(SGTT) - Lúc sinh thời, ông tôi là một thầy thuốc Nam, cho hay tía tô không chỉ là vị thuốc dân gian mà còn là một vị thuốc quý trong Đông y, một loại rau gia vị có vị cay, tính ấm phù hợp để nấu món ăn.
Còn với cá rô đồng là một trong những thực phẩm lành, giàu dinh dưỡng. Thịt cá chế biến nhiều món ngon như nướng chấm mắm gừng, chiên giòn, um, nấu canh, kho nghệ... Quê tôi vào mùa mưa, cá rô đồng xương mềm, béo núc, không chỉ chế biến các món ăn ngon, khoái khẩu mà còn có thể được sử dụng để làm “món ăn bài thuốc” chữa bệnh rất tốt. Bởi vậy, ngoại tôi thường nấu canh tía tô với cá rô để cả nhà cùng ăn, trong đó, chủ yếu cho ba tôi ăn để hỗ trợ điều trị bệnh gout.
Ngoại tôi nấu canh như sau, phần nguyên liệu gồm cá rô đồng 200g, lá tía tô non 100g, gừng 1 nhánh nhỏ, gia vị vừa đủ. Ngoại mang cá rô sơ chế sạch, cắt vi, đánh vảy, khía bụng, bỏ ruột, bỏ mang, rửa sạch nhớt. Tiếp đến, đun sôi nước, cho cá rô đồng vào luộc với gừng, chín thì vớt ra, gỡ lấy thịt, ướp gia vị. Phần xương cá ngoại đem giã hoặc xay nhuyễn, lọc lấy nước (lọc bằng nước luộc cá thơm ngon hơn). Lá tía tô đem rửa sạch, cắt ngắn khoảng 1cm.
Rồi ngoại đun sôi nước cá, cho tía tô vào nấu, gần chín thêm cho thịt cá, nêm gia vị vừa miệng; hoặc phi dầu ăn với củ nén cho thơm rồi bỏ cá rô đồng (đã sơ chế) vào, nêm nếm gia vị, cho nước dùng vừa đủ nấu sôi và cho rau tía tô vào, nấu chín, cho ớt hiểm, hành lá vào nêm nếm lại cho vừa, ăn nóng với cơm nóng kèm chén nước mắm ớt.
Ông tôi cho hay, tô canh này còn có tác dụng chặn đứng những cơn đau do gout cấp tính gây ra. Hỗ trợ điều trị với người bị bệnh gout, người có bệnh gout hàng ngày nên ăn món canh này nhằm đề phòng bệnh tái phát bởi trong lá tía tô có chứa nhiều tinh dầu và các hoạt chất có tác dụng giảm đau chống viêm, giãn mạch, ngăn chặn quá trình nhiễm khuẩn nên có tác dụng tốt trong các đợt cấp tính của bệnh gout.
Lúc giao mùa, cuối Xuân chớm Hè, thời tiết thay đổi ảnh hưởng đến sức khỏe và sức đề kháng của con người. Thế nên, tô canh ngon ngọt, thơm ngon nóng hổi của cá rô đồng béo, ngọt cùng rau tía tô nồng, ấm… Ăn xong, thấy trong người thư thái, khỏe ra.
Giờ đây, ngoại tôi đã về miền mây trắng, mỗi khi đi ngang qua vườn rau nhà ai, tôi cứ tưởng là ngoại tôi đang hái rau trong vườn nhà để nấu tô canh làm "món ăn bài thuốc" cho ba tôi. Tôi bỗng nhớ ngoại, nhớ tô canh ngoại nấu lúc giao mùa với hương vị đặc trưng đã theo tôi hết cả cuộc đời.
Tiên Sa