(SGTT) - Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) đã khai trương sàn giao dịch tín chỉ carbon có xác thực của chính phủ hôm 11-10 trong nỗ lực giảm khí phát thải, đáp ứng các mục tiêu chống biến đổi khí hậu của Nhật Bản. Đây là sàn giao dịch tín chỉ carbon thứ ba của Nhật Bản khai trương trong hai tuần qua.
- EU chính thức áp dụng chính sách nhằm đánh thuế hàng hóa nhập khẩu ô nhiễm
- Xây dựng thị trường tín chỉ carbon ở TPHCM: tốc độ phải đi cùng tính ‘thực dụng’
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh
Có 188 công ty, định chế tài chính và chính quyền địa phương tham gia sàn giao dịch tín chỉ carbon, hay còn gọi tín chỉ J (J-credits), thông qua các hoạt động giảm khí thải trong nước như sử dụng năng lượng tái tạo và quản lý rừng. Được tính theo đơn vị tương đương một tấn CO2 phát thải, các giao dịch sẽ được tổng kết hai lần một ngày và sẽ được đăng tải trên trang web của TSE.
Sàn giao dịch tín chỉ carbon cũng như thuế carbon là các biện pháp mới nhất của nhiều nước trong nỗ lực giảm mức phát thải quốc gia. Chính phủ Nhật Bản hy vọng các biện pháp này sẽ tăng thêm giá trị cho các sản phẩm và doanh nghiệp thân thiện với môi trường, đồng thời giúp thúc đẩy đầu tư cho năng lượng sạch trong chính sách cơ bản về chuyển đổi xanh (Green Transformation, còn gọi là GX) của nước này.
GX được chính phủ Nhật Bản công bố ngày 22-12-2022, phác thảo các trọng điểm về khung pháp lý, tài chính và công nghệ cho quá trình chuyển đổi xanh của các ngành công nghiệp khác nhau tại nước này. Đây là một lộ trình đầu tư trị giá 150.000 tỉ yen (hơn 1.100 tỉ đô la) trong đối tác tài chính công – tư trong 10 năm tới nhằm giúp các ngành công nghiệp đạt mức trung hòa carbon và góp phần vào quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Á.
Trong lễ khai trương tại TSE hôm 11-10, Bộ trưởng Công nghiệp Yasutoshi Nishimura nói rằng Nhật Bản sẽ sử dụng sức mạnh của thị trường để tạo ra một hệ sinh thái trong đó những người nỗ lực cắt giảm khí thải có thể thu lợi nhuận và những người không phải trả tiền.
“Chúng tôi hiện sẵn sàng sử dụng thị trường tín dụng một cách hiệu quả để hiện thực hóa cả việc giảm phát thải và tăng trưởng kinh tế khi chúng tôi đặt mục tiêu cắt giảm 46% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 so với mức thải của năm 2013”, Bộ trưởng Nishimura nói.
Nỗ lực của TSE được xây dựng dựa trên đợt thử nghiệm kéo dài bốn tháng kết thúc vào tháng 1-2023, trong đó 183 người tham gia đã mua bán tín dụng J tương đương 148.933 tấn CO2. JPX Group – tập đoàn quản lý các sàn chứng khoán ở Tokyo, Osaka và sàn giao dịch hàng hóa TOCOM – nói rằng thời gian đầu sàn sẽ chỉ giao dịch tín chỉ J, sau đó mới mở rộng sang các hình thức thương mại phát thải (emission trading) hay thị trường carbon tự nguyện (voluntary carbon). Hiện tại, giao dịch này mới dừng lại ở các doanh nghiệp trong nước nhưng chính phủ nước này cho biết sẽ thảo luận với TSE về cách thu hút nhà giao dịch nước ngoài.
Ông Yoshihito Sato, tổng giám đốc tư vấn kinh doanh bền vững tại Viện nghiên cứu Nomura của Nhật Bản, nói rằng giao dịch tín dụng carbon dự kiến sẽ giúp cắt giảm sản lượng khí thải bằng cách khuyến khích các ngành dễ giảm phát thải tham gia trước, nhằm bù đắp cho tiến độ chậm hoặc khó khăn của các lĩnh vực chậm hoặc gặp khó khăn trong giảm phát thải.
“Chìa khóa của lộ trình giảm phát thải sẽ là tăng nguồn cung tín chỉ và nhu cầu từ các doanh nghiệp để các giao dịch ban đầu được thuận lợi, giúp vận hành thị trường thuận tiện và đáng tin cậy nhằm thu hút đông đảo người tham gia”, ông Sato nói.
Nhiều nước châu Á cũng có sàn giao dịch carbon
Tháng 5-2021, Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX), quỹ đầu tư Temasek thuộc chính phủ Singapore, ngân hàng DBS và Standard Chartered đã công bố thành lập thị trường carbon tự nguyện CIX bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán tín chỉ carbon chất lượng cao (từ các khu rừng lâu năm, có tác động tích cực đến chất lượng không khí) thông qua các hợp đồng tiêu chuẩn hóa. Trong ngày đầu tiên CIX khai trương, đã có 12.000 tấn CO2 được “mua bán” với giá trung bình 5,36 đô la Mỹ mỗi tấn.
Từ năm ngoái, hãng hàng không Singapore Airlines (SIA) đã thử nghiệm chương trình cấp chứng chỉ carbon bằng cách sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (sản xuất từ dầu ăn đã qua sử dụng, có lượng khí phát thải thấp). Lượng khí thải sẽ được chia nhỏ ra, và các doanh nghiệp bay với SIA sẽ được cấp chứng nhận về nỗ lực giảm phát thải để có thể công bố với nhà đầu tư.
Đặc khu Hồng Kông thuộc Trung Quốc cũng hình thành thị trường carbon tự nguyện Core Climate do Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông (HKEX) vận hành từ tháng 12-2022.
Sàn giao dịch tín chỉ carbon (BCX) thuộc Sàn giao dịch chứng khoán Malaysia (Bursa Malaysia) khai trương hôm 25-9. Sàn giao dịch chứng khoán Indonesia (IDX) cũng ra mắt sàn giao dịch tín chỉ carbon hôm 26-9 trong bối cảnh Indonesia là quốc gia phụ thuộc vào than đá đang nỗ lực tìm cách huy động các nguồn lực để giảm khí phá thải.
Chuyên gia phát triển bền vững Sato của Viện Nomura nói rằng châu Á đang phải đối mặt với áp lực gấp rút thực hiện các sàn giao dịch tín chỉ carbon nhằm ứng phó với hàng rào thuế carbon do Liên hiệp châu Âu chính thức dựng nên từ năm 2026. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ áp dụng mức thuế cao hơn với các sản phẩm được sản xuất tại các nước hay lãnh thổ có các tiêu chuẩn về phát thải carbon ít nghiêm ngặt hơn so với tiêu chuẩn EU.
Từ 1-10-2023, 27 nước thành viên EU đã bắt đầu đánh thuế carbon với sáu loại hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài có nguy cơ ô nhiễm cao là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU thì sẽ phải mua “tín chỉ carbon” theo mức giá carbon hiện nay tại EU.
Ricky Hồ