(SGTTO) – Nhắc tới Nhật Bản, người ta thường nghĩ tới nghệ thuật gấp giấy Origami, tới trà đạo hay cây bonsai. Tuy nhiên, tại đất nước mặt trời mọc vẫn còn rất nhiều nghệ thuật thú vị khác chờ du khách khám phá.
Sự tỉ mỉ, tinh tế của người dân Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng khắp thế giới. Có những hoạt động ngỡ đơn giản như gói quà, gửi thư, ngửi hương thơm… cũng có thể một môn nghệ thuật với người Nhật.
Viết thư tranh Etegami
Dù thời đại này, người ta có thể liên lạc với nhau thông qua thư điện tử hay các ứng dụng trò chuyện trực tuyến thì ở Nhật vẫn tồn tại một nghệ thuật viết thư tranh mang tên Etegami. Khi viết thư tranh Etegami, người viết sẽ vẽ những bức tranh đơn giản tùy ý, thể hiện cảm xúc của mình rồi viết những lời hay ý đẹp, một danh ngôn hay một dòng thơ cho người nhận.
Nghệ thuật này được quảng bá rộng rãi bởi họa sĩ Koike Kunio, Chủ tịch hiệp hội Etegami. Chính quan niệm của ông đối với nghệ thuật này “vụng về cũng rất đẹp” đã khuyến khích nhiều người sáng tạo và tự tin với tác phẩm của mình.
Trên trang Youtube, có rất nhiều video hướng dẫn cách viết thư tranh Etegami. Nhưng thật ra, chỉ với lòng thành, người viết có thể vẽ bất cứ điều gì. Bức tranh có thể trông ngây ngô, nét vẽ luộm thuộm nhưng người nhận nào lại không cảm động trước một bức thư độc đáo.
Để viết thư Etegami, người ta cần chuẩn bị cọ thư pháp, mực sumi và màu gansai. Tuy nhiên, những workshop dạy vẽ tranh hiện đại tại Nhật Bản thường sử dụng màu nước để vẽ.
Tại Nhật, người ta có thể đến các trung tâm cộng đồng của địa phương hoặc lớp học Etegami tại Omura International Plaza (Nagasaki, Nhật Bản) để học vẽ thư tranh Etegami.
Gói quà Furoshiki
Nghệ thuật gói quà Furoshiki thể hiện lòng thành của người tặng quà khi món quà được gói tỉ mỉ trong một chiếc khăn.
Nếu người Trung Quốc và người Việt Nam xưa cũng sử dụng khăn để gói đồ hay mang hành lý, thường gọi là tay nải thì người Nhật nâng tầm hoạt động gói đồ này lên thành một nghệ thuật. Cùng với thời gian, nghệ thuật gói quà Furoshiki đã được phát triển đa dạng với nhiều cách gói khác nhau, phù hợp với kích thước món quà.
Bằng việc sử dụng một chiếc khăn vuông để gói quà thay vì giấy bóng kính thường thấy, người Nhật đã làm một việc góp phần bảo vệ môi trường.
Tại Nhật Bản, du khách có thể mua khăn gói quà Furoshiki tại cửa hàng Karakusaya và Kakefuda ở Kyoto (Nhật Bản).
Kodo hương đạo
Hương đạo là nghệ thuật thưởng thức hương trầm tại Nhật Bản. Hương liệu thường dùng trong nghệ thuật này là loại gỗ trầm thơm lừng. Hương đạo cùng với trà đạo và hoa đạo là bộ tam mỹ đạo trong truyền thống Nhật Bản.
Thuở xưa tại Nhật Bản, nghệ thuật thưởng thức hương trầm phát triển khi giới quý tộc bắt đầu tổ chức các cuộc thi. Người tham dự ngửi mùi hương để đoán xuất xứ, đặc tính của loại gỗ trầm đang đốt. Song song với đó, họ làm một câu thơ để tán dương mùi hương. Cuối cùng, họ tổng hợp lại thành một bài thơ renga liên hoàn nhiều vế về các mùi hương trầm được đốt trong suốt cuộc thi.
Đối với người Nhật, bí mật của hương đạo Kodo là lắng nghe mùi hương, cảm nhận mùi hương bằng khối óc và trái tim thay vì sử dụng khứu giác. Điều này quả thực rất có lý khi nghĩ về những trải nghiệm của chúng ta lúc ngửi thấy hương thơm quen thuộc thì lập tức nhớ về các kỷ niệm gắn liền với hương thơm ấy. Chẳng hạn khi nghe mùi thơm nấu bếp với hương cà chua tao sẽ nhớ đến bữa cơm ngon mẹ nấu thuở ấu thơ.
Du khách khi đến với Nhật Bản có thể học về hương đạo tại Kogado (Azabu Juban, Tokyo, Nhật Bản) với các lớp học mỗi thứ bảy từ 10:30 sáng đến 12:00 trưa.
Nghệ thuật thư pháp Shodo
Với nghệ thuật thư pháp Shodo, viết chữ đẹp đã được người Nhật nâng tầm lên thành nghệ thuật. Thư pháp Nhật Bản gồm hai kiểu chữ chính là kiểu chữ Hán từ Trung Quốc và kiểu chữ Hiragana, Katakana. Khi viết thư pháp, người viết cần có thỏi mực, nghiên mực, một cây bút lông thư pháp và giấy Nhật.
Cả nghệ thuật thư pháp Shodo và nghệ thuật viết thư tranh Etegami nói trên đều cần ấn để khắc lên tác phẩm. Kể cả việc khắc con dấu này cũng được người Nhật cho là một nghệ thuật mang tên Tenkoku mà ở đó, mỗi người có một con dấu của riêng mình.
Chịu ảnh hưởng của thư pháp Trung Hoa, nghệ thuật thư pháp Nhật Bản có quy định chặt chẽ thứ tự nét viết. Ngoài ra còn có nhiều phong cách viết như Kaisho, Gyousho, Sousho… với tốc độ viết, số nét, độ dễ đọc khác nhau.
Hạnh Tâm
Theo Tokyo Creative, Japan Zone, Japan Visitor