Chính Phong
Ngành công nghệ sinh học bị lu mờ bởi những “ông lớn” công nghệ thông tin như Apple, Facebook, Google trong những năm qua, nay đang trỗi dậy một cách mãnh liệt. Tiền đổ vào ngành này đang nhiều hơn bao giờ hết, cổ phiếu các công ty đang lên ào ào, số lượng dược phẩm được phê chuẩn tăng đáng kể và một số loại có những bước tiến lớn trong việc chống lại các loại bệnh nan y như ung thư, viêm gan C và xơ nang.
Những lạc quan này thể hiện rõ ở Hội thảo y tế J.P. Morgan ở San Francisco (Mỹ) tuần trước. Đây là sự kiện được các nhà đầu tư theo dõi sát nhất trong ngành hàng năm. Khoảng 9.000 nhà đầu tư và nhà điều hành các doanh nghiệp đã tới nghe 400 công ty công nghệ sinh học giới thiệu sản phẩm của họ trong vòng bốn ngày. “Đây là khoảng thời gian sôi động nhất trong ngành của chúng tôi”, Robert J. Hugin, Tổng giám đốc Celgene, một trong những công ty đứng đầu ngành, phấn chấn.
![Trong phòng thí nghiệm của Công ty Gilead.](https://www2.thesaigontimes.vn/wp-content/uploadsgtt/2015/01/trong-phong-thi-nghiem-cua-cong-ty-Gilead.jpg)
Nhưng cũng có một số nhà điều hành lo ngại giá cổ phiếu sẽ xuống trong thời gian tới. “Tôi đang thắt chặt đai lưng và đội mũ bảo hiểm”, tổng giám đốc một công ty mà giá cổ phiếu tăng gấp ba trong vòng một năm nay cho biết. Ông giấu tên vì không muốn lời thú nhận của mình ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của công ty.
Cổ phiếu ngành công nghệ sinh học, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe đang “nóng”. Chỉ số Nasdaq ngành tăng 35% chỉ trong năm ngoái. Hơn 110 công ty Mỹ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng năm 2014. Chừng 5,97 tỉ đô la Mỹ được các quỹ đầu tư mạo hiểm ném vào các công ty công nghệ sinh học non trẻ năm 2014, tăng 29% so với năm 2013. Một trong những yếu tố khiến giá cổ phiếu tăng mạnh là nhiều công ty nhỏ (với một vài nghiên cứu và sản phẩm tốt) đang được các “ông lớn” mua lại nhằm tranh giành thị phần dược phẩm.
Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng tỏ ra thoáng hơn trong việc cấp phép cho các loại dược phẩm. FDA vốn rất thận trọng sau khi họ rút thuốc giảm đau Vioxx ra khỏi thị trường năm 2004 vì loại thuốc này tăng khả năng trụy tim cho người bệnh. Năm 2014, FDA cấp phép cho 41 loại dược phẩm, nhiều nhất kể từ năm 1996.
Phải nhìn ở khía cạnh tích cực hơn trong việc FDA cấp phép thông thoáng: đó là thành công của ngành công nghệ sinh học trong việc phát triển các dược phẩm. Ví dụ, những thuốc trị viêm gan C từ công ty Abb Vie và Gilead Sciences có thể trị dứt cho bệnh nhân trong vòng 12 tuần. Kỹ thuật mới trong phân tích gen và tế bào dẫn tới nhiều cách tiếp cận tân tiến cho việc điều trị. “Khoa học chưa bao giờ tiến triển nhanh một cách tích cực như hiện tại”, Jeffrey Leiden, Tổng giám đốc Vertex Pharmaceuticals nhận xét. Họ là công ty đầu tiên bán ra dược phẩm kháng gen gây nên các chứng xơ nang.
Các nhà đầu tư quan tâm nhất đến các công ty phát triển liệu pháp trị ung thư bằng chính các tế bào của hệ miễn dịch, thường gọi là CAR-T. Nó chắc chắn là ưu việt hơn ba phương pháp truyền thống: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Juno Therapeutics là công ty dẫn đầu mảng này. Trước khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, các nhà đầu tư cá nhân bao gồm CEO Jeff Bezos đầu tư vào hơn 300 triệu đô la. Tháng trước, Juno Therapeutics phát hánh lần đầu 11 triệu cổ phiếu với giá 24 đô la, thu về 264 triệu đô la và sau một ngày, giá cổ phiếu tăng lên 35 đô la, tức 45%. Công ty mới có một tuổi này nay trị giá 4,5 tỉ đô la. Kite Pharma, một công ty khác trong mảng này được định giá 3 tỉ đô la cũng chỉ sau một năm thành lập.
Lần gần đây nhất, ngành công nghệ sinh học “bay cao” là vào khoảng năm 2000 khi các công ty hứa hẹn và các nhà đầu tư tin tưởng việc phác thảo bản đồ gen sẽ đem tới một cuộc cách mạng trong ngành dược phẩm. Nhưng rồi giá cổ phiếu ngành rớt mạnh sau đó vì những lời hứa hẹn không biến thành hiện thực. Nay chính liệu pháp gen là trung tâm của một chu kỳ thịnh vượng mới của ngành, nhưng không rõ liệu chu kỳ này vẫn là bong bóng?