nhà, họ mang ra các trụ nước tự chảy để rửa sạch măng, để ráo. Sau đó, họ dùng dao, rựa để cắt phần non các búp măng rồi đem luộc chín. Sáng hôm sau chở xuống chợ Sông Vàng (xã Ba) bán với giá 10.000 đồng/kg.
Trung bình, mỗi ngày, mỗi sơn nữ nơi đây thu hoạch và bán ra được khoảng 30kg măng thành phẩm, thu nhập khoảng 150.000 đồng. Nhờ vậy, vào mùa hái măng rừng, phụ nữ Cơ Tu ở đây có thêm khoản tiền lo cho con cái ăn học, trong túi có đồng ra đồng vào, cái ăn trong gia đình.
Tìm hiểu thêm, nghề hái măng rừng khá vất vả và thường chỉ dành cho phụ nữ. Cứ mỗi sớm, những phụ nữ Cơ Tu đi hái măng mang theo cơm đùm, gùi, liềm… vào rừng. Nếu vào đầu mùa măng (mùa hạ), măng rừng ở gần nên đi hái về sớm, khoảng một giờ chiều. Còn cuối mùa măng, măng càng xa, thì về nhà càng trễ. Họ phải đối mặt với hốc đá tai mèo, gai tre nhọn, sên, vắt trong rừng trong khi trên vai gùi măng nặng trĩu.
Các cô Zơrâm Thị Chờ (35tuổi), Mạc Thị Thi (34 tuổi) trú xã Ba, huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam), người thì đang gùi măng từ núi về, người thì rửa, xắt, luộc măng. Họ thoăn thoắt xắt những phần non của búp có phần màu xanh, còn phần non ở trên ngọn thì không xắt. Trước khi luộc, dùng cây ngọn thông trong ruột búp măng để luộc mau chín.
Đến các bản làng người Cơ Tu vào mùa măng chỉ thấy phụ nữ, con gái hái và gùi măng về nặng trĩu trên lưng (ít khi thấy đàn ông Cơ Tu làm công việc này). Những amế, ati (em) lưng gùi, tay rựa vào rừng hái măng khi sương mù còn chưa tan hết. Sau thu hoạch, măng được tập kết về khu tự phát. Tại đây, họ sẽ được những người buôn măng cân ký trả tiền và tùy theo khoảng cách đến chợ xa gần mà giá măng tươi mỗi nơi mỗi khác.
Nhiều người cho rằng, măng là loài rau sạch lấy từ môi trường tinh khiết (rừng núi) về, không có dư lượng hóa chất độc hại nên được nhiều người ưa chuộng, người ta dùng măng để làm dưa với mắm nêm, hay chiên, xào với nhiều loại thịt như heo, bò gà, vịt, hải sản. Măng rừng luộc chín rồi xắt mỏng, ép cho ráo nước. Sau đó, phi dầu phộng với tỏi giả dập cho thơm rồi cho măng vào trộn đều, thêm đậu phộng, bột nêm vừa ăn, rắc thêm ít tiêu và rau thơm.
Hàng năm, huyện miền núi Đông Giang cung cấp hàng chục tấn măng cho thị trường TP. Đà Nẵng và các khu vực lân cận. Nhờ nguồn măng này, mà đồng bào Cơ Tu nơi đây có loại rau sạch để ăn, bán lấy tiền, giải quyết công ăn việc làm, góp phần cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo trên dãy Trường Sơn.
Tiên Sa