(SGTT) - Hà Nội, TPHCM là các thành phố dự kiến tăng học phí mầm non, phổ thông trong năm học tới. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng bởi đây là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.
- TPHCM hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non và học sinh
- Ngày 3-9: Thêm 14.922 ca mắc Covid-19; TPHCM hỗ trợ 100% học phí học kỳ I cho học sinh
Xu thế tăng học phí vào cùng thời điểm
Dự thảo nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội quy định mức thu học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026, mức học phí THCS sẽ từ 50.000 đồng đến 300.000 đồng/tháng, gấp khoảng 2 lần mức đang áp dụng (19.000-155.000 đồng), hầu hết các bậc còn lại có mức tăng tương tự.
Trước đây, Hà Nội chia thành 3 vùng, gồm thành thị, nông thôn và miền núi để tính mức thu học phí, nhưng sắp tới sẽ chia thành 4 vùng. Cụ thể, 12 quận nội thành và các phường tại thị xã Sơn Tây thuộc vùng 1; các thị trấn thuộc 17 huyện ngoại thành là vùng 2; các xã (trừ xã miền núi) của 18 huyện, thị thuộc vùng 3; còn lại, các xã miền núi được xếp vào vùng 4. Theo đó, các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí vùng 1 và vùng 2 là 300.000 đồng/tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 100.000-200.000 đồng (vùng 3) và 50.000-100.000 đồng (vùng 4).
Mức dự kiến trên chỉ bằng mức sàn (thấp nhất) trong khung học phí mới tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ nhưng so với mức hiện hành thì vẫn tăng đáng kể.
TPHCM cũng dự kiến mức thu học phí mới, trong đó, cấp THCS tăng gấp 5 lần, THPT tăng gấp hơn 2 lần so với mức hiện tại. Trước phản ứng của dư luận, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, trần tình, thành phố từng là địa phương đầu tiên đề nghị Chính phủ miễn học phí cho học sinh từ THCS trở xuống nhưng chưa được chấp thuận. Trong bối cảnh đó, TPHCM buộc phải thực hiện Nghị định 81/2021/NĐ-CP về học phí và mức đề xuất là mức thấp nhất trong khung học phí được quy định tại Nghị định này. Hiện UBND TPHCM đang đề nghị HĐND thành phố có gói hỗ trợ học phí cho học sinh (dựa trên tình hình kinh tế địa phương), để cấp bù kinh phí cho các trường.
Không chỉ Hà Nội và TPHCM mà ở một số địa phương cũng đang xúc tiến việc đề xuất tăng học phí mầm non, phổ thông. Nhiều trường đại học cũng công bố tăng học phí ngay sau khi sinh viên trở lại trường sau đại dịch. Việc này đang tạo nên một xu thế tăng học phí vào cùng thời điểm, gây tâm lý lo ngại với nhiều phụ huynh khi người dân đang gặp khó khăn. Đặc biệt là ở Hà Nội và TPHCM, nhiều người thất nghiệp, bị giảm việc, giảm thu nhập do dịch bệnh...
Cần có những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ
Chị Vũ Thu Phương, một phụ huynh có hai con học THCS và THPT ở quận 7 (TPHCM), chia sẻ "Chọn thời điểm khi hậu quả của dịch Covid-19 còn ngổn ngang, học sinh, sinh viên vừa mới quay lại trường, là sai thời điểm. Người dân đang cần được chia sẻ khó khăn thay vì khiến cho gánh nặng tiền trường tăng thêm".
Chị Phương cho biết, theo mức học phí mới là 600.000 đồng cho hai con, không phải gia đình chị không chi trả được. Nhưng việc tăng học phí, tăng giá các loại ở thời điểm này gây tâm lý hoang mang. Chưa kể nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn thực sự.
Bày tỏ quan điểm về học phí, nhiều bậc phụ huynh khác ở TPHCM mong muốn năm học 2022-2023 giữ nguyên mức học phí với lý do "trong 3 năm dịch Covid-19 thì thiệt hại của năm 2021 và nửa đầu năm 2022 nặng nề hơn, rất cần duy trì ổn định 1 năm học nữa".
Một số phụ huynh đồng ý với mức tăng học phí theo lộ trình, nhưng cho rằng, cần có những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để ngăn chặn việc lạm thu tiền trường vào đầu năm học mới, vì đây mới là những khoản thu khiến nhiều phụ huynh “lao đao”.
"Giá sách giáo khoa mới tăng gấp 2-3 lần, cùng với đó là sách tham khảo, sách bổ trợ bị ép mua, gợi ý mua, tiền đồng phục, đồ dùng học tập và nhiều khoản ủng hộ nhà trường... Ước tính nhà có con học phổ thông ở các trường công lập tiền đóng góp đầu năm không dưới 2 triệu đồng, có khi tới 5-7 triệu đồng/học sinh. Đây là số tiền khiến nhiều phụ huynh lao đao, nhất là khi phải đóng gộp một lần", anh Nguyễn Đình Phúc, phụ huynh học sinh trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh (TPHCM), phân tích.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương khi công bố việc tăng học phí cần xem xét các chương trình hỗ trợ, miễn giảm học phí hợp lý cho học sinh khó khăn.
Phó Giáo sư Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận xét: "Việc tăng học phí được thực hiện theo lộ trình nhưng chúng ta phải tính toán và xem xét tăng học phí vào thời điểm hiện tại liệu có phù hợp với thực tế hay không.
Ngoài ra, khi học phí tăng, chất lượng giáo dục cũng phải được tăng lên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cần được chú trọng đầu tư hơn nữa, không thể thu học phí cao nhưng chất lượng đào tạo lại giậm chân tại chỗ.
Chuyện các địa phương dự kiến tăng học phí có thể là một trong những yếu tố cộng hưởng dẫn đến lạm phát tăng cao khi cùng lúc các mặt hàng tiêu dùng, xăng, dầu đồng loạt công bố tăng giá”.
Còn theo chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư Đinh Trọng Thịnh, sự thiếu hụt nguồn cung do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vì đại dịch Covid-19 chưa được khắc phục, chiến sự Nga - Ukraine lại tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề tới nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất của Việt Nam; tất cả tác động trực tiếp đến lạm phát cũng như tăng trưởng kinh tế.
“Hàng hóa, xăng, dầu, gas... đồng loạt tăng giá, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Dù tăng học phí cũng rất cần thiết, đặc biệt là khi nước ta đang đẩy mạnh tự chủ tài chính trong các cơ sở giáo dục, nhưng nên xem xét lại thời hạn, lộ trình tăng để thể hiện được tính nhân văn, chia sẻ với người dân, đồng thời giảm áp lực tăng lạm phát trong nền kinh tế quốc dân", ông Thịnh chia sẻ.
Đinh Nam