Thứ bảy, Tháng hai 15, 2025

Nhờ người nổi tiếng quảng bá sản phẩm

Minh Duy-

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và cơ quan xúc tiến du lịch dùng KOL (key opinion leader - người có tầm ảnh hưởng) để quảng bá thương hiệu và sản phẩm. Tuy nhiên, trong thời đại mà khách hàng đang bị bao vây bởi hàng loạt người nổi tiếng như hiện nay, việc chọn đúng người cho các chương trình tiếp thị cũng không dễ.

Thời của KOL

Đầu tuần trước, giám đốc truyền thông của một công ty du lịch tại TPHCM nhờ tìm dùm số điện thoại của K, một facebooker khá nổi tiếng trong giới nữ văn phòng nhờ những bài viết (status) về cách chăm con, giữ chồng, cách kiếm tiền, du lịch… Công ty của ông chuẩn bị thực hiện một chương trình tiếp thị, nhắm vào khách gia đình.

“Chị này giờ nổi tiếng lắm. Nhân viên của chúng tôi đã inbox (nhắn tin qua facebook) mấy lần mà không thấy trả lời, nên bây giờ tôi phải tìm cách gọi trực tiếp”, vị giám đốc này nói với Sài Gòn Tiếp Thị. Ông cho biết muốn chọn K. vì cô có tầm ảnh hưởng tới giới nữ, người nắm quyền quyết định chi tiêu trong gia đình. Cùng với K. sẽ là một ca sĩ có sức ảnh hưởng với giới trẻ, những đứa con trong gia đình vốn cũng có tiếng nói “nặng ký” không kém. Trong chương trình còn có một người có kinh nghiệm du lịch, để chia sẻ kinh nghiệm, ý nghĩa của những chuyến đi.

Đây không phải là lần đầu tiên công ty này dùng KOL cho chương trình truyền thông. Lần này công ty muốn đi thẳng đến đối tượng khách hàng mục tiêu hơn. Nhiều công ty khác cũng vậy, nhu cầu dùng KOL để quảng bá thương hiệu, sản phẩm ngày càng lớn. Có công ty cho biết, có thời điểm đã sử dụng hơn 20 KOL, có thể là một ca sĩ, diễn viên, nhạc sĩ, người viết blog du lịch hoặc một facebooker nổi tiếng nào đó để thực hiện một chương trình tiếp thị.

Các cơ quan xúc tiến du lịch, đặc biệt là cơ quan xúc tiến du lịch nước ngoài cũng là những đơn vị sử dụng nhiều lực lượng này cho các chương trình quảng bá điểm đến. Trước đây, đối tượng chính của các chương trình giới thiệu sản phẩm, điểm đến hay FAM trip là các doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông thì nay nhiều chương trình có thêm sự hiện diện của các bloger, facebooker.

“Ở mỗi mảng sản phẩm, chúng tôi hợp tác những người nổi tiếng trong lĩnh vực phù hợp nhằm tạo trào lưu. Thực tế cho thấy hiệu quả rất tốt”, bà Lê Thị Thu Trang, Trưởng phòng tiếp thị của Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, một số doanh nghiệp cho biết có nhiều cách để trả chi phí cho KOL. Hoặc có thể trả chi phí trọn gói bằng tiền mặt, hoặc miễn phí sử dụng dịch vụ để đưa thông tin lên trang cá nhân, hoặc cũng có thể kết hợp một phần tiền mặt và phần còn lại là những thẻ giảm giá (voucher) sử dụng dịch vụ dành cho người hâm mộ, thành viên của họ. Tương tự như doanh nghiệp, những người này cũng cần làm thương hiệu, cần có công cụ để lôi kéo người đọc vào fanpage và blog.

Giá cả thì tùy vào độ nổi tiếng, số lượng hoạt động cũng như thời gian mà người đó thực hiện. Chẳng hạn, cũng một status trên facebook, người không nổi tiếng lắm chỉ được chừng 5 triệu đồng, nhưng với người khác có thể từ 20-40 triệu đồng. Nếu kết hợp cả giới thiệu trên mạng cùng với những chương trình thực tế, dài hơi thì chi phí có thể con số trăm triệu đồng hoặc hơn. Mỗi KOL thường quảng cáo cho nhiều sản phẩm, dịch vụ cho nên thu nhập đem lại từ mảng này cũng khá hấp dẫn.

