CHÍNH PHONG -
Qua thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội, Vân, cô sinh viên năm hai của trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM đến ứng tuyển vào vị trí PG (Promotion Girl, tạm dịch: nữ nhân viên xúc tiến thương mại) làm việc cho một nhãn hàng mỹ phẩm ở siêu thị. Nhưng khi đến nơi, Vân mới biết địa điểm tổ chức ứng tuyển là một nhà hàng trên quận Tân Phú, đúng hôm nhà hàng này khai trương.
Nhập nhèm
Trong ảnh là các cô gái với vai trò làm PG của một sự kiện ra mắt điện thoại tại TPHCM. Ảnh: Nam Hưng
Vân cho biết do thấy điều kiện tuyển dụng cũng dễ, công việc hưởng thù lao cao hơn hẳn các việc PG nơi khác nên có hơn 100 bạn nữ như cô đến ứng tuyển. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có bốn người được tuyển. Vân thì bị trượt. Sau đó, cô có hỏi các sinh viên năm trên của trường thì mới biết việc tuyển chọn PG là có thật, nhưng thực ra công ty cung cấp PG kết hợp giữa việc tuyển chọn của họ với việc khuếch trương cho nhà hàng này ở quận Tân Phú nhân ngày khai trương. “Họ chia công việc tuyển dụng thành hai ca, vào đúng giờ ăn trưa và chiều, có chúng em đi ra đi vào. Mục đích của nhà hàng là nhìn cho giống khách ra vào tấp nập, toàn khách trẻ”, Vân kể.
Cũng làm nghề PG, Ly, một sinh viên năm ba của trường Đại học Văn Lang (TPHCM), cho biết ít khi gặp sự cố về tiền bạc nhưng không phải là không có. Theo đó, các cô làm sự kiện ngắn, kết thúc trả tiền ngay nhưng thỉnh thoảng bị các “sup” (Supervisor – giám sát PG) ăn chặn tiền. “Khi thỏa thuận thì công ty nói 500.000 đồng/buổi, nhưng đến khi trả tiền thì “sup” viện lý do phải chi cho khoản này khoản khác, cắt lại mỗi người 100.000 đồng chẳng hạn. Sự kiện có 20 PG thì “sup” ăn chặn được 2 triệu đồng rồi. Nhiều lúc nhận tiền nhận luôn cục ức, nhưng có 100.000 đồng chẳng nhẽ lại làm rùm beng lên”, Ly nói.
Còn Trang, cô là PG ở quán nhậu (làm cho hãng bia S, một quán tại quận Tân Bình, TPHCM) thì có mối phiền toái khác là giành khách giữa PG các hãng. Thường những quán nhậu lớn có vài hãng bia đưa PG đến làm việc, PG phải chèo kéo khách dùng bia hãng mình để đạt doanh số.
Theo bà Quỳnh, quản lý một công ty tổ chức sự kiện ở TPHCM, các công ty có sự kiện thường trả cho công ty PG 50% trước khi chạy chương trình, 50% còn lại được thanh toán sau khi chương trình kết thúc. “Tuy nhiên, nhiều công ty hoặc quản lý kém dẫn đến thua lỗ nên mới có chuyện quỵt tiền, hoặc quỵt 50% lương do công ty thua lỗ, chia sẻ khó khăn với công ty”, bà nói.
Một trường hợp khác là có công ty sự kiện soạn hợp đồng rất mù mờ với PG để rồi sau đó vin vào hợp đồng mà phạt vạ hoặc cắt hợp đồng ngang xương gây bất bình cho người làm việc. Thảo, một người mẫu chuyên làm trong các sự kiện giới thiệu ô tô kể rằng, cô ký hợp đồng với công ty V. (TPHCM) để làm PG trong triển lãm xe tại TPHCM hồi tháng 10-2015. Trong hợp đồng có điều khoản “thời gian làm việc chi tiết sẽ thông báo trước khi sự kiện diễn ra một tuần” nhưng công ty không thực hiện việc này. Tuy nhiên, vào một tối trước ngày diễn thử, đại diện công ty V. gọi điện yêu cầu Thảo phải có mặt tại một địa điểm vào 5 giờ sáng. “Em không chịu và có ý kiến thắc mắc thì công ty kia đơn phương cắt hợp đồng cái rụp”, Thảo nói.
