(SGTT) - Những năm gần đây, người mẫu plus size (người mẫu ngoại cỡ) vốn được xem là một “làn gió mới” cho thời trang Việt Nam. Thế nhưng, để có thể tự tin theo nghề, không ít người từng là nạn nhân của vấn nạn miệt thị ngoại hình.
- Ngắm nhìn 8 tác phẩm nghệ thuật đường phố sáng tạo và ấn tượng
- Cuộc vận động loại bỏ người mẫu siêu gầy
Những nỗi đau tinh thần
Thông qua một video ngắn được chia sẻ trên mạng xã hội Tiktok với thời lượng chưa đầy 2 phút, người mẫu Mai Anh Srisuk đã kể trọn vẹn hành trình vượt qua mặc cảm ngoại hình và trở thành một người mẫu plus size. Ấn tượng của người về cô người mẫu mang hai dòng máu Thái - Việt chính là sự tự tin trong lời nói và chính kiến kiên định.
Tháng 10-2021, Mai Anh trở về Việt Nam sau khoảng thời gian sinh sống và làm việc tại Mỹ. Cô từng là một trong những người mẫu plus size Việt được ký kết hợp đồng với công ty quản lý người mẫu có trụ sở tại New York, Mỹ. Để có được những thành quả đó, ít ai biết, Mai Anh từng có khoảng thời gian vất vả vượt qua những ám ảnh tâm lý vì bị mọi người xung quanh chế nhạo ngoại hình.
Mai Anh bắt đầu bị xúc phạm về ngoại hình từ khi còn bé, chỉ vì thể trạng béo từ nhỏ nên đã không ít lần bị người khác chỉ trỏ, chê bai. Năm Mai Anh 5 tuổi, cô đã bị các phụ huynh của bạn bè mình chê mập và đùa rằng “hãy giấu cục mỡ kia vào trong cánh tay đi”. Chính từ đó, cô thường xuyên tự ti về vẻ ngoài và phải vật lộn với chứng rối loạn lo âu.
Cũng tương tự Mai Anh, Trương Diễm Quỳnh cũng là một trong những người mẫu plus size và đang hoạt động người mẫu tại Việt Nam. Quỳnh được biết đến thông qua những bài viết về thời trang, cách làm đẹp và lối sống cho các bạn nữ có khiếm khuyết ngoại hình.
“Nghề người mẫu plus size đã giúp tôi ngày càng tự tin hơn và khẳng định rằng, người có thân hình ngoại cỡ cũng mang nét đẹp rất riêng và tràn đầy năng lượng”, Quỳnh chia sẻ và cho biết cơ duyên đến với nghề là một dịp tình cờ. “3 năm trước, tôi nhận lời mời làm mẫu cho các bạn sinh viên tại trường Đại học Kiến Trúc TPHCM”, cô nói và cho biết bắt đầu yêu mến và theo nghề.
Thế nhưng, trước khi đạt được những thành công của hiện tại, Quỳnh từng là nạn nhân của những lời nhận xét không hay về ngoại hình. Quỳnh kể, ngày xưa khi còn đi học, cô từng bị nhiều người chê bai ngoại hình của mình. Những lúc như thế, cô đã rất đau lòng và tự trách móc bản thân.
“Trong thời gian tôi chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã tâm sự với tôi rằng không chỉ bạn bè xung quanh mà ngay chính các thành viên trong gia đình cũng ‘ném’ cho họ những lời chê bai. Khi đó, tôi rất chạnh lòng và chỉ mong được đến ôm lấy các bạn vào lòng”, Quỳnh nhớ lại.
Viết nên câu chuyện mới
Những nàng mẫu plus size làm cách nào để vượt qua những nỗi đau tinh thần ấy? Giờ đây, Quỳnh đã trở thành một con người sống lạc quan, tích cực nhờ vào quá trình nỗ lực thay đổi lối suy nghĩ và học cách yêu thương bản thân.
Khi được hỏi đâu là động lực khiến Quỳnh có thể tự tin trước định kiến xã hội, cô ấy đã vui vẻ chia sẻ rằng, đến bây giờ, đôi khi vẫn nhận được những lời chỉ trích và công kích ngoại hình.
“Nhưng tôi đã không còn buồn nữa, bởi tôi biết mỗi người đều có một định nghĩa khác nhau về cái đẹp. Do đó, thay vì để người khác công nhận vẻ đẹp của mình thì tôi vẫn cứ là chính mình. Tôi tự tạo cho riêng mình một phong cách ăn mặc phù hợp, thay đổi kiểu tóc và chăm sóc cơ thể. Tôi luôn cải thiện bản thân tốt hơn, cùng với đó là một lối sống và suy nghĩ tích cực”, Quỳnh chia sẻ.
Trong khi đó, theo chia sẻ của Mai Anh, cô rời và đến Mỹ sống từ năm 13 tuổi. Thời gian đó, cô cho biết mình may mắn khi gặp gỡ được những người giống mình. Từ đó, cô cảm nhận được sự đồng cảm và dần mở lòng hơn.
“Tôi bắt đầu chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bơi lội… tại trường. Tôi yêu bản thân nhiều hơn và cho phép mình làm những điều mình muốn như ăn diện thật đẹp, ứng tuyển làm người mẫu…”, Mai Anh chia sẻ và cho biết quyết định trở thành người mẫu plus size là một quyết định tuyệt vời.
