Ngọc Hùng -
Tại một số hệ thống siêu thị ở TPHCM, khách hàng khi mua rau đã có thể dùng điện thoại thông minh (smartphone) cài phần mềm đọc mã QR để truy xuất nguồn gốc bằng cách soi vào một tem điện tử dán ở bên ngoài bó rau.
Tại một số hệ thống siêu thị ở TPHCM, từ ngày 18-1, khách hàng khi mua rau đã có thể dùng smartphone cài phần mềm đọc mã QR để truy xuất nguồn gốc.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TPHCM, trong ngày 18-1, sẽ có 10,3 tấn rau quả có dán tem truy xuất nguồn gốc của hai hợp tác xã là Phú Lộc và Phước An chính thức có trên kệ của một số hệ thống siêu thị như Big C, Co.opMart, Lotte Mart, Aeon Mall...
Người tiêu dùng sử dụng ứng dụng Zalo trên smartphone dùng hệ điều hành Android hoặc các phần mềm quét mã QR để biết thông tin về bó rau dự định mua như vùng trồng, loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nơi đóng gói, nơi bán…
Nhiều người tỏ ra hứng thú với ứng dụng điện thoại để truy xuất nguồn gốc thịt heo trước đó, nay đến các loại rau quả bán trong hệ thống siêu thị. Họ phần nào yên tâm hơn khi biết rõ thông tin về sản phẩm để quyết định chọn mua hay không. Mặt khác đây là một cách để cơ quan quản lý giám sát trong việc đưa sản phẩm sạch, an toàn đến người tiêu dùng.
Để thực hiện đề án trên, từ tháng 5-2016, ngành nông nghiệp thành phố đã đi khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu, lựa chọn mô hình các vùng trồng rau, và đến cuối năm 2016 mới hoàn thành khi chọn ra những địa chỉ cung cấp rau cho chương trình này. Đây là những hộ trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) của hai hợp tác xã là Phú Lộc và Phước An, với tổng cộng có 94 nông hộ tham gia.
Trong những năm qua, để có nguồn cung rau VietGAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng tại TPHCM, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp (HCACS) trực thuộc Sở NN&PTNT đã có những chính sách hỗ trợ cho người nông dân. Vì thế, diện tích trồng rau VietGAP liên tục tăng trong những năm qua.
Đến nay, thành phố đã có 377 hộ nông dân làm VietGAP với diện tích đạt gần 323 ha, cung cấp cho thị trường gần 30.200 tấn rau mỗi năm. Như vậy, hiện tại mới có 94/377 nông hộ tham gia dự án truy xuất nguồn gốc sản phẩm dù tất cả đều đạt VietGAP.
Theo ý kiến một số người trồng rau VietGAP, ngoài các xã viên thuộc các hợp tác xã nông nghiệp, thời gian tới nên kéo những nông hộ nhỏ, nằm bên ngoài hợp tác xã, cũng tham gia vào quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm này.
Anh Đ., một hộ dân trồng rau VietGAP ở Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, cho biết mỗi ngày vườn rau của anh cung cấp cho thị trường khoảng 700 kg. Trong đó, hợp đồng ổn định là 100 kg, còn lại 600 kg anh tự đem bán ở chợ đầu mối với giá 3.000 đồng/kg.
Theo anh Đ., vườn rau của anh làm theo tiêu chuẩn VietGAP thông qua hướng dẫn của HCACS, tức là tương tự với rau trồng của những nông dân ở trong một hợp tác xã. Sản phẩm trồng và chăm sóc theo quy trình như nhau, vì thế anh mong muốn sản phẩm mình cũng được tiêu thụ theo dự án truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
“Chúng tôi trồng rau theo VietGAP nhưng hiện tại đa phần rau thu hoạch phải bán như rau trồng theo cách truyền thống, nên rất muốn được đưa sản phẩm có dán tem truy xuất vào bán trong hệ thống siêu thị”, anh Đ. nói.