(SGTT) - Với vẻ đẹp yên bình, công trình kiến trúc Khmer đặc sắc, nhiều điểm check-in độc đáo, Trà Vinh hứa hẹn sẽ là điểm du lịch hấp dẫn, để lại cho du khách kỷ niệm đẹp, đáng nhớ.
- Đến Trà Vinh, thử làm cốm dẹp - món ăn truyền thống của người Khmer
- Khách du lịch được thoải mái khám phá Trà Vinh
- Du lịch giữa mùa dịch: Ghé Trà Vinh thăm vườn thanh long
Chùa Vàm Ray
Cách thành phố Trà Vinh khoảng 35km, chùa Vàm Ray được đông đảo du khách tham quan, chiêm bái. Được xây dựng từ nền chùa cũ hơn 600 tuổi bị tàn phá, nhưng chùa Vàm Ray vẫn mang nét cổ kính truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer.
Chùa Vàm Ray có kiến trúc Angkor đặc trưng của người Campuchia. Chùa có bốn cổng và theo truyền thống của chùa Khmer, ngay từ ngoài nhìn vào, du khách sẽ choáng ngợp, như lạc vào một cung điện vàng nguy nga, tráng lệ. Từ các mái vòm, tượng, cột trụ chống đến những bức phù điêu đều được “sơn son thếp vàng” lấp lánh.
Đặc biệt, chùa có tượng đức Phật Thích Ca nằm dài 54m, cao tới 20m, ngang 16m được đặt trên bệ tương đương với tòa nhà 2 tầng.
Chùa ông Phước Minh Cung
Toạ lạc tại trung tâm thành phố Trà Vinh, chùa Ông Phước Minh Cung là công trình kiến trúc tiêu biểu và được xem như “bảo tàng mỹ thuật truyền thống” của cộng đồng người Hoa trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, không còn tư liệu nào ghi chép về lịch sử ngôi chùa. Tuy nhiên, theo hai bi ký (khắc trên gỗ và trên đá) còn lưu giữ tại chùa thì chùa Phước Minh Cung được xây dựng từ năm 1556.
Không gian kiến trúc của ngôi chùa có ba ngôi tiền điện, trung điện, chính điện theo hình chữ “Tam” và hai dãy tả điện, hữu điện hướng vào. Toàn bộ công trình lợp ngói âm dương theo nhiều tầng bậc, diềm mái tráng men xanh ngọc, cột kèo làm bằng gỗ quý. Bên trong nội thất, từ khánh thờ, bàn thờ đến cửa ra vào hoành phi, liễn đối… đều được chạm khắc tinh xảo.
Ao Bà Om
Ao bà Om nằm ở huyện Châu Thành, là một danh thắng nổi bật của tỉnh Trà Vinh. Tại đây, du khách không đơn thuần chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên mà còn cảm nhận rõ nét hơn những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Trà Vinh qua câu chuyện truyền thuyết mang đậm màu sắc Khmer Nam bộ.
Ao Bà Om có hình chữ nhật với chiều dài 500m và chiều rộng 300m. Mặt ao phẳng lặng, trong xanh, soi bóng những hàng cây cổ thụ bao quanh. Trải qua bao mưa gió, bộ rễ của những cây cổ thụ xung quanh ao trồi lên trên mặt đất và được thiên nhiên tác tạo thành những hình thù lạ mắt. Vào những ngày lễ, tết hàng năm của người Khmer, Ao Bà Om trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng náo nhiệt của cả vùng.
Chùa Âng
Chùa Âng, gọi theo ngôn ngữ Khmer Paly là Wat Angkor Raig Borei, thuộc cụm danh thắng Ao Bà Om và bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer... Từ xa nhìn vào, du khách sẽ thấy những tòa nhà trong chùa với lối kiến trúc hình tháp vươn thẳng lên trời, mang nét đẹp nguy nga, tráng lệ nhưng cũng không kém phần trang nghiêm. Cổng chùa Âng được trang trí bằng nghệ thuật điêu khắc kỳ công, tinh xảo với những tượng chằn, tiên nữ, chim thần theo mô típ truyền thống Khmer.
Theo sử sách thì chùa Âng được xây dựng vào thế kỷ thứ 10 (năm 990) và xây dựng quy mô như hiện nay vào năm Thiệu Trị thứ 3, tức năm 1842 theo Dương lịch. Chùa Âng là một quần thể các công trình kiến trúc như trai đường, giải đường… bao quanh ngôi chánh điện uy nghi. Cũng như nhiều ngôi chùa Khmer khác, chùa Âng không chỉ là nơi tu hành của các nhà sư mà còn là nơi thanh niên Khmer đến tu học. Ngôi chùa cũng là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa, lễ hội, trong đó có lễ hội Ok om bok - một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, vào dịp Rằm tháng Mười Âm lịch hàng năm.
Cánh đồng điện gió Đông Hải 1
Bên cạnh những ngôi chùa Khmer, Trà Vinh còn níu chân du khách bởi những cánh đồng điện gió độc đáo. Trong đó phải kể đến cánh đồng điện gió Đông Hải 1, toạ lạc tại huyện Duyên Hải.
Điểm thu hút du khách chính là 25 tua bin gió khổng lồ được dựng giữa biển. Mỗi trụ được sơn màu trắng, cao 105m với ba cánh quạt. Những chiếc tua bin chính là phông nền lý tưởng cho những người yêu thích chụp ảnh. Dù đứng ở bất kỳ góc nào, du khách đều có thể sở hữu những bức ảnh đẹp vì các tua bin gió rất cao, đứng “hiên ngang” giữa biển trời mênh mông.
Thời điểm thích hết nhất trong ngày đến du khách đến cánh đồng điện gió Đông Hải là buổi sáng (từ 6:00 - 9:00) và buổi chiều (sau 16:00). Đây là lúc bạn có thể thỏa sức ngắm nhìn bình minh và tận hưởng không gian mát mẻ của hoàng hôn, lưu về cho mình những bức ảnh đẹp.
Nguyễn Phong