(SGTT) – Với khoảng 150 triệu người dùng, mạng xã hội Threads nhanh chóng trở thành nơi nhà tuyển dụng có thể tìm kiếm ứng viên tiềm năng, bên cạnh các nền tảng tuyển dụng như TopCV, LinkedIn hay Vietnamwork...
- Hà Nội, TPHCM có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao động
- Gen Z trì hoãn tìm việc: Nhìn từ chi phí cơ hội và chi phí chìm
Được tạo ra bởi đội ngũ Instagram của Meta, Threads là nền tảng cho phép người dùng đăng tải những nội dung ngắn. Gần đây, nền tảng này đang “nổi lên” như một kênh mới để các nhà tuyển dụng tìm kiếm ứng viên. Tổ chức cung cấp thông tin về lĩnh vực nhân sự HR Brew đánh giá Threads là mạng xã hội tiềm năng để tìm kiếm công việc và đăng tải thông báo tuyển dụng. Hiện, Threads được ưa chuộng bởi thế hệ Gen Z, nhóm nhân lực trẻ năng động, sáng tạo.
“Góc tuyển dụng: Các bảnh ơi, thắm đang tuyển thực tập sinh chăm sóc khách hàng và công nghệ thông tin, ai quan tâm, inb thắm nhé” - Đây là nội dung tuyển dụng nhân sự do chị Đặng Nguyễn Mai Anh, chuyên viên tuyển dụng của một công ty về công nghệ tại thành phố Thủ Đức, đăng tải trên mạng xã hội Threads.
Chị Mai Anh không phải nhà tuyển dụng duy nhất tìm ứng viên trên nền tảng này. Nhiều chuyên viên nhân sự cũng đã đăng tải thông báo tuyển dụng trên Threads, bởi họ nhận thấy đây là kênh hiệu quả để tiếp cận với lượng lớn ứng viên tiềm năng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Chị Bùi Sen, chuyên viên tuyển dụng ở một công ty xuất nhập khẩu, cho biết số lượng ứng viên, đặc biệt là các ứng viên thuộc thế hệ Gen Z tìm việc làm thông qua Threads nhiều và đang phát triển nhanh. Sau 5 ngày đăng bài tuyển trên Threads, bài đăng của chị nhận về 29.000 lượt tiếp cận. Kết quả, có khoảng 90 người liên lạc hoặc truy cập vào đường link ở phần bình luận để xin JD (Job Description - mô tả công việc) và khoảng 45 hồ sơ ứng tuyển được gửi về mail.
Khảo sát của Sài Gòn Tiếp Thị cũng ghi nhận số lượng lớn bài đăng với mục đích tuyển dụng nhân sự trên Threads. Đa số bài đăng sử dụng ngôn ngữ trẻ trung, thoải mái, thường được giới trẻ sử dụng khi giao tiếp trên mạng xã hội như cách xưng hô “cậu - tớ”, “bảnh - thắm”... Do Threads giới hạn số lượng 500 ký tự, cho nên để biết thông tin chi tiết, ứng viên cần chủ động liên hệ với chủ tài khoản.
Chị Mai Anh nhận định thuật toán của Threads cho phép những người có cùng sự quan tâm trên nền tảng có thể kết nối và tương tác với nhau. "Vì thế, khi đăng bài tuyển dụng trên Threads, tôi sử dụng thường xuyên những ngôn ngữ gần gũi nhất có thể và đặc biệt là phải chăm trả lời những bình luận để có thể dễ dàng tiếp cận ứng viên hơn", chị Mai Anh nói.
Tương tự chị Mai Anh, chị Bùi Sen cũng cho biết chị thường đăng bài bằng từ ngữ “bắt trend”, kiểu hóm hỉnh, hài hước sau đó dẫn vào vị trí cần tuyển. “Những bài viết chỉn chu, đầy đủ nội dung theo mô típ tuyển dụng cơ bản sẽ ít có tương tác”, chị Bùi Sen noi.
Trên nền tảng Threads, kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn không còn giữ được vị trí "độc tôn" trong các bài đăng giới thiệu bản thân của các bạn trẻ. Thay vào đó, nhiều ứng viên lựa chọn giới thiệu cung hoàng đạo, nhóm tính cách, trải nghiệm tìm việc trước đây của mình… để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Khánh Duy là một bạn trẻ cũng đang tìm việc ở vị trí content editor (sản xuất nội dung) trên Threads. Ban đầu, Khánh Duy không để ý đến các bài đăng tuyển dụng, nhưng dần dần các nội dung này quá nhiều nên anh cũng bắt đầu quan tâm, thấy công việc nào phù hợp sẽ liên lạc để hỏi JD. Hiện tại, Khánh Duy đã tìm được một công việc phù hợp với nhu cầu và định hướng của bản thân thông qua Threads.
Tượng tự, Mỹ Linh, một bạn trẻ khác cũng đã ứng tuyển vị trí thực tập sinh kế toán thành công thông qua nền tảng Threads. “Có nhiều vị trí như thực tập sinh, làm việc tại nhà trên các nền tảng và web khác mình ít thấy tuyển, nhưng ở Threads thì tuyển nhiều”, Linh nói.
Bên cạnh ưu điểm là dễ dàng tiếp cận tệp ứng viên Gen Z, các chuyên viên tuyển dụng chia sẻ trên nền tảng Threads khó tìm kiếm những nhân sự cấp bậc cao. Hầu hết các bài đăng tuyển dụng trên Threads chủ yếu tìm kiếm nhân sự ở các vị trí không yêu cầu kinh nghiệm, thời gian làm việc không lâu dài như cộng tác viên, thực tập sinh, nhân viên bán thời gian...
“Ở những nền tảng tuyển dụng khác thì ứng viên ứng tuyển sẽ sát với vị trí tuyển dụng hơn. Còn Threads, các ứng viên bị đại trà, chỉ phù hợp với các vị trí thực tập sinh, ít hoặc không kinh nghiệm. Hiện tại, tôi chưa tìm được các ứng viên cho các vị trí cấp quản lý trở lên thông qua nền tảng Threads”, chị Bùi Sen nói.