“Không có mức phí cụ thể cho mỗi người, không chỉ tùy thuộc vào độ nổi tiếng mà còn là khả năng viết lách duyên dáng và mức độ thu hút với khách hàng tiềm năng. Đặc biệt, với mảng du lịch thì sự trải nghiệm sản phẩm là yếu tố quan trọng ”, giám đốc một công ty du lịch (không muốn nêu tên) nói.

kolCầu thủ Lương Xuân Trường chụp hình với người hâm mộ tại sự kiện quảng cáo cho du lịch Hàn Quốc. Ảnh: Đào Loan

Chọn đúng người

Tiêu chí chung để doanh nghiệp chọn KOL thường là người đó phải có lượng người hâm mộ đông đảo, độ phủ fanpage tốt, hình ảnh tích cực. Theo những người có kinh nghiệm, điều quan trọng nhất trong việc quảng bá qua KOL là chọn đúng người nên doanh nghiệp phải dùng cả biện pháp cảm tính lẫn kỹ thuật để chọn người hợp tác.

“Sẽ có những người chỉ nhắc tên là mọi người biết, nhưng không nên chỉ dựa vào đó để quyết định hợp tác mà cần phải dùng thêm các biện pháp kỹ thuật để xác định xem fanpage của họ có thực sự được nhiều người thích và chia sẻ nhiều hay không. Thực tế, cũng có một số người dùng chiêu để tạo like (yêu thích) giả và một số chiêu trò khác nên người làm tiếp thị phải thận trọng”, bà Trần Thị Việt Hương, người từng thực hiện các chương trình truyền thông cho Công ty du lịch Vietravel nói.

Theo bà Hương, việc dùng KOL đúng có hiệu quả tốt để truyền đi những thông điệp về thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp. Ở mỗi chương trình tiếp thị, công ty đều đo đếm hiệu quả kỹ lưỡng bằng cách đếm lượt yêu thích, chia sẻ, lượng tương tác và nhiều cách khác, kể cả việc xem những voucher, những mã ưu đãi hay mã tham gia chương trình mà công ty đưa ra cho KOL quảng bá có được khách hàng dùng hay không.

Một số doanh nghiệp cho rằng, một số nhân viên tiếp thị tại các công ty du lịch thường có thói quen chọn các facebooker hoặc bloger nổi tiếng để thực hiện chương trình. Điều này chưa chắc đã có hiệu quả cao vì thường những người này quảng cáo cho nhiều sản phẩm, có thể có những dịch vụ - thương hiệu là đối thủ cạnh tranh của nhau hoặc do quá bận bịu nên không đủ thời gian để chăm chút cho các phản hồi và tương tác đến khách hàng tiềm năng.

Giám đốc tiếp thị và truyền thông của một công ty du lịch cho biết, công ty vừa hợp tác với một KOL nhưng sau đó cảm thấy có vấn đề. Chỉ vài phút sau khi đề nghị hợp tác thì người này gật đầu, không hề tìm hiểu về công ty, thương hiệu… Sau đó, khi công ty gửi chương trình hợp tác cùng kịch bản của một buổi giao lưu với khách hàng, KOL này cũng không hề coi qua  mà chỉ hỏi “đã chuyển tiền chưa”.

“Hợp tác với KOL là lâu dài nên với những người không chuyên nghiệp, chỉ quan tâm đến việc một status bao nhiêu tiền, chứng tỏ mình là ngôi sao, quan tâm đến mình hơn là khách hàng thì chúng tôi sẽ không hợp tác vì độ rủi ro rất cao”, bà nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Dừng miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu trị giá thấp...

0
(SGTT) - Từ ngày 18-2, hàng hóa nhập khẩu có giá trị thấp, được gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ không còn...

Đổi vị bữa sáng với món bánh mì chấm súp phở

0
(SGTT) - Thay vì là một phần phở truyền thống no bụng, bữa sáng của mọi người sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn với...

Ngắm hoa gạo rực đỏ núi rừng Phiêng Phát

0
(SGTT) - Giữa tháng 2, hoa gạo bung nở đỏ rực trên các triền đồi ở bản Phiêng Phát (xã Trung Đồng, huyện Tân...

Quy mô 4 dự án BOT giao thông sắp triển khai...

0
(SGTT) - Trong giai đoạn 2025-2028, TPHCM sẽ triển khai 4 dự án BOT giao thông tại khu vực cửa ngõ với tổng vốn...

Bỏ túi ba công thức chế biến món ăn vặt, ăn...

0
(SGTT) - Bột khoai là thực phẩm quen thuộc đối với người nội trợ, ứng dụng linh hoạt cho các món ăn vặt như...

Xử lý tình trạng đấu nối trái phép vào cao tốc...

0
(SGTT) - UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã hướng dẫn các đơn vị xử lý những trường hợp tự ý...

Kết nối