Hai nữ doanh nhân hoạt động tại hai địa phương khác nhau, với những mô hình kinh doanh riêng biệt nhưng có cùng điểm chung là mong muốn góp phần chăm sóc sức khỏe cho phái đẹp. Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, họ đã có những trải lòng về hành trình khởi nghiệp, cho ra mắt sản phẩm và nỗ lực trụ lại trên thị trường.
- Dịp 20-10, quà tặng handmade hút khách, hoa tươi nhập khẩu lên kệ
- Gặp già làng người Chơ-ro nghe chuyện người dân tộc thoát nghèo nhờ rừng
- Giá hoa tươi ngày 20-10 dù tăng thị trường vắng lặng
- Những món quà độc đáo dịp 20-10
Cô gái người dân tộc giữ vị mật thốt nốt xưa
Sinh ra và lớn lên ở Tri Tôn, An Giang, vùng đất rợp bóng cây thốt nốt có rất nhiều người dân Khmer như gia đình chị Chau Ngọc Dịu sinh sống, chị kể đã từ lâu chẳng còn mấy ai nấu mật thốt nốt theo phương thức tự nhiên như ngày xưa với gỗ sến. Thay vào đó, họ sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc pha trộn thêm mật cát. Chính vì vậy, hương vị mật thốt nốt ngày xưa rất khó để tìm lại. Chị tả cái mùi vị tuổi thơ nhớ mãi không quên vì nó thơm thơm, béo béo, ngọt thanh và tan thật nhanh trong miệng.
“Nghề nấu mật thốt nốt đã cực, nhưng để làm ra mẻ mật thốt nốt nguyên chất tự nhiên thì còn cực hơn nhiều. Có lẽ vì vậy mà chẳng còn mấy ai ở quê tôi muốn gắn bó với nghề ‘ăn cơm dưới đất làm việc trên trời’ này nữa. Và trong số những người còn gắn bó thì không nhiều người biết nấu mật thốt nốt theo phương thức truyền thống xưa ngoại trừ những cô chú đã lớn tuổi”, chị Dịu kể.
Và rồi, mong muốn tìm lại sản phẩm mật thốt nốt sệt, sản xuất theo phương thức thủ công truyền thống chất lượng cao, sạch cho người dùng đã thôi thúc chị cùng hai người bạn lập nên thương hiệu Palmania.
Với tâm nguyện nâng tầm sản phẩm mật thốt nốt quê nhà An Giang, chị còn hy vọng thực hiện trách nhiệm xã hội giúp bà con đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục giữ nghề và phát huy làng nghề truyền thống, thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.
Sau hai năm nghiên cứu, chị Dịu cùng cộng sự của mình phát triển thành công sản phẩm mới có tên mật thốt nốt bột Palmania nguyên chất, tự nhiên, không dùng phụ gia, không sử dụng phương pháp li tâm tách mật mà vẫn giữ trọn vẹn hương vị thơm, vị ngon đặc trưng và đặc tính quý giá của mật thốt nốt. Chị Dịu giới thiệu thêm, cũng như mật thốt nốt sệt, sản phẩm thốt nốt bột có chứa nhiều khoáng chất có sẵn, đặc biệt là hàm lượng vitamin B12 rất cao. Nếu như một số sản phẩm mật thốt nốt của các nước khác có hàm lượng vitamin B12 vào khoảng 20μg/100g thì mật thốt nốt của chị đến từ vùng Bảy Núi, An Giang có hàm lượng vitamin B12 lên đến 28.2μg/100g.
