(SGTT) - Nhiều quốc gia đã cho phép, thậm chí khuyến nghị tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của 2 hãng khác nhau bằng việc làm gương của giới lãnh đạo. Một số nhà khoa học tin rằng việc kết hợp như thế là tốt cho hệ miễn dịch trước sự tấn công của virus.
- Xét nghiệm Covid-19 tại TPHCM ở đâu, chi phí thế nào?
- Cư dân sống trong khu phong tỏa phải làm gì khi muốn đi khám bệnh?
- Dễ trầm cảm do quá chú tâm tìm kiếm thông tin về Covid-19
Theo CNN ngày 2-7, Ủy ban Thường trực vắc-xin Đức (STIKO) vừa khuyến nghị tiêm trộn vắc-xin ngừa Covid-19, theo đó người nào tiêm mũi đầu vắc-xin AstraZeneca “nên được tiêm vắc-xin mRNA cho mũi thứ hai, không kể tuổi tác”. Điều này khiến Đức trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới khuyến nghị tiêm trộn vắc-xin Covid-19.
Ngay cả Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng là người tiên phong cho chiến lược tiêm trộn vắc-xin ngừa biến chủng mới của Covid-19. Tháng 6, bà tiêm mũi thứ hai Moderna kế tiếp mũi AstraZeneca.
Sức khỏe của nhà lãnh đạo Đức vẫn rất ổn định, bà thậm chí còn tiếp đón các lãnh đạo nước ngoài chỉ 2 ngày sau khi tiêm liều thứ hai loại Moderna. Hành động của bà Merkel có thể cổ vũ nhiều người khác làm điều tương tự, trong bối cảnh các nghiên cứu đầy đủ về việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của 2 hãng khác nhau vẫn chưa được công bố.
Trong khi đó, STIKO dẫn “các kết quả nghiên cứu hiện thời” cho thấy tiêm trộn vắc-xin tạo ra phản ứng mạnh mẽ và chiếm ưu thế hơn so với trường hợp chỉ tiêm một loại vắc-xin.
Ủy ban Tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada ngày 17-6 cũng đưa ra khuyến nghị tương tự, theo đó nên chọn vắc-xin mRNA cho liều hai ở những người tiêm mũi đầu vắc-xin AstraZeneca hoặc Covishield (phiên bản AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất).
Theo New York Times, một số nước đã cân nhắc tiêm 2 liều vắc-xin khác nhau cho người dân trong trường hợp bất khả kháng, chẳng hạn nguồn cung hạn chế hoặc loại vắc-xin đầu tiên hiệu quả không như kỳ vọng.
Các cơ quan y tế ở nhiều quốc gia đang cho phép trộn và kết hợp vắc-xin ở một mức độ nhất định. Vương quốc Anh đã bắt đầu việc này ngay trong những ngày đầu tiêm chủng đại trà. Đức, Canada, Thụy Điển, Pháp, Tây Ban Nha và Ý cũng cho phép những người đã tiêm AstraZeneca được tiêm một loại khác cho liều thứ 2.
Tại Hàn Quốc, để đối phó với việc vắc-xin bị giao chậm, chính quyền Seoul xác nhận các nhân viên y tế đã tiêm liều đầu tiên của AstraZeneca có thể tiêm liều thứ hai là vắc-xin Pfizer.
Tại Trung Đông, một số quốc gia vùng Vịnh cũng cân nhắc tiêm liều thứ 3 là vắc-xin Pfizer cho những ai đã tiêm đủ 2 liều để tăng khả năng bảo vệ trước các biến thể mới.
Việc trộn vắc-xin không phải là ý tưởng mới và đã từng được các nhà khoa học thử nghiệm với vắc-xin Ebola. Với Covid-19, một số nhà khoa học tin rằng việc tiêm 2 loại vắc-xin khác nhau sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn.
Tuy nhiên, theo tờ New York Times, tiến sĩ John Moore, một nhà virus học thuộc Cao đẳng y dược Weill Cornell (Mỹ), cho rằng giả thuyết này vẫn cần được kiểm chứng để đánh giá các mặt thiệt - hơn. Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) đã kết hợp các loại vắc-xin AstraZeneca với Pfizer/BioNTech, Moderna với Novavax... trong dự án thí nghiệm tên Com-Cov. Dữ liệu sơ bộ từ nghiên cứu Com-Cov cho thấy việc kết hợp vắc-xin có thể làm tăng tỉ lệ mắc các tác dụng phụ nhẹ và trung bình, bao gồm sốt, mệt mỏi và đau đầu. Hầu hết tác dụng phụ đều biến mất trong vòng 48 giờ sau khi tiêm.
Tại Nga, các nhà khoa học cũng thử kết hợp Sputnik V với AstraZeneca nhưng phức tạp hơn vì liều 1 và liều 2 của Sputnik V có công thức khác nhau.
Như vậy, hầu hết các nghiên cứu vẫn đang ở giai đoạn đầu, nhưng một số đã đưa ra kết quả sơ bộ đầy hứa hẹn về việc tiêm trộn vắc-xin Covid-19 hiện nay.
Hiệp Trần
Theo CNN, New York Times