(SGTTO) – Những ngôi nhà được xây dựng hoàn toàn từ nhựa tái chế không chỉ rẻ mà còn giải quyết tình trạng thiếu nhà ở tại châu Phi và khắc phục vấn đề rác thải của thế giới. Dự án đầy tính sáng tạo này là của một công ty đến từ Na Uy.
Chỉ 9% nhựa được tái chế
Những ngôi nhà giá rẻ được xây nên hoàn toàn từ nhựa tái chế sẽ sớm ra mắt cộng đồng nhà ở tạị châu Phi trong tương lai gần. Dự án hợp tác của công ty Công nghệ Xây dựng Othalo và Chương trình của Liên hợp quốc (UN Habitat) giúp giải quyết tình trạng thiếu nhà ở tại châu Phi và khắc phục vấn đề rác thải của thế giới. Khi có gần một tỉ người sống trong các khu ổ chuột và có hơn 9 tỉ tấn nhựa gom về từ năm 1950, trong khi chỉ có 9% trong số ấy được tái chế, thì thông tin về ngôi nhà 100% được xây từ nhựa tái chế này trở thành xu hướng mới khiến nhiều người hào hứng, Ecowatch cho biết.
Trước thực tế ba ngôi nhà kiểu mẫu được ra mắt, Phó giám đốc điều hành của UN Habitat, ông Victor Kisob, cho biết, sự hợp tác này giải quyết nhu cầu cấp thiết về nhà ở, phù hợp xu hướng bền vững và giá cả lại phải chăng cho người dân. Có đến 60% người dân sống ở các khu vực đô thị của châu Phi đang sống trong các khu định cư không chính thức.
Trong khi đó, từ năm 1990 đến năm 2017, các quốc gia châu Phi đã nhập khẩu khoảng 230 tấn nhựa, lấp đầy các bãi rác, gây áp lực về môi trường.
Giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở
Riêng khu vực cận Sahara (châu Phi) nhu cầu về nhà ở giá rẻ đã lên đến 160 triệu căn, đến năm 2050 có thể là 360 triệu căn do quá trình đô thị hoá nhanh chóng. Riêng lượng chất thải của hiện tại đã có thể xây được hơn một tỉ ngôi nhà theo cách sáng tạo này. Theo kế hoạch, đến năm 2021, nhà máy đầu tiên tại Kenya sẽ sản xuất những phần riêng của ngôi nhà như: vách ngăn, tường, trần và sàn nhà từ nhựa tái chế.
Các chất thải nhựa sau khi nhập về sẽ được cắt nhỏ, hoà trộn với một số thành phần khác, bao gồm các thành phần chống cháy. Ngôi nhà hoàn thiện có thể rộng đến 60 mét vuông, cao bốn tầng. Nhà sáng lập Othalo, ông Frank Caton Lahti cho biết, công ty đã phát triển và thử nghiệm công nghệ này từ năm 2016 khi hợp tác với một tổ chức nghiên cứu độc lập 70 năm tuổi ở Trondheim, SINTEF và các chuyên gia, đều ở Na Uy.
Thống kê sơ bộ cho thấy, có 7/10 người khắp mọi nơi trên thế giới có ý định sống ở khu vực thành thị vào năm 2050. Hơn 90% xu hướng này diễn ra ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latin và Caribe.
UN Habitat nhận định, nếu không có quy hoạch đô thị hoá hiệu quả, quá trình đô thị hoá sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ. Thiếu nhà ở và sự phát triển của các khu ổ chuột, cơ sở hạ tầng, lạc hậu, nghèo đói, thất nghiệp leo thang, ô nhiễm, hàng loạt vấn đề sức khoẻ là những ảnh hưởng trầm trọng điểm hình nhất của thế giới trong tương lai. Tư duy, chính sách và cách tiếp cận đô thị hoá cần thay đổi để tăng trưởng, phát triển đô thị, thành phố và khu vực liên quan trở thành động lực để UN Habitat góp sức cho cộng đồng.
Dự án những ngôi nhà từ 100% rác thải nhựa hoàn toàn có thể trở thành "tiên phong" trong xây dựng đô thị tương lai, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng dân cư châu Phi nói riêng và thế giới nói chung.
Dung Trần
Theo Ecowatch