(SGTT) - Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2030, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, việc huy động vốn từ các doanh nghiệp tư nhân là điều cấp thiết.
- Triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành
- Vé tàu Tết Nguyên đán 2025 được mở bán sớm hơn mọi năm
Theo TTXVN, Việt Nam đã xác định hạ tầng giao thông là trọng tâm để phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư cho 3 lĩnh vực giao thông chủ lực gồm đường bộ, hàng không, đường thủy lên tới hơn 2 triệu tỉ đồng.
Từ năm 2021 đến nay, nhà nước đã dành ra hơn 100.000 tỉ đồng để triển khai xây dựng các dự án lớn tại lĩnh vực giao thông, đặc biệt là các dự án phát triển đường cao tốc.
Hiện tại, cả nước có hơn 1.000km đường cao tốc, dự kiến đến năm 2025 con số này sẽ tăng gấp đôi và đạt khoảng 5.000km vào năm 2030. Tuy nhiên, nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông vẫn còn rất lớn, nhất là đối với đường sắt và đường sắt cao tốc.
Để hoàn thiện hệ thống giao thông, bao gồm cả đường sắt cao tốc và các dự án đường tiêu chuẩn, nước ta cần thêm khoảng 3 triệu tỉ đồng nữa. Trong đó, riêng dự án đường sắt cao tốc đã chiếm hơn một nửa với số vốn cần thiết lên tới hơn 1,7 triệu tỉ đồng.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề xuất Chính phủ và các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm đầu tư để phát triển lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải.
Bộ GTVT cho biết trong thời gian tới, bộ sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để tổ chức đấu thầu thu phí trên toàn bộ các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ giao thông. Ngoài ra, cơ quan này sẽ đẩy mạnh việc triển khai các dự án giao thông theo hình thức BOT nhằm huy động vốn đầu tư từ xã hội, khuyến nghị những chính sách ưu đãi mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tham gia.