(SGTT) - Việt Nam làm chủ nhiều công nghệ cao trong lĩnh vực quốc phòng, tắt sóng 2G và thương mại hóa 5G, tập đoàn Nvidia mở trung tâm AI hay siết quản lý Internet bằng yêu cầu xác thực người dùng là những dấu ấn nổi bật của công nghệ Việt Nam năm 2024.
- Tuyến cáp biển lớn nhất Việt Nam sẵn sàng vận hành cuối tháng 12-2024
- Người Việt quan tâm nhiều kỹ năng sống, công cụ AI, du lịch nội địa trong năm 2024
Tại triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel giới thiệu hơn 80 sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp quốc phòng công nghệ cao và gần 30 sản phẩm công nghệ thuộc lĩnh vực dân sự.
Có thể kể đến như UAV trinh sát, radar, quang điện tử, tác chiến điện tử, thông tin quân sự, huấn luyện mô phỏng, chỉ huy điều khiển, hàng không vũ trụ, tác chiến không gian mạng, an ninh mạng và nhóm sản phẩm khác. Đây đều là những công nghệ do Viettel làm chủ, nghiên cứu và sản xuất, góp phần thể hiện sức mạnh của công nghiệp quốc phòng nước ta.
Viện Vật lý địa cầu - Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan đầu mối được giao thực hiện nhiệm vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ở Việt Nam theo quy chế của Chính phủ. Để phục vụ công tác này, đến nay Viện Vật lý địa cầu đang vận hành gần 100 trạm quan trắc động đất trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.
Ngày 15-10, mạng 5G đầu tiên tại Việt Nam được Viettel triển khai. Đến 20-12, VinaPhone trở thành nhà mạng thứ hai thương mại hóa 5G. Tốc độ Internet di động trong nước tăng hơn 30% trên bảng thống kê của Ookla Speedtest, đạt hơn 71 Mbps, xếp thứ 43 toàn cầu ngay trong tháng 10.
Ở thời điểm đầu triển khai, mạng 5G được đánh giá chưa ổn định, độ phủ còn thấp. Tuy nhiên, thế hệ mạng mới hứa hẹn tạo ra những thay đổi quan trọng như có thể đạt 1 - 1,5 Gbps, độ trễ gần như bằng 0, theo công bố từ các nhà mạng. Một số dịch vụ yêu cầu phản hồi tức thì như xe tự lái, phẫu thuật từ xa, điều khiển trong nhà máy thông minh, dịch vụ yêu cầu nhiều dữ liệu như video 4K/8K, AR chỉ có thể triển khai với 5G.
Theo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025, 100% tỉnh, thành phố, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga, cảng biển, sân bay quốc tế có dịch vụ 5G. Đến 2030, mạng 5G phủ sóng 99% dân số.
Ngày 16-10 vừa qua, các nhà mạng tại Việt Nam chính thức ngừng cung cấp dịch vụ 2G tới người dùng. Để chuẩn bị cho việc này, hạ tầng mạng đã sẵn sàng với 4G phủ tới 99,8% dân số từ năm 2023.
Việc tắt sóng 2G mang lại nhiều ý nghĩa cho cả người dùng và nhà cung cấp. Theo đó, người dùng được thúc đẩy chuyển đổi lên 4G, từ đó tận hưởng dịch vụ tiên tiến như thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Còn nhà mạng được giảm tải, sẵn sàng hạ tầng, nhân lực cho các công nghệ mạng thế hệ mới như 5G.
Theo quy hoạch băng tần của Bộ Thông tin và Truyền thông, 2G hiện chỉ còn hoạt động tại một số khu vực như quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK. Việt Nam cũng sẽ tắt sóng 3G vào năm 2028.
Trước tình trạng lừa đảo qua không gian mạng ngày càng diễn ra tinh vi, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147 về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng (có hiệu lực từ ngày 25-12). Theo đó, nghị định tập trung vào mạng xã hội, trang thông tin điện tử, trò chơi điện tử và tài nguyên Internet.
Bên cạnh các thay đổi nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp phép các dịch vụ, một trong những điểm nhấn của nghị định là xác thực người dùng. Các đơn vị cung cấp dịch vụ phải định danh tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại Việt Nam, bảo đảm "chỉ tài khoản xác thực mới được đăng thông tin" như viết bài, bình luận, livestream.
Nghị định cũng yêu cầu mạng xã hội xuyên biên giới phối hợp với cơ quan chức năng để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, khóa trang vi phạm, không cho truy cập từ người dùng Việt Nam, công khai thuật toán phân phối nội dung.
Ngày 5-12, Chính phủ và Nvidia công bố hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI (VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI. Theo đó, các trung tâm không chỉ đóng vai trò chủ chốt trong việc hỗ trợ các sáng kiến, ứng dụng AI, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp mà còn tạo cơ hội việc làm cho đội ngũ nhân tài trong nước.
Chính phủ xác định AI là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược phát triển quốc gia, cam kết tạo môi trường thuận lợi để các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Nvidia có thể đầu tư và phát triển lâu dài.
Ngoài hai trung tâm, Nvidia cam kết hỗ trợ đào tạo nhân tài cũng như các dự án khởi nghiệp trong nước. Hãng cũng mua lại công ty trí tuệ nhân tạo VinBrain của Việt Nam. Trước đó vào tháng 4, Nvidia cũng hợp tác với FPT xây dựng AI Factory tại Việt Nam và Nhật Bản.
Tháng 4-2024, Tập đoàn Viettel chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc với công suất 30MW, trở thành trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam. Trung tâm được trang bị 60.000 máy chủ, 2.400 rack và hơn 21.000m2 mặt sàn, đi kèm hệ thống quản lý năng lượng đạt chuẩn quốc tế.
Với thiết kế gấp đôi công suất trung bình của các trung tâm dữ liệu hiện tại, Viettel áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của trí tuệ nhân tạo (AI) và các chip hiệu năng cao.
Kiki Auto là ứng dụng được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư Zalo AI, dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo. Ra mắt vào cuối năm 2020, Kiki Auto cán mốc một triệu lượt cài đặt trên xe ôtô tại Việt Nam vào tháng 12-2024.
Với khả năng hiểu và tương tác thông minh bằng tiếng Việt, Kiki Auto giúp người dùng tối ưu hóa các tác vụ trên ôtô. Hai tính năng quan trọng nhất của Kiki Auto là nghe nhạc và chỉ đường. Ngoài ra, Kiki Auto cũng đáp ứng đa dạng các nhu cầu khác như đọc tin tức, tra cứu thông tin, kiểm tra phạt nguội…
Theo TTXVN, Vnexpress, Vov