(SGTT) - Chùa Phật Đà (Hà Tiên, Kiên Giang) thường được gọi là chùa Lò Gạch. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, nằm dưới chân núi Bình San, cạnh lăng Mạc Cửu. Xưa kia, nơi đây có cái lò gạnh bị bỏ hoang. Đến năm 1945, trên bước vân du hành đạo miệt Hà Tiên, Hòa thượng Thích Chí Hoà đã dừng chân tại chỗ này và lập nên một ngôi chùa nhỏ bằng cây lá mang tên là Tịnh Xá Chí Hòa. Và vì cái lò gạch được sử dụng làm chánh điện, để tụng kinh bái sám, nên dân địa phương gọi là Chùa Lò Gạch.
- Kiến trúc độc đáo của chùa Chim ở Cù Lao Giêng, An Giang
- Sáng kiến Điểm đến An toàn chung tay cùng Vườn Quốc gia Núi Chúa phát triển du lịch xanh
Theo các nguồn tư liệu, năm 1945, trên bước đường hành đạo hòa thượng Thích Chí Hoà đã dừng chân tại cái lò gạch cũ bị bỏ hoang ở Hà Tiên và lập nên một ngôi chùa nhỏ bằng cây lá mang tên là Tịnh Xá Chí Hòa. Năm 1949, hòa thượng cùng với vài đệ tử rời chùa sang Campuchia để hoằng đạo. Một năm sau đó, ngài trở về quê hương và tham gia kháng chiến chống Pháp. Khoảng năm 1954, hòa thượng viên tịch tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Do chiến tranh kéo dài, trải qua nhiều năm tháng không người chăm sóc, tu bổ nên chùa bị hư hỏng, xuống cấp nặng. Năm 1993, theo nguyện vọng của bà con Phật tử ở đây, Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang đã bổ nhiệm Đại đức Thích Huệ Tâm về trụ trì và đổi tên ngôi Tịnh xá thành Chùa Phật Đà. Đến năm 2009, chùa lại được trùng tu khang trang như hiện nay.
Lấy tông màu xám xanh làm chủ đạo, chùa Phật Đà mang vẻ đẹp đơn giản nhưng hiện đại, thu hút sự chú ý của du khách và từ lâu đã trở thành một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Hà Tiên.
Trúc Nhã