Trải qua 5 năm hoạt động, sản phẩm đã phân phối trên 20 tỉnh thành với hơn 60 điểm bán trên cả nước. Chị cho biết mặt hàng thốt nốt này cũng nhận được vài giải thưởng quốc tế Great Taste Awards của tổ chức Anh Quốc cho tất cả dòng sản phẩm qua các năm như: giải một sao cho sản phẩm mật thốt nốt sệt 2021; giải hai sao cho sản phẩm mật thốt nốt bột 2020; giải hai sao cho sản phẩm siro mật thốt nốt 2022. Ngoài ra, Palmania cũng đạt được một số giải thưởng ở cuộc thi trong nước như giải thưởng bốn sao OCOP; giải ba cuộc thi Startup Wheel Việt Nam 2019; giải ba VCCI 2019…
Theo thống kê, mỗi ngày vào mùa sản xuất lấy mật hoa thốt nốt, xưởng làm ra khoảng 20kg mật bột, 10kg hạt và 50kg mật sệt. Cả năm doanh nghiệp bán khoảng 20 tấn sản phẩm thốt nốt các loại. Sau Covid-19, chị Dịu đánh giá thị trường trong nước tiêu thụ tốt hơn nhiều vì xu hướng khách hàng quan tâm đến sản phẩm thuần tự nhiên. Riêng mật thốt nốt dạng bột được bán với mức tăng tưởng 300% so với năm 2021. Được biết, sản phẩm mật thốt nốt bột được xuất chính ngạch sang thị trường Phần Lan và được bán kênh online B2B ở Hà Lan.
Nhân ngày 20-10, chị Dịu cũng bộc bạch thêm nỗi niềm người đứng đầu doanh nghiệp lấy địa phương mình làm gốc. Hiện tại, có rất nhiều hộ dân nấu đường thốt nốt mong muốn hợp tác cùng công ty để phụ thêm kinh tế gia đình và đảm bảo quy trình an toàn lao động, sản xuất. Tuy nhiên, chị chưa thể hợp tác hết cùng bà con có thiện chí do khả năng tài chính của Palmania chưa đủ bao tiêu cho tất cả hộ dân.
Bên cạnh đó, việc đầu tư máy móc, công nghệ cho một hộ dân mới cũng là bài toán khó. “Hiện tại, tôi cũng như các cộng sự của mình chưa đủ tài chính để chi trả nhiều cho công tác quảng cáo, tuyên truyền sản phẩm để góp phần gìn giữ ngành nghề truyền thống, tạo thêm việc làm cho phụ nữ nông thôn, nâng cao vai trò của chị em trong sản xuất và kinh tế gia đình. Thực tế, để sản xuất mẻ mật thốt nốt tự nhiên, vai trò hậu cần của phụ nữ rất quan trọng”, chị Dịu nhấn mạnh.
Nhìn lại hành trình đi qua, cô gái người Khmer tâm sự chuyện khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, nhất khi đó là phụ nữ. Sự lựa chọn này khiến chị đánh đổi nhiều thứ. “Tuy nhiên, đó là quyết định giúp tôi đi đến gần hơn nguyện vọng giúp đỡ bà con xung quanh, đồng bào dân tộc Khmer của mình, làm giàu đẹp cho quê hương thì tất cả đều xứng đáng”, chị nói.
Bác sĩ da liễu mở tiệm hoa, món quà gửi đến con gái
Hiện là bác sĩ da liễu chuyên khoa 1 công tác tại viện thẩm mỹ riêng, chị Nguyễn Thị Ánh Hiền ở TPHCM chuẩn bị có tiệm hoa thứ ba tại trung tâm thương mại Diamond Plaza, quận 1 TPHCM. Chị tâm sự tên shop hoa Dear Rainy như một cách gửi lời yêu thương, món quà đặc biệt này đến con gái nhỏ tên Rainy của mình. Vốn là người yêu hoa, thích trồng cây, chị Hiền cũng chưa từng nghĩ sẽ “tay ngang” kinh doanh vì chuyên môn chính là bác sĩ, nhiều năm làm việc tại bệnh viện. Thế nhưng, từ năm 2019, chị đã thử sức mở tiệm hoa đầu tiên trên đường Trương Định, quận 3 và làm chủ với tâm thế nhẹ nhàng, tận hưởng nhất có thể.
Ngay từ đầu, chị Ánh Hiền bật mí mình không có thế mạnh trong chuyện kinh doanh, không đặt nặng chuyện lời lãi và đội ngũ nhân sự cũng đi lên từ con số không. Lúc này, trên thị trường không ít tiệm hoa lớn có tiếng đã đi trước nhiều năm, tuy vậy chị Hiền vẫn quyết tâm cân bằng thời gian, công việc để tập trung vào thương hiệu cũng như xây dựng phong cách tại tiệm hoa.