Vốn yêu thích thời trang từ nhỏ, Mai Anh được bạn bè giới thiệu công việc người mẫu plus size. Khi đó, cô nhận thấy ở các nước châu Á, nghề này vẫn còn chưa được phổ biến rộng rãi và tồn tại nhiều định kiến. Do đó, cô đã thử sức và may mắn trở thành một trong những người mẫu plus size châu Á hoạt động trong công ty thời trang của Mỹ.
“Với tôi, tìm kiếm sự tự tin là một quá trình rất dài. Đó là hành trình nhìn thẳng vào những thứ khiến bạn đau khổ trong quá khứ và không cho phép nó được quyền làm bạn đau nữa”, Mai Anh chia sẻ.
Theo Thạc sĩ Tâm lý học Nghề nghiệp Lương Ngọc Trung Hạnh, giảng viên Đại học Hoa Sen cho rằng để có thể “chữa lành” vết thương tâm hồn, mỗi người nên thử ghi lại nhật ký về những trải nghiệm không vui. “Điều đó vừa giúp giải tỏa những cảm xúc bị dồn nén cũng như có thể hiểu hơn rằng những điều tiêu cực đó đã ảnh hưởng xấu đến chúng ta như thế nào”, thạc sĩ Hạnh nói.
Định kiến về cái đẹp liệu có thể thay đổi?
Thời gian qua, sự miệt thị ngoại hình dù trực tiếp hay gián tiếp đều có xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Theo báo Tiền Phong, sau khi đăng quang Miss Universe Thailand 2021, Annchile Scott-Kemis (sinh năm 1999) đã hứng chịu nhiều ý kiến trái chiều từ công chúng nước nhà do ngoại hình của cô đã phá vỡ những tiêu chuẩn về cái đẹp của hoa hậu. Thời điểm đó, hàng loạt các bài báo trong và ngoài nước dùng cân nặng và vóc dáng của cô làm vấn đề bàn luận.
Nhà thiết kế Hiền Nhi với nhiều năm công tác trong lĩnh vực thời trang tại Anh, Trung Quốc, Bangladesh… nhận định xu hướng làm đẹp của phụ nữ trên thế giới không ngừng thay đổi.
Theo nhà thiết kế này, xu hướng về cái đẹp vào những năm 1920, phụ nữ Âu - Mỹ chuộng ngoại hình ngực phẳng, tóc ngắn. Những năm 1950, xu hướng ngoại hình phái nữ hướng đến là ba vòng quyến rũ. Đến thập niên 1990, phụ nữ được xem là sành điệu khi sở hữu thân hình heroin chic (siêu gầy).
Việc đưa ra nhận xét từ góc nhìn cá nhân khi quan sát một ai đó là điều bình thường nhưng chỉ nên giữ những suy nghĩ đó cho riêng mình. “Điều này vừa thể hiện sự tôn trọng đối với người khác, vừa là phép lịch sự tối thiểu”, Hiền Nhi nói và cho biết thời trang không phải là chuyện ai đẹp hơn ai mà đó là sức khỏe và sự tự tin.
“Dù chúng ta không có một cơ thể hoàn hảo, nhưng hãy luôn quan tâm đến sức khỏe của mình. Đồng thời, mỗi cá nhân đều được quyền tự do thể hiện cá tính. Tuy nhiên, hãy thể hiện nó một cách thông minh, phù hợp với hoàn cảnh và chịu trách nhiệm với quyết định của mình”, Hiền Nhi chia sẻ.
Từ câu chuyện của Mai Anh và Diễm Quỳnh, một sự thật đáng buồn là nhiều phụ huynh đang có lối giáo dục không khoa học khi áp đặt tư tưởng “sợ mập” lên con mình. Ngoài ra, việc lấy một ai đó không hoàn hảo để làm ví dụ cho suy nghĩ chủ quan trên rất có hại cho sự phát triển của các con.
Liệu rằng, định kiến về ngoại hình đã ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người, rồi giờ đây họ lại tiếp tục truyền lại cho thế hệ sau những điều đó? “Sợ béo” không hoàn toàn sai vì thừa cân - béo phì đều tiềm ẩn nhiều bệnh lý nguy hiểm nhưng thay vì định kiến, phụ huynh vẫn có những phương pháp khoa học hơn dành cho con trẻ như bổ sung chất xơ trong khẩu phần ăn hay luyện tập thể dục mỗi ngày.
Xem kết quả
Bảo Trâm
Bài viết trên là một trong số 30 bài thi xuất sắc lọt vào vòng Bán kết Cuộc thi Báo chí DEEP ZOOM do CLB Phóng Viên Trẻ, Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Theo đó, thông điệp của cuộc thi là sự thật phản ánh trên báo chí không chỉ là những gì diễn ra trên bề mặt vấn đề mà người làm báo phải thâm nhập, tìm hiểu để từ đó mang đến những thông tin trung thực nhất cho công chúng.
Thương mấy anh chị người mẫu quá <3
Tác giả nhắc đến Miss Universe Thái Lan năm nay rất xác đáng! Ngày xưa tiêu chuẩn vẻ đẹp đến từ vẻ bề ngoài, lụa là. Ngày nay vẻ đẹp không chỉ đến từ trái tim mà còn là sức khỏe.