(SGTTO) - Biển Cam Bình thuộc thị xã La Gi, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận được biết đến nhiều trong thời gian gần đây do có những nét đặc trưng: biển trong xanh, hải sản tươi ngon và "tiết mục" đi xe bò ngắm cảnh.
Biển xanh nắng vàng
Vào các kỳ nghỉ lễ và mùa hè, khá nhiều đoàn khách du lịch, các bạn trẻ đi phượt tìm đến biển Cam Bình để nghỉ ngơi, vui chơi, đắm mình dưới làn nước trong xanh, thưởng thức ẩm thực…
Cách thị xã La Gi chừng 7km về phía Nam, Cam Bình là một bãi biển được cộng đồng mạng đánh giá là khá đẹp của thị xã La Gi. Dọc theo bãi biển là rừng dương xanh cao vút reo vi vu trong gió.
Phía Nam biển Cam Bình có vạn chài cổ thấp thoáng ẩn mình dưới những hàng dừa lả ngọn. Xa hơn nữa là đồi cát trắng như bức tường thành chắn sóng đại dương. Rải rác trên bãi cát là những chiếc thuyền thúng của ngư dân nằm chơ vơ đợi khi chiều xuống ra khơi giăng câu, thả lưới.
Dưới làn nước trong, bạn sẽ tha hồ bơi lội, hoặc có thể nằm thả “tàu” mặc cho sóng biển đưa đẩy. Nếu có máu mạo hiểm, bạn có thể tham gia trò chơi cưỡi mô tô lướt như bay trên biển hào hứng và nhiều cảm xúc.
Đi xe bò ngắm cảnh là một trải nghiệm bạn nên thử khi đến Cam Bình. Những nông-ngư dân miền biển này đã linh động sáng tạo ra hình thức, trò chơi, dịch vụ khơi gợi sự tò mò của khách du lịch. Những chiếc xe bò được trang trí giống như kiệu đưa đón từng đợt khách dạo quanh bờ biển. Mỗi lượt đi như vậy khoảng 700m với giá 20.000 đồng/lượt đối với người lớn và 10.000 đồng/lượt đối với khách trẻ em.
Ông Trần Hữu Tuấn là “tài xế” xe bò kéo có thâm niên 5 năm trong nghề. Ông vui vẻ cho biết: "Tôi phải huấn luyện bò thật thuần thục trước khi ra chở khách. Công việc rất gian nan, phải chọn bò con mới trưởng thành dạy cho đến khi nào chúng hiểu được tiếng chủ". Ví dụ, “hic” là đi nhanh, “dò” là đi bình thường, “dừng” là đứng lại, “dô” là xuất phát...
Trung bình mỗi ngày xe bò của ông Tuấn đi được 5 chuyến, thu nhập 500.000 đồng. Vào các dịp lễ hội, thu nhập tăng gấp đôi, có khi nhiều hơn nữa. "Tuy nhiên bò chở khách đi với tần suất dày, chở nặng trung bình 300kg/chuyến, đoạn đường xe đi cộng lại khá dài, nên chúng rất dễ mất sức. Chiều về tôi phải bồi dưỡng thêm cho bò cỡ nửa thùng bia, đập thêm 10 quả trứng gà để chúng uống cho mau lại sức", ông Tuấn nói.
Mua hải sản tại bến
Ngắm bình minh ở biển Cam Bình cũng là một trải nghiệm lãng mạn. Bạn sẽ thấy mặt trời nhú lên như quả bóng đỏ rực rồi chuyển dần sang màu da cam, ánh nắng ban mai tinh khôi, vàng nhạt, dịu dàng trải lên khắp một vùng biển trời.
Buổi sáng, mây tan dần, bầu trời trong sáng, gió thoảng nhẹ, mặt biển gờn gợn, sóng trào bọt lên bãi cát. Du khách tập thể dục, đá banh, bơi lội thỏa thích rồi lên bờ, ấm bụng, ngon miệng với chén tàu hủ thơm nóng mùi gừng...
Du lịch gắn liền với ẩm thực. "Đến đâu? Chơi gì? Ăn gì" luôn là câu hỏi của du khách. Cam Bình nằm trong ngư trường cá phong phú vào bậc nhất nước ta (Bình Thuận- Bà Rịa Vũng Tàu). Điều đặc biệt là khoảng 5:00-7:00, các thuyền cá đánh bắt qua đêm vào bờ ngay tại bãi tắm Cam Bình để bán, chuyển cá đi khắp nơi. Có nhiều loại hải sản tươi ngon như cá thu, cá bớp, cá ngừ, mực trứng, mực nang, tôm thẻ, cua, ghẹ…
- Du khách mua hải sản tại bến sẽ không sợ mua lầm đồ cũ. Giá cả rất mềm, bằng 50% tại các chợ. Và điều “khoái” nhất là ở đây toàn là cá trong tự nhiên, còn dính lưới, từ biển vào trực tiếp bến. Ngoài biển, tuyệt nhiên không có lồng bè nuôi cá do vùng này không có đảo, vịnh nước sâu để tránh gió.
Bạn cũng đừng quên thử ăn các món như lẩu cá bớp nấu chua, mực trứng hấp gừng, ốc quạt, ốc sữa nướng than hồng, cá nục sồ kho lạt với măng chua, cá thu chiên sốt cà, vọp nướng, ghẹ hấp bia. Chả cá mối chiên là món đặc sản khách có thể mua về sau chuyến đi.
Điểm tâm sáng thì ở Cam Bình và thị xã La Gi có rất nhiều quán bánh canh chả cá, chân giò heo. Phở cũng là món nên thử. Giá rẻ, nhưng chất lượng xứng đáng: bánh canh 20.000 đồng/tô, phở 25.000 đồng/tô, bánh hỏi lòng heo 25.000 đồng/dĩa, cháo lòng 20.000 đồng/tô...
Đến với Cam Bình, vùng biển chưa quá đông đúc là chuyến đi nghỉ dưỡng bổ ích và để lại nhiều cảm xúc. Cam Bình cách TPHCM 160km, đường tốt, dễ đi...
Đặng Hoàng Thám