Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Những lời tiu nghỉu dung dị của trẻ

1.Tháng 7 hôm rồi, bà Vân đưa con bé Liên chừng 14 tuổi đi ăn cưới tại nhà một người bạn ở quận Bình Tân (TPHCM), rạp che một dãy dài ngoài hẻm, vải bạt xanh-đỏ-tím-vàng rực rỡ, bàn tròn xếp lớp lớp phải hai chục cái. Nhạc xập xình tự biên tự diễn, nhân viên phục vụ quay như vụ, khách khứa ra vào ì xèo; cũng đông vui đáo để. Đến hơn 8 giờ tối, khách ra về dần dần chỉ còn lại một vài bàn, trong đó có bàn của bà Vân ngồi chung những bạn bè thân thiết với chủ nhà, bé Liên thắc mắc, “sao khách chưa về hết mà người ta đã quét dọn, thu xếp bàn ào ào?”. Bà Vân nhanh ý bảo, “thông cảm cho nhà nấu đám con ơi, cũng khuya rồi, người ta còn làm bao nhiêu việc nữa! Nhưng ở nhà là không được nghen, đang còn khách con không được quét dọn nghen”. Con bé tiu nghỉu! Và, như còn một điều gì đó mà bé chưa được hài lòng hiện trên nét mặt ưu tư của nó. Có phải người lớn có quyền phán quyết sao thì phán? Hay văn hóa ở các dịch vụ khác văn hóa gia đình?

2. Có lần, một nhóm bạn dắt con đi nhà hàng có dịch vụ hát cho nhau nghe ở đầu đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TPHCM. Ở nhà hàng này đa phần là khách đứng tuổi đến ăn uống, ca hát giải khuây. Trên mỗi bàn đều trưng bày một bình hoa hồng nhựa và nhụy ở mỗi cánh hoa là… tờ 10.000 đồng cuộn tròn. Thằng Chương học lớp 9 con ông Thạch ngạc nhiên, “ba ba, sao người ta nhét tiền ở đây?”. Đang mãi trò chuyện với bạn bè, ông Thạch ời một hơi, “chút rồi biết!”. Thằng Chương cứ săm soi bó hoa hồng, nó bâng quơ bảo, “cái nào cũng mười ngàn!”. Sau “chương trình” ăn uống, mọi người như có vẻ vừa bụng, một nhân viên nhà hàng đến xin khách trong bàn đăng ký bài hát; một vài vị hưởng ứng và chờ MC mời lên sân khấu. Ông Thạch có dư máu văn nghệ lên trình bày nhạc phẩm Bây giờ tháng mấy của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Tôi thúc giục thằng Chương, dúi cho nó một bông, “ba con hát hay quá chừng, lên tặng ổng một bông đi!”. Nó tần ngần cười ruồi… Tôi bá vai đẩy cháu, nó mới khệnh khạng bước lên tặng bông cho ba một cách ngượng ngùng. Sau tiếng vỗ tay inh ỏi, về bàn, nó kề vai hỏi, “sao ba không cầm bông về?” Ông Thạch khề khà, “đó là cách để tặng cho ban nhạc, họ sống chủ yếu bằng những cái bông nhựa đó đó”. Thằng Chương tiu nghỉu! Chắc thằng Chương còn nhiều câu hỏi nữa với ba nó. Có thể: “Ca sĩ” được tặng hay ban nhạc của nhà hàng? Sao không mặc định, cứ một bông là mười ngàn rồi thanh toán sau; đừng ghim tiền lên bông?...

3. Trần Bình, ông bạn thân của tôi kể chuyện vui ở gia đình ông rằng, cách nay chừng chục năm, vào đầu năm học, thằng cu Bo vào lớp một, sáng ra khóc nhè không chịu đi học. Ông Bình đe, “con muốn làm quan hay làm cu li mà không chịu đi học?”. Thế rồi, vài ngày sau, lại giở chứng khóc lóc không muốn đến trường, mẹ cu Bo lấy roi răn, “bây giờ con có đi học không thì nói!”. Cu Bo mếu máo, “ba nói cho con làm quan, cho nghỉ học!”. Mẹ nó vừa nín cười vừa phết cho một roi, lôi ra xe đưa đến trường. Cu Bo tiu nghỉu trả lời mẹ nó một cách vô thức thật dễ thương làm vậy.

*

*         *

Ấy nhưng, thằng bé trong câu chuyện dân gian đâu đó được kể lại thì với đầy ý thức. Chuyện rằng, xưa kia, một hôm trong một gia đình, ông bố nói với người con: Thôi để bố vào viện dưỡng lão sống chứ ở trong nhà tụi con, vợ chồng cứ hục hặc mãi thế này, mất hạnh phúc quá, bố buồn quá sức. Bố chỉ xin tụi con cái mền để đắp khi đêm hôm thôi. Người cha mới gọi thằng con, “con ơi, lấy cho ông nội cái mền mới đi con!”. Thằng con bèn lấy cái mền rồi lẳng lặng cắt làm đôi, nó đưa cho ông nội nó một nửa. Người cha thấy vậy, trợn mắt, “sao con lại cắt ra thế này!”. Thằng con tiu nghỉu đáp, “cho ông nội một nửa, một nửa kia về sau còn dành cho ba!”. Đến bây giờ thì người lớn mới… tiu nghỉu!

Nguyễn Tục Ngữ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Shiseido triển khai dự án Anessa Sunshine khuyến khích hoạt động...

0
(SGTT) - Sáng 3-11, tại TPHCM, chương trình sáng kiến toàn cầu "Anessa Sunshine Project" đã chính thức ra mắt tại Việt Nam. Đây...

Nước Pháp làm luật bảo vệ trẻ em trên mạng như...

0
(SGTT) - Trong bối cảnh công nghệ phát triển và trẻ em ngày càng sớm tiếp cận với thế giới số có rất nhiều...

Khởi động chương trình thể thao vì cộng đồng cho thanh...

0
(SGTT) – Để khuyến khích học sinh, sinh viên, người yếu thế xây dựng thói quen vận động, tập luyện và tiếp cận được...

Thế giới riêng: Nhiều kết nối, nhiều ảo tưởng

0
(SGTT) - Ngày nay, khung cảnh sum vầy của bữa ăn gia đình Việt Nam đã bị công nghệ tước đi một cách dễ...

Phát hiện không ít mối quan ngại về bữa sáng của...

0
Sau khảo sát dinh dưỡng Đông Nam Á (SEANUTS II), Viện Dinh dưỡng quốc gia đã công bố thực trạng dinh dưỡng phổ biến...

Sân chơi cho trẻ em TPHCM: Nhiều mà vẫn thiếu

0
(SGTT) - Tại TPHCM, sân chơi cho trẻ em khá đa dạng từ các công viên công cộng đến các khu vui chơi trong...

Kết nối