(SGTT) - Du lịch chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng thực tế chưa được khai thác hiệu quả. Muốn loại hình du lịch này phát triển, các địa phương nói chung và các nhà hoạt động lữ hành, điểm đến và dịch vụ nói riêng nên hành động khẩn trương ngay từ bây giờ.
- Du lịch sức khỏe tại Việt Nam: Tiềm năng còn bỏ ngỏ
- Khả năng lây nhiễm Covid-19 từ bề mặt tại cửa hàng tạp hóa như thế nào?
Việt Nam sở hữu các phương thuốc chữa bệnh theo y học cổ truyền từ nguồn dược liệu phong phú; tài nguyên tự nhiên với hệ thống suối khoáng nóng, cảnh quan thiên nhiên, biển, rừng… đến các tài nguyên văn hoá - xã hội đa dạng.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch có thứ hạng đáp ứng điều kiện cơ sở chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn cũng là một thế mạnh sẵn có của du lịch Việt Nam. Ẩm thực thực dưỡng không thiếu món ăn cần thiết cho sức khỏe…
Các địa phương như Hà Nội, Hạ Long, Huế, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc, TPHCM… đã thu hút lượng đáng kể khách du lịch đến với mục đích chính là chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trên bản đồ du lịch chăm sóc sức khoẻ của thế giới, Việt Nam còn khá mờ nhạt bởi chúng ta chưa chuẩn mực các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh dành riêng cho khách du lịch.
Để phát triển bền vững và thật sự tạo được sức hút du khách ở loại hình du lịch này, bên cạnh việc nghiên cứu, điều tra toàn diện về tiềm năng, thực trạng và nhu cầu của thị trường du lịch chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam, cần có qui hoạch tổng thể các điểm đến, địa phương phù hợp.
Việc đề ra các tiêu chuẩn, tiêu chí về an toàn dịch vụ sức khỏe cho khách du lịch cần được quan tâm vì loại hình này có nhiều yêu cầu rất khác so với các loại hình khác.
Đặc biệt, các đối tượng tham gia khai thác loại hình du lịch này phải chú trọng việc xây dựng hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe phù hợp với từng phân khúc thị trường khách theo giới tính, độ tuổi, quốc gia, nghề nghiệp.
Việc xây dựng các sản phẩm du lịch sức khỏe đặc trưng riêng có của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và toàn cầu phải được quan tâm đầu tiên.
Du khách hiện nay đang có nhu cầu trải nghiệm những hoạt động, dịch vụ tốt cho sức khỏe, cho một cuộc sống lành mạnh lâu dài như tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, tập yoga, ngồi thiền, đi bộ, đạp xe đạp, leo núi…; thư giãn ngâm mình trong suối khoáng nóng, tắm biển, tắm rừng, massage trị liệu, xông hơi thảo dược; thưởng thức các món ăn thực dưỡng; nghỉ ngơi giảm stress tại các khu nghỉ dưỡng kết hợp tham quan các điểm du lịch nổi tiếng….
Muốn đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của khách du lịch, nhất là khách du lịch cao cấp, đội ngũ phục vụ loại hình du lịch sức khỏe cũng phải được nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cả hai lĩnh vực: y tế và du lịch.
Ngoài ra, hai ngành liên quan (y tế và du lịch) cần ngồi lại thống nhất quan điểm, bắt tay hợp tác toàn diện, tránh kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Bên cạnh đó, kế hoạch tổng thể truyền thông, quảng bá tiếp thị… cũng cần được triển khai sâu rộng trong và ngoài nước.
Muốn du lịch chăm sóc sức khỏe phát triển trong bối cảnh bình thường mới, khai thác được hết các lợi thế, tiềm năng của du lịch Việt Nam góp phần phục hồi và đưa ngành du lịch Việt Nam cất cánh, các địa phương nói chung và các nhà hoạt động du lịch lữ hành, điểm đến và dịch vụ nên hành động khẩn trương và quyết liệt ngay từ bây giờ.
Phan Yến Ly
Mời đón xem tọa đàm trực tuyến: Du lịch sức khỏe – Xu hướng sau dịch Covid-19