Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Nhà hàng tìm cách thích nghi khi các ứng dụng đồ ăn cạnh tranh chính sách

(SGTT) - Cuộc chiến của các ứng dụng giao đồ ăn, đặt món trực tuyến (Food Apps) ngày càng cạnh tranh hơn khi chỉ còn vài ông lớn tranh giành thị phần. Các chủ kinh doanh nhìn nhận, tuy các ứng dụng tiềm năng với lượng khách hàng khổng lồ có thói quen tiêu dùng online, song sự thay đổi từ các chính sách, chương trình khuyến mãi cũng đặt lên vai họ những áp lực mới, thế nên chiến lược chuyển hướng thích nghi là cần thiết.

Thị trường tiềm năng không ngừng tăng

Theo NielsenIQ Việt Nam, báo cáo Food Trips 2023, trung bình khách hàng đặt đồ ăn qua ứng dụng trực tuyến 4 lần/tuần qua các ứng dụng. Theo báo cáo nền tảng giao đồ ăn ở Đông Nam Á của Momentum Works, năm 2022 ghi nhận lần đầu tiên lượng người Việt đặt đồ ăn qua các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến tăng mạnh, đưa Việt Nam lọt top 3 thị trường đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng của mảng Food Delivery tại khu vực Đông Nam Á.

Ông Trần Quang Sang, chuyên gia trong lĩnh vực Food Apps, đại diện DigiFnB, cho biết ở hai thành phố như TPHCM và Hà Nội, các đơn hàng áp dụng mức chiết khấu 25%, các tỉnh thành còn lại là 20%. Riêng với Shopee Food, khách hàng tham gia chương trình Freeship (miễn phí vận chuyển) thì thêm 3-4% trên mỗi đơn hàng. Vậy thì chiết khấu trung bình cho mỗi đơn hàng dao động từ 25% đến 29%, tùy vào lựa chọn tham gia của nhà hàng.

Tại mỗi cửa hàng sẽ có mỗi đối tượng khách hàng khác nhau, việc tham gia chương trình gì để duy trì doanh thu phụ thuộc vào mức độ thấu hiểu người mua trong bối cảnh cạnh tranh online gia tăng. Tuy nhiên, cơ bản các nhà hàng phải tham gia chương trình đồng tài trợ cùng các ứng dụng vì tỷ lệ sử dụng mã khuyến mãi trên nền tảng là 93%, thậm chí là 95% ở một số tỉnh thành. Nếu cửa hàng kiểm soát tốt thì tổng chi phí dao động từ 30% đến 35% cho một đơn hàng.

Chia sẻ với Kinh Tế Sài Gòn Online, đại diện một thương hiệu nước uống cho biết để tham gia các gói quảng cáo, chương trình khác nhau tăng độ hiển thị cần chiết khấu cho từng đơn, sau vài tháng có tăng lên 1-2%. Nếu so với khoảng 3-4 năm trước, chiết khấu trên từng đơn đã thay đổi rất nhiều khi các ứng dụng có sự thay đổi.

“Tuy nhiên, chúng tôi không thể phủ nhận độ hiệu quả của kênh và nếu biết cách lồng ghép các chương trình, gói combo sản phẩm tối ưu thì doanh số sẽ tốt”, vị này cho hay.

Lượng lớn khách hàng tiềm năng cũng giúp cho cửa hàng tăng đơn 10-20% khi đồng tài trợ cùng ứng dụng, nhưng bán nhiều chưa chắc đã lãi cao. Các thương hiệu có thể thương lượng với các nền tảng để kết hợp làm chương trình hai bên cùng có lợi như đối tác của nhau.

Đại diện từ Gojek, bà Tạ Thị Mỹ Hiền, Giám đốc Phát triển Đối tác GoFood của Gojek Việt Nam, thông tin mới đây Gojek hợp tác cùng Sapo để tích hợp nền tảng quản lý đơn hàng GoFood với phần mềm quản lý nhà hàng, quán cafe. Đây là một bước đi thể hiện nỗ lực của các nền tảng để cung cấp các giải pháp toàn diện cho các đối tác nhà hàng.