Phân thứ hạng
Công việc PG chia ra thành hai loại nếu xét về ràng buộc lao động: loại cố định ký hợp đồng ăn lương tháng và loại làm theo thời vụ. Các sự kiện thường thuê PG theo thời vụ, chạy hết chương trình thì nhân viên được nghỉ. Có nhiều sự kiện chỉ diễn ra trong một buổi, cuối buổi trả tiền luôn.
Cũng có nhiều chương trình thường kéo dài và PG trở thành người bán hàng hưởng doanh số như thuốc lá, rượu bia. Trong đó, các hãng bia thường trả cho PG mức lương cố định 3-5 triệu đồng/tháng, yêu cầu ngoại hình không quá cao, ngày làm 5-6 giờ. Ngoài ra họ còn được thưởng doanh số bán sản phẩm. Trang cho biết cô hưởng lương mỗi tháng là 3,2 triệu đồng, mỗi chai bia khách mua (sau khi cô mời) cô được thêm 200 đồng. Như vậy mỗi két bia, Trang được thưởng 5.000 đồng. Theo cô, mỗi ngày bán được khoảng 5 két bia. “Tiền thưởng không nhiều nhưng chúng em phải cố vì nếu không sẽ bị luân chuyển đi quán khác hoặc bị mất việc vì không đạt định mức”, Trang nói.
Với Ly, cô làm thời vụ cho một hãng bia nhưng do được xếp vào nhóm có ngoại hình đẹp hơn nên cô được trả 500.000 đồng/buổi, mỗi tuần bốn buổi. Nhiệm vụ của cô là mỗi buổi đến ba quán giới thiệu chương trình khuyến mãi của hãng, được ô tô của công ty sự kiện đưa đi, đưa về.
Những mối lo
Tuy công việc hiện tại như vậy nhưng Ly cho biết mình cũng từng làm PG ở quán bar, lương khá cao nhưng cô không chịu được môi trường đặc nghẹt khói thuốc, thức khuya, phải uống với khách và thường xuyên bị sàm sỡ, gạ tình. Còn một việc PG có thu nhập cao khác nhưng thường xuyên thiếu người ứng tuyển là PG cho các hãng thuốc lá, lương tháng thường là 8-10 triệu đồng, không ép doanh số, thường người ứng tuyển cũng phải “đẹp lung linh”. Song nhiều công ty muốn tuyển người làm toàn thời gian, cả sáng và chiều. Theo Ly, một lý do các bạn gái không thích làm PG thuốc lá vì là quảng bá thuốc lá bị cấm, nhiều khi chạy quản lý thị trường như chạy nạn.
Đã từng làm PG thời còn đi học, bà Quỳnh cho rằng chuyện gạ tình giữa quản lý công ty PG và các “sup” với PG không nhiều vì đây là nghề khá tự do, không hài lòng có thể đi kiếm việc khác. Nhưng cũng có nhiều PG “chân dài” tranh thủ kiếm tiền nhiều bằng “vốn tự có” ngoài giờ bằng cách đi chơi với khách. Và còn có một dạng khác là PG trá hình mà bây giờ dân trong nghề hay gọi là “PG tiệc”.
Theo bà Quỳnh, tuyển PG hiện nay có nhiều nguồn như công ty tổ chức sự kiện, công ty chuyên người mẫu và PG, công ty môi giới việc làm và công ty có sản phẩm tuyển trực tiếp. Nếu các bạn sinh viên muốn có thêm thu nhập và cơ hội học hỏi qua nghề PG nên xem xét kỹ tên tuổi, uy tín của các công ty hay đại lý tuyển dụng trước khi ứng tuyển để tránh những rắc rối xảy ra.
Còn Thảo, sau sự việc của cô với công ty V., cô đúc kết rằng: “Nhiều bạn cũng bất bình nhưng không ai dám nói ra. Đôi lúc, chúng em cảm thấy rất cô đơn trong nghề này vì không có cơ quan hay hội ngành nào bảo vệ”.