Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Nguy hiểm khôn lường khi tùy tiện dùng rượu thuốc tự ngâm

(SGTT) - Nhiều người có quan niệm rằng các loại rễ cây, củ cây rừng là những thảo dược lành tính nên có thể sử dụng ngâm rượu để điều trị các bệnh lý như đau nhức xương khớp, tim mạch, mất ngủ… Tuy nhiên, các bác sĩ đông y khuyến cáo, nếu tùy tiện ngâm các loại dược liệu không có hướng dẫn cụ thể thì rượu ngâm chữa bệnh sẽ trở thành “rượu độc”, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.

Ngộ độc vì tùy tiện dùng rượu ngâm

Trong thời gian vừa qua, các bệnh viện trên cả nước không chỉ ghi nhận những trường hợp ngộ độc rượu pha cồn methanol công nghiệp hoặc các loại rượu không rõ nguồn gốc, mà tại một số cơ sở y tế cũng đã cấp cứu không ít trường hợp nhập viện do ngộ độc sau khi uống rượu ngâm với rễ cây, củ quả để chữa bệnh.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận hai bệnh nhân trong một gia đình bị ngộ độc củ ấu tàu. Cụ thể, trong bữa cơm tối, các bệnh nhân có uống nhầm ba chén rượu ngâm củ ấu tàu. Sau một giờ, bệnh nhân có các biểu hiện như nôn nhiều, tê lưỡi… Khi nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán là bị ngộ độc aconitin do uống rượu ngâm củ ấu tàu với tình trạng rối loạn nhịp tim nặng.

Ngoài ra, vào giữa tháng 5-2022, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng tiếp nhận hai bệnh nhân cứu trong tình trạng tổn thương não do uống rượu rễ cây để điều trị xương khớp.

Có thể thấy rằng, mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều lần nhưng tình trạng ngâm rượu với các loại rễ, củ cây rừng vẫn diễn ra thường xuyên, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.

Việc ngâm rượu với hàm lượng bao nhiêu và liều lượng sử dụng như thế nào cần có sự tư vấn của bác sĩ đông y.

Rượu ngâm phải dùng như thuốc

Theo TS. BS. Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, kiêm Phó Chủ tịch Hội Đông y TPHCM, về cơ bản, rượu ngâm các loại thảo dược được sử dụng điều trị cho nhiều loại bệnh khác nhau. Trong y học cổ truyền, hiện có hơn 100 các loại rượu thuốc ngâm khác nhau với các công dụng như là chữa đau nhức xương khớp, hỗ trợ giấc ngủ, tăng cường sức đề kháng, tăng cường sinh lực nam giới…

Đặc điểm của rượu thuốc là sử dụng như các loại thuốc và được tích lũy dần vào cơ thể. Thuốc ngấm cùng với sự kích thích của rượu sẽ có tác dụng hiệu quả rất tốt.

Tuy nhiên, khi sử dụng, người bệnh lưu ý là chỉ dùng một lượng rất nhỏ vì rượu thuốc phải uống như thuốc, uống theo chỉ định của bác sĩ đông y cùng với liều lượng nhất định.

Điều đáng nói, nhiều người lấy loại rượu ngâm để mời người khác sử dụng. Họ không biết rằng, rượu thuốc ngâm phù hợp với người này nhưng có thể không phù hợp với người khác. Do đó, khi kê đơn, “chúng tôi rất hạn chế sử dụng các loại rượu thuốc này bởi lo ngại bệnh nhân có thể lạm dụng”, BS. Ngọc Lan cho biết.

Với tình trạng ngâm rượu để xoa bóp và uống tại nhà phổ biến, BS. Ngọc Lan cho biết, dù là thảo dược nhưng cũng là thuốc, vì trong đó có nhiều hoạt chất khác nhau, độc tính nhất định mà người sử dụng không nắm rõ.

Vì vậy, việc ngâm hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ Đông y. Nếu người dân tự ý ngâm rượu vô tư, thoải mái như hiện nay, tình trạng ngộ độc sẽ rất dễ xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng bản thân.

Rượu ngâm có thể chứa rất nhiều vị thuốc khác nhau. Nếu không biết rõ về các vị thuốc, kết hợp sai vị, sai liều lượng thì người dùng hoàn toàn có thể bị ngộ độc. Ảnh: Japana

Theo Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, rượu ngâm an toàn cần phải chú ý một số nguyên tắc. Cụ thể, khi ngâm rượu, mọi người phải sử dụng các loại rượu ngâm từ gạo, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu chứa cồn công nghiệp (methanol) vì việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc dẫn đến nguy hại cho gan, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Ngoài ra, những nguyên liệu như từ động vật, thực vật, các loại thảo dược… phải do các bác sĩ Đông y thực hiện. Chẳng hạn như với con tắc kè - loài vật thường được người dân ngâm rượu để dùng, nhưng nhiều người cần hiểu rõ tắc kè vừa có công dụng trị bệnh, lại vừa rất độc.

Về y học, tắc kè có công dụng giúp mạnh sinh lý, chữa đau nhức phong thấp (ít hơn), nhưng khi ngâm rượu cần bỏ hai con mắt, vì mắt của tắc kè có chứa độc tố nguy hiểm. Vì vậy, sau khi làm sạch tắc kè, người sử dụng cần phải nướng lên, sau đó bỏ nội tạng trước khi ngâm rượu. Hoặc với một số loại thảo dược, người dân không được ngâm ngay lập tức, mà phải qua chế biến (nghĩa là loại bỏ tạp chất) như chích mực, ngâm với giấm, gừng… “Tùy thuốc vào đặc thù của từng loại thảo dược để xử lý, mọi người không thể mua về và ngâm ngay với rượu”, BS. Ngọc Lan nhấn mạnh.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bản tin 360 độ sống khỏe: Những lưu ý khi uống...

0
(SGTT) - Theo bác sĩ, việc ngâm rượu từ thực vật, động vật phải có sự chỉ định của các bác sĩ Đông y....

TPHCM kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu sau...

0
(SGTT) - Theo đại diện của Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh...

Liên tiếp xảy ra ngộ độc rượu: Hồi chuông cảnh báo...

0
(SGTT) - Chỉ trong ba ngày, TPHCM đã xảy ra liên tiếp hai vụ ngộ độc methanol nghiêm trọng sau khi uống rượu. Theo...

Chuyên gia lưu ý cách xử trí khi gặp tình trạng...

0
(SGTT) - Tết Nguyên đán 2022 đã qua, nhưng với quan niệm tháng Giêng là tháng ăn chơi, nhiều gia đình vẫn liên tục...

Cảnh báo hiện tượng liệt nửa mặt, méo miệng sau kỳ...

0
(SGTT) - Những buổi tiệc bia, rượu ngày Tết, cộng thêm thời tiết giao mùa thay đổi thất thường đã khiến nhiều người qua...

Kết nối