Các tài xế công nghệ đang nhận đơn hàng từ quán. Ảnh: DNCC

Sự hợp tác này được kỳ vọng có thể mang đến cho các cửa hàng kinh doanh ẩm thực thêm lựa chọn về phương tiện quản lý bán hàng đa kênh. Từ đó giúp đồng bộ thông tin món ăn, đơn hàng, quy trình thao tác đơn hàng giữa các nền tảng và giữa nhiều kênh bán hàng một cách hiệu quả.

Theo số liệu khảo sát thống kê của Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek, Bain & Company, Việt Nam là quốc gia nằm trong top có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến.

“Dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn trực tuyến vẫn đang phục vụ những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân. Chúng tôi đánh giá thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, mặc dù tốc độ có chậm lại do ảnh hưởng từ sức mua của người tiêu dùng”, bà Tạ Thị Mỹ Hiền nói.

Tập trung kinh doanh online có chiến lược

Chuyên gia Trần Quang Sang nhìn nhận Food Apps bây giờ không còn là cuộc chơi của may mắn và cảm tính. Bởi tỉ lệ quán mới ngày tăng và nền tảng ngày càng cắt giảm chi phí bán hàng. Trước đây nếu nền tảng tài trợ 50%, đối tác kinh doanh 50% thì bây giờ nền tảng giảm còn 30-35%, đối tác phải chi nhiều hơn.

Nguyên liệu thì ngày càng tăng theo chuỗi cung ứng. Nói như vậy để biết rằng nguyên liệu tăng, chi phí bán hàng trên app cũng tăng nên các nhà hàng cần có chiến lược bán hàng rõ ràng, thấu hiểu khách hàng và phải kiểm soát chi phí tốt hơn.

Theo ông, nếu vẫn còn chờ đợi may mắn và cảm tính thì e rằng cuộc chơi sẽ rất khó khăn. “Các chủ kinh doanh hãy thay đổi xem Food Apps là kênh bán hàng quan trọng chứ đừng xem nó chỉ là kênh phụ, kênh marketing cho offline. Chỉ như vậy chủ cửa hàng mới dành thời gian tìm hiểu, xây dựng kế hoạch bán hàng…”, ông nói.

Đại diện thương hiệu Chay Express, ông Trần Hồng Phúc tâm sự việc kinh doanh trên nền tảng online gần đây có nhiều thay đổi do kinh tế suy thoái. Bối cảnh người mua giảm chi tiêu và các chi phí cửa hàng cho khoản Food Apps nhiều hơn trước.

Hiện tại, các cửa hàng của ông đã có lượng khách ổn định, kết hợp cùng nền tảng làm chương trình để thu hút khách mới, chuyển chiến lược tập trung điểm bán offline và xây dựng kênh truyền thông riêng để giảm bớt phụ thuộc vào bên khác.

Ông cho biết lượng đơn sau Tết có xu hướng giảm khoảng 10-20%. Việc bán trực tiếp cho tệp khách hàng mục tiêu vẫn là con đường ổn định, song song đó kỳ vọng cân bằng lại tỉ lệ ra đơn giữa hai kênh, khoảng 50-60% cho offline, để bán hàng trên ứng dụng chỉ là một kênh phụ thêm trong rất nhiều hình thức tiếp cận người mua khác.

Nhìn chung, sau dịp Tết 2024, phía Chay Express ghi nhận chiết khấu tăng lên khoảng 2-5% vì tham gia nhiều chương trình khuyến mãi cũng như các hình thức quảng cáo trên đây. “Lượng đơn không tăng nhiều so với trước thế nhưng khi không tham gia cuộc chơi ưu đãi, quảng bá thì dễ không có đơn. Điều này dễ hiểu vì không gian trên ứng dụng không thể nở thêm nhiều mà lại có thêm nhà hàng xuất hiện. Chúng tôi thích nghi bằng việc không ngừng đưa ra kế hoạch, chương trình hấp dẫn thu hút khách ở mọi kênh đến thương hiệu”, ông Phúc tâm sự.

Bán mang đi cũng là hình thức kinh doanh hiệu quả tại Chay Express. Ảnh: DNCC

Chia sẻ từ anh Nguyễn Ba Lê, chủ thương hiệu Bảy Ơi Bảy, chuyên các món đặc sản Bình Định, anh nói mình đã tham gia bán hàng Food Apps nhiều năm. Tuy nhiên theo cảm nhận của anh, từ cuối 2022, các nhà bán hàng trên đây phải tham gia nhiều loại phí hơn theo nhu cầu lớn của thị trường thương mại điện từ đang tăng trưởng.