Cửa hàng trưng bày sẽ chú trọng sự tối giản, không màu mè, dồn mọi sự nổi bật vào các loài hoa trong không gian chung. “Tôi nghĩ đúng là kinh doanh không hề dễ, nhất là phía sau từng cánh hoa đẹp đến tay khách hàng là cả câu chuyện dài từ khâu chọn hoa nhập, xử lý hoa, bảo quản trong kho, tìm đội ngũ giỏi tay nghề, yêu hoa và yêu nghệ thuật, làm dịch vụ tốt để cũng đồng hành”, chị Hiền bộc bạch.
Chỉ sau một năm, Dear Rainy đã có cơ sở thứ hai tại Takashimaya, quận 1, TPHCM và đi qua vững vàng hai năm liên tục ảnh hưởng vì dịch bệnh. Với tâm thế ban đầu tiệm hoa là món quà dành cho con gái, chị cho rằng đó là động lực giúp mình đi qua khó khăn như những đêm thức đến khuya canh hàng về, chấp nhận quỹ thời gian cho mình cũng hạn hẹp đi.
Tiệm hoa cũng là nơi cho tâm hồn chị thư giãn sau giờ làm việc mệt mỏi. Chị kể mình có thể đến khu vườn yêu thích rồi nhìn ngắm những sản phẩm mới lạ. “Tôi là người làm trong ngành thẩm mỹ nên tôi hiểu rõ về bố cục, màu sắc, sự hài hòa trong từng sản phẩm, vì thế tôi có thể đưa ra lời tư vấn, thể hiện câu chuyện mình muốn truyền đạt sau từng bó hoa”, chị nói.
Cửa hàng chị Hiền thường xuyên cập nhật các mẫu mới và tạo ra xu hướng thu hút nhiều người quan tâm. Gần đây nhất tiệm có sản phẩm cây thông úp ngược trong nhà mùa giáng sinh, hoa kết hợp với quả mọng mùa thu bắt mắt. Thợ cũng tìm cách phối gam màu, sắp xếp đa dạng giữa hoa và những phụ kiện khác làm nổi bật như bình gốm cổ, đồ handmade trang trí…
Trong tương lai xa, chị Hiền dự định mở kênh sỉ hoa có tên Rainy Garden kết hợp với nhiều đối tác nhập khẩu hoa có giá phù hợp trên thị trường. Đây là ý tưởng chị lấy từ chợ hoa truyền thống Hồ Thị Kỷ, tuy nhiên kênh sỉ này sẽ khắc phục được một số nhược điểm như người mua không tốn thời gian chọn hoa, giá không lên xuống theo mùa lễ trong năm. Khách có thể lên mạng lướt chọn rồi đặt hàng, có người giao đến không cần ra tận nơi. “Tôi cũng hy vọng đây sẽ là kênh sỉ đa dạng hoa nhập khẩu từ các nước cho chủ shop khác lựa chọn, khi hoa từ vườn sẽ đến thẳng tay người mua không qua trung gian”, chị Hiền bộc bạch.
Cũng là “một nhành hoa” và là bác sĩ am hiểu về cái đẹp, chị Hiền vui vẻ khi thấy ngày càng có nhiều phụ nữ làm đẹp và trở nên độc lập, tự chủ trong cuộc sống. “Dù là người bận rộn với nhiều công việc, dự định, tôi vẫn là người phụ nữ của gia đình và mong muốn người thân bình an, hạnh phúc. Nhân ngày 20-10, tôi chúc phái đẹp luôn vui vẻ với lựa chọn của mình và yêu bản thân nhiều hơn mỗi ngày”, chị gửi lời.
Ngoài ra, với món quà dành cho con gái, chị cũng muốn tiệm hoa luôn giữ được cái hồn, nghệ thuật của hoa, không bị ảnh hưởng bởi tính chất kinh doanh quá nhiều.
An Phú
Theo Kinh Tế Sài Gòn Online