(SGTTO) - Nhắn tin, gọi điện để đặt các món ăn chơi hay các món ăn cho một bữa cơm tươm tất không còn là việc khó và không còn là điều xa lạ đối với nhiều chị em ở các thành phố lớn. Cùng với nhu cầu của người tiêu dùng, thị trường thực phẩm sơ chế và nấu chín cũng nhộn nhịp và sôi động hơn bao giờ hết.
Nhu cầu lớn
Ban đầu chỉ kinh doanh các loại thực phẩm tươi sống như heo, bò, gà, trái cây… sau đó, do nhiều khách hàng đặt vấn đề nên khoảng một năm nay, công ty Cổ phần Bio Planet kinh doanh thêm thực phẩm nấu chín.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Điều hành Bio Planet cho biết, có ba dạng đơn hàng từ khách, đó là khách yêu cầu cụ thể món họ muốn và thường có kế hoạch trước. Dạng thứ hai là gọi trực tiếp tới cửa hàng hỏi các món cửa hàng có để từ đó chọn và thứ ba là đặt trọn gói ba món/bữa ăn.
Các món khách hay đặt gồm bò kho, sườn bò nướng, bò beefsteak, bò lúc lắc, bò xào, lẩu bò; thịt heo kho trứng, kho măng hay kho đậu hũ, ba rọi heo ướp muối sả, sườn cốt lết heo chiên, đậu hũ/mướp đắng nhồi thịt, chả giò; gà kho gừng/sả, gà nấu đậu/ragu/cà ri; sashimi cá hồi Nauy tươi...
Theo bà Diệp, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các loại thực phẩm nấu chín, mang về chỉ việc sử dụng rất lớn. Bao gồm nhu cầu cho bữa cơm chính thức tại gia đình và nhu cầu bữa ăn phụ (ăn chơi, ngoài bữa chính).
Bà Diệp cũng cho biết, hiện tại công ty Cổ phần Bio Planet có khoảng 100 khách sử dụng thường xuyên các loại thực phẩm đã sơ chế và nấu chín, tuần họ gọi món 2-3 lần đến nhà hoặc văn phòng. Theo đó, số lượng đơn hàng ổn định là 250-350 đơn/tuần, không kể đơn hàng từ khách vãng lai. Giá trị mỗi đơn hàng phổ biến từ 200.000 đến 500.000 đồng, tăng trưởng hàng tháng tầm 15-20%.
Kinh doanh khoảng 20 món gồm món cho bữa ăn chính và món ăn chơi trên facebook, đối tượng bán chủ yếu là bạn bè, người quen, chị Hoàng Hằng, TPHCM cho biết, doanh thu hiện nay từ 2-5 triệu đồng/ngày tùy món khách đặt.
Đối với một cá nhân, kinh doanh trên facebook và hầu như không có hoạt động quảng bá tốn phí nào, chị Hằng cho rằng mức doanh thu như vậy là quá tốt và theo chị, đây là một thị trường tiềm năng, mảnh đất tốt cho người muốn kinh doanh nghiêm túc và kinh doanh một cách có tâm, bởi thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe của người dùng.
“Mô hình kinh doanh này không cần vốn nhiều, không cần mặt bằng, nếu nấu chất lượng, ngon, giỏi tiếp thị, quảng bá hoặc có mối quan hệ rộng nữa thì có lẽ tôi sẽ giàu”, chị Hằng nhận định.
Giao hàng vẫn là vấn đề lớn
Khi nói về những khó khăn, bà Diệp cho biết, chi phí, những vấn đề phát sinh trong quá trình giao hàng chính là một trong những khó khăn đối với hình thức kinh doanh này.
Đồng tình, chị Hoàng Hằng cũng cho rằng, phí giao hàng, thời gian giao hàng, phát sinh (khách hàng không nghe máy, trời mưa, thực phẩm giao trễ, kẹt xe…) làm đau đầu những người bán hàng. Ngoài ra, theo chị Hằng, nhân lực phụ giúp cũng là vấn đề.
“Những lúc cao điểm, nhiều khách đặt hàng, tôi có thuê thêm người phụ nhặt rau, sơ chế nhưng thực tế, vì tiết kiệm chi tiêu nên cũng sẽ không dám thuê nhiều giờ”, chị Hằng nói.
Ngoài vấn đề giao nhận hàng, bà Diệp và chị Hằng đều cho rằng, vấn đề bao bì đựng thực phẩm cũng là vấn đề đau đầu không kém.
Sỡ dĩ vậy bởi hiện nay, sử dụng các vật dụng thân thiện, bảo vệ môi trường rất được quan tâm, không ít người tiêu dùng đang đặt vấn đề này với người bán hàng.
“Ban đầu tôi dùng hũ thủy tinh để giao thực phẩm cho khách nhưng sau đó phải dùng hộp nhựa sử dụng được trong lò vi sóng vì thực sự không có sức chạy đi lấy hũ cũ. Hũ thủy tinh còn gặp phải tình trạng khách hàng trả lại có khi không còn nắp, như vậy cũng sẽ bỏ luôn hũ, rất lãng phí”, bà Hằng tâm tư.
Vũ Yến