Thương hiệu của anh cũng nhận được lời kêu gọi từ ứng dụng tham gia đồng tài trợ các chương trình, sự kiện khác nhau để kích cầu người mua.

“Việc tăng giảm độ hiển thị theo thuật toán của nền tảng là có. Các chương trình áp dụng có thể kể qua như dạng khuyến mãi trên từng sản phẩm, mã giảm giá, bỏ tiền quảng cáo đẩy hiển thị, ưu tiên không gian xuất hiện trên app”, anh Ba Lê nói thêm.

Với những khó khăn đó, anh cho rằng các nhà bán nhỏ lẻ 1 hay 2 cửa hàng sẽ khó xoay sở. Chủ thương hiệu chia sẻ mình tăng cường làm truyền thông tại điểm bán, tận dụng các ứng dụng khác như zalo cho doanh nghiệp, đầu tư chăm sóc khách hàng, có quy trình giao hàng riêng, kết nối nhiều đối tác khác nhau, phát triển bán qua đa kênh…

Đồng thời, anh đa dạng hóa thực đơn trên ứng dụng để tăng doanh thu, như thêm những món ăn kết hợp với các điểm bán khác. Đồng thời nhà bán hàng liên kết sản phẩm thương hiệu khác, nương tựa nhau để gia tăng lựa chọn cho khách hàng trên mỗi đơn hàng, tiết kiệm được tiền vận hành mà “size” đơn hàng sẽ nhiều hơn.

Đồng quan điểm, đại diện Chay Express cũng cho hay, việc nghiên cứu thêm món mới, để trong một không gian cửa hàng bán được nhiều món cũng là cách thu hút khách hàng chi trả thêm cho đơn hàng. Ngoài ra, tăng điểm bán trực tiếp để giảm chi phí cung ứng nguyên vật liệu cũng là cách phù hợp trong giai đoạn kinh doanh cạnh tranh hiện nay.

Các tài xế công nghệ đợi nhận đơn hàng vào những giờ cao điểm. Ảnh: DNCC

“Không chỉ bây giờ mà trong tương lai, việc tăng doanh thu trực tiếp, “cai nghiện app” từ từ, xây dựng nền tảng của mình là điều cần thiết. Tuy vậy, điều này cần thời gian điều hướng người dùng hưởng những quyền lợi khác khi mua ngoài app”, anh Ba Lê từ quán Bảy Ơi Bảy nhìn nhận.

Đại diện Gojek chia sẻ thêm, đơn vị cũng tập trung vào việc trang bị thông tin, kiến thức đến các nhà hàng, giúp họ có thể làm chủ quá trình chuyển đổi số, kinh doanh ẩm thực trực tuyến thành công. Gojek xây dựng cộng đồng đối tác nhà hàng GoFood với các buổi hội thảo tư vấn, hỗ trợ kinh doanh, các hoạt động nâng cao kiến thức bán hàng được tổ chức định kỳ với sự tham gia tư vấn của các chuyên gia.

Hoàng An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ứng dụng công nghệ, chia sẻ cơ sở dữ liệu trong...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt đề án ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý...

Sau Uber, Baemin, đến lượt Gojek ngừng hoạt động tại Việt...

0
(SGTT) - Dịch vụ xe công nghệ Gojek thông báo sẽ ngừng hoạt động tại thị trường Việt Nam từ giữa tháng 9 này...

Cảnh báo giả mạo văn bản trên ứng dụng VssID

0
(SGTT) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ra thông báo tình trạng giả mạo văn bản, yêu cầu cập nhật ứng dụng...

Từ 1-8 có thể đăng ký xe qua ứng dụng VneID...

0
(SGTT) - Cục Cảnh sát giao thông sẽ tiến hành đăng ký xe lần đầu bằng dịch vụ công trực tuyến toàn trình với...

Ra mắt Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online mini app...

0
(SGTT) - Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online chính thức ra mắt ứng dụng...

Chỉ sử dụng tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ...

0
(SGTT) - Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để thống nhất sử dụng...

Kết nối