(SGTT) - Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa đề xuất UBND TPHCM chấp thuận cho một doanh nghiệp triển khai thí điểm xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, mô hình này liệu có khả thi để người dân tham gia xe đạp công cộng.
- Nhu cầu cao, xe ôm công nghệ ở TPHCM "chạy chui"
- 90 tuyến xe buýt tại TPHCM sẽ hoạt động trở lại vào ngày 15-11
5.000 đồng cho 30 phút đạp xe dạo phố
Tháng 11-2021, một doanh nghiệp sẽ thực hiện thí điểm mô hình xe đạp công cộng ở trung tâm thành phố. Theo đó, hệ thống xe được bố trí ở 43 vị trí trên vỉa hè một số tuyến đường quận 1, gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, công viên, điểm du lịch... để phục vụ đi lại với các chặng đường ngắn. Mỗi trạm có diện tích từ 10-15 m², cho 10-20 xe đậu hai dãy, bề rộng tối thiểu cho một xe là 1m.
Người dùng cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại rồi quét tìm trạm có xe ở gần, sau đó dùng ứng dụng này quét mã code mở khóa xe; đăng ký giá cước theo thời gian sử dụng... Giá thuê xe trước mắt áp dụng 5.000 đồng/30 phút và 10.000 đồng/giờ với mỗi xe. Doanh nghiệp khai thác sau đó sẽ nghiên cứu đa dạng các loại vé. Riêng thời gian đầu, dự kiến miễn phí 15 phút đầu để thu hút người dân sử dụng.
Để tránh mất cắp, thất lạc, người dùng khi đăng ký cần cung cấp, xác minh thông tin cá nhân hợp lệ. Mỗi xe đạp cũng được gắn thẻ ID định danh. Thông qua phần mềm trung tâm, nhân viên vận hành có thể theo dõi lộ trình di chuyển của xe và người điều khiển.
Thách thức lớn để duy trì lâu dài
Với những ưu điểm như thân thiện với môi trường, chi phí sử dụng thấp, tính lưu động cao... việc triển khai dịch vụ xe đạp công cộng đang được nhiều người ủng hộ. Theo anh Nguyễn Quang Tâm, ở quận 5, TPHCM, chỉ cần chất lượng xe tốt, phục vụ tốt, thì người dân sẽ hào hứng đón nhận. “Tôi thấy việc đạp xe và hòa mình trong không gian tươi mới của Sài Gòn trong những ngày cuối tuần sẽ rất thú vị. Gần đây, tôi thấy không ít người còn sử dụng xe đạp như một thú chơi thời thượng, phương tiện để rèn luyện sức khỏe”, anh Tâm nói.
Là tín đồ mê dạo phố bằng xe đạp, chị Lê Thị Thùy Trang, ở quận 3, TPHCM, cho biết rất vui và ủng hộ loại hình cho thuê xe đạp này. Đây không phải là mô hình mới vì nhiều nước tiên tiến đã và đang áp dụng. Bên cạnh đó, dịch vụ này sẽ có nhiều ý nghĩa, hứa hẹn góp phần tạo nên văn hoá đạp xe trong cộng đồng.
“Tuy nhiên, để dịch vụ này tồn tại và phát triển lâu dài thì cần có cơ chế quản lý tài sản thật tốt từ nhà đầu tư cũng như ý thức bảo vệ tài sản chung từ phía người sử dụng dịch vụ. Đồng thời, cần tiến tới xây dựng nhiều điểm đỗ xe, làn đường riêng dành cho xe đạp... để giúp cho dịch vụ này trở nên phổ biến và tiện lợi”, chị Trang chia sẻ.
Chia sẻ về vấn đề trên, Tiến sĩ Phan Lê Bình, chuyên gia quy hoạch giao thông, cho rằng việc thí điểm cho thuê xe đạp công cộng là một ý tưởng hay bởi xe đạp là phương tiện không phát sinh khí thải ra môi trường và được nhiều người dân, khách du lịch ưa chuộng. Loại hình này đã được thực hiện ở nhiều thành phố du lịch trên thế giới.
Theo ông Bình, hạ tầng giao thông không ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển loại hình này. Để vận hành bền vững, chủ đầu tư cần chú trọng đến việc quản lý phương tiện và cách thức thanh toán.
"Tại các nước phát triển như Pháp, Đức, Ý, khi cho thuê xe đạp hầu như không phải lo lắng về vấn đề mất cắp. Tuy nhiên, ở Việt Nam xe đạp vẫn là một tài sản tương đối có giá trị, nên dễ bị phá khóa và trộm đi. Do đó, chủ đầu tư sẽ cần bố trí nhân sự để trông coi phương tiện tại các trạm xe", ông Bình nói.
Ngoài ra, trong quá trình giao nhận xe giữa người thuê và đơn vị cho thuê cần đánh giá tình trạng của xe, khi phát hiện hư hỏng có thể lập biên bản để xử lý kịp thời. Phần đông tại các nước đã thực hiện loại hình cho thuê xe đạp sẽ cho khách du lịch thuê và thanh toán bằng thẻ tín dụng nên dù khách đã trả xe nhưng phía cho thuê xác minh được lỗi hỏng hóc phát sinh phía người dùng thì có quyền đòi bồi thường bằng cách khấu trừ vào tài khoản của thẻ tín dụng.
Ông Bình cho rằng, từ kinh nghiệm của các nước đã thực hiện, loại hình này không yêu cầu khách hàng thuê xe ở đâu phải trả xe ở đó và đây cũng chính là điều hấp dẫn với khách hàng. Việc thuê xe ở điểm A và phải quay lại điểm A để trả xe sẽ là một bất tiện lớn cho người sử dụng.
"Việc mất cân bằng số lượng xe giữa điểm thuê và điểm trả dễ xảy ra. Vì vậy, chủ đầu tư cần tính toán việc trung chuyển, phân bổ xe đều ở các trạm, tránh trường hợp có dịch vụ cho thuê xe nhưng không còn xe để cho khách thuê", ông Bình phân tích.
Minh Hoàng