Cao Ban -
Theo Nghị định số 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 3-3, nhà đất mua bán chỉ bằng giấy viết tay từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-1-2008 sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhiều thay đổi có lợi
Nhiều mảnh đất tại huyện Bình Chánh được mua bán bằng giấy tay.
Trước đây, luật chỉ cho phép những trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tay đến trước ngày 1-7-2004 được cấp giấy chứng nhận. Thay vào đó, Nghị định 01/2017 đã cho phép những trường hợp nhà đất được mua bán bằng giấy tờ tay từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-1-2008 được hợp thức hóa, cấp giấy chứng nhận hay còn gọi là “sổ đỏ”.
Cụ thể, theo quy định tại điều 2 khoản 54, Nghị định 01/2017 quy định về Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 82 như sau: các trường hợp sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 1-1-2008; sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ ngày 1-1-2008 đến trước ngày 1-7-2014 mà có giấy tờ về quyền sử dụng đất; sử dụng đất do nhận thừa kế quyền sử dụng đất trước ngày 1-7-2014 thì được thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu theo quy định của Luật Đất đai và quy định tại nghị định này mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nghị định còn quy định sẽ cấp chủ quyền cho diện tích đất tăng thêm (thực tế) so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những trường hợp người dân đo đạc lại mà diện tích thửa đất thực tế của họ nhiều hơn diện tích ghi trên giấy chứng nhận đã cấp hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất và ranh giới thửa đất thực tế có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy chứng nhận hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất thì sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm.
Lúc này, văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm xác nhận vào đơn đề nghị cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất tăng thêm và gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế, trình cấp giấy chứng nhận, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai cho toàn bộ diện tích thửa đất đang sử dụng, trao giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi UBND cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại UBND cấp xã.
Nghị định này còn quy định rút ngắn từ 1/3 đến một nửa thời gian làm thủ tục đăng ký, cấp sổ đỏ và thủ tục đăng ký biến động đất đai hay cấp lại sổ đỏ. Chẳng hạn, thủ tục đăng ký, cấp sổ đỏ cho cá nhân và tổ chức tối đa là 15 ngày, thay cho quy định cũ là 30 ngày. Việc đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền trên đất; xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn; kê biên bán đấu giá tài sản... được quy định không quá 10 ngày, trong khi quy định cũ không quá 15 ngày. Cấp lại sổ đỏ bị mất cũng được quy định trong 10 ngày (quy định cũ không quá 30 ngày); thủ tục đăng ký biến động do đổi tên người sử dụng đất hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất hoặc thay đổi về nghĩa vụ tài chính… được rút ngắn còn 10 ngày (quy định cũ 15 ngày).
Thủ tục ra sao?
Tại buổi họp báo quí 1 chiều ngày 3-3, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện thành phố còn khoảng 106.000 nhà, đất chưa được cấp giấy chứng nhận với nhiều nguyên nhân, trong đó có khoảng 20.000 trường hợp đủ điều kiện nhưng người dân chưa có nhu cầu hợp thức hóa.
Riêng trong tổng số giấy không đủ điều kiện thì có tới gần 37.000 trường hợp là mua bán, chuyển nhượng bằng giấy viết tay. 70% trong số này (khoảng 30.000 hồ sơ) đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 01.
Ông Thắng cho hay, người dân thuộc diện được cấp sổ đỏ cho giấy tờ tay thì cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm đơn đăng ký chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất; giấy tờ liên quan chứng minh diễn biến, quá trình xây dựng và sử dụng căn nhà; bản vẽ tổng thể mảnh đất và thiết kế căn nhà.
Hồ sơ được nộp tại UBND xã, phường hoặc văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện nhằm xác minh lý lịch, thời điểm sử dụng, tình trạng chuyển nhượng hay thế chấp, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Văn phòng đăng ký đất đai cũng có trách nhiệm kiểm tra bản trích đo địa chính hoặc thực hiện việc trích lục, trích đo thửa đất để cấp sổ đỏ.
Đối với những căn nhà xây trên nền đất nông nghiệp thì phải thực hiện quyền, nghĩa vụ chuyển đổi mục đích sử dụng, sau đó đóng tiền thuế đất và xét duyệt các vấn đề tranh chấp, quy hoạch thì mới làm các bước thủ tục tiếp theo. Còn với đất lấn chiếm muốn được cấp sổ đỏ, ông Thắng cho biết, người dân phải đóng phạt và khắc phục hậu quả vi phạm rồi mới được làm thủ tục.
Tuy nhiên, do nghị định còn vướng một số thủ tục cần thông tư hướng dẫn, do vậy, dự kiến vào cuối tháng 3 sở mới có thể tiến hành cấp cho người dân.
Ông Thắng cũng cho biết Sở TN&MT đang xây dựng trang web, thông báo tiến trình xử lý từng hồ sơ. Các quận, huyện có trách nhiệm rà soát, thống kê số lượng hồ sơ và thông báo cho người dân để chuẩn bị các thủ tục chuẩn bị hợp thức hóa. Những trường hợp nào có thể xử lý được sẽ làm trước, sau đó sở gửi giấy thông báo đến tận nhà người dân mời lên làm việc.