(SGTT) - Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của châu Âu cảnh báo, tình trạng hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập trên thị trường đã đẩy một số nhà sản xuất đến bờ vực phá sản. Vấn đề này đang cản trở nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thúc đẩy sản xuất công nghệ xanh trong khối.
- Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Thiếu điện thúc đẩy cuộc chuyển đổi năng lượng xanh nơi các khu công nghiệp
Trong thư gửi cho Ủy ban châu Âu (EC) hôm 11-9, SolarPower Europe, tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất linh kiện năng lượng mặt trời ở châu Âu, cho biết lượng hàng tồn kho tăng vọt và “sự cạnh tranh gay gắt” từ các nhà sản xuất Trung Quốc để giành thị phần ở châu Âu đã đẩy giá mô-đun năng lượng mặt trời giảm trung bình hơn 25% kể từ đầu năm.
“Điều này khiến các công ty của chúng tôi đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán vì lượng hàng tồn kho đáng kể bị giảm giá”, bức thư viết.
Tại Na Uy, Công ty Norwegian Crystals, nhà sản xuất phôi sử dụng trong pin mặt trời, đã nộp đơn xin phá sản vào tháng trước. Trong tháng này, Norsun, một công ty năng lượng mặt trời khác của Na Uy, cho biết sẽ tạm dừng sản xuất cho đến cuối năm nay.
EU đang hy vọng rằng năng lượng mặt trời sẽ trở thành nguồn năng lượng lớn nhất trong khối khi khu vực hướng đến mục tiêu đưa năng lượng tái tạo lên mức 45% tổng sản lượng điện vào năm 2030. Mục tiêu đó sẽ được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu trong tuần này.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang thống trị chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời. Nước này chiếm khoảng 3/4 lượng nhập khẩu sản phẩm năng lượng mặt trời của EU. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng EU đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc giống như sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga cho đến khi Moscow phát động cuộc tấn công quân sự ở Ukraine.
SolarPower Europe cho biết, chi phí sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời ở châu Âu cao hơn gấp đôi giá trên thị trường giao ngay hiện tại.
EU đã nỗ lực hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh từ Trung Quốc bằng cách áp thuế đối với hàng hóa năng lượng mặt trời nhập khẩu của Trung Quốc vào năm 2012, sau khi Bắc Kinh bơm trợ cấp lớn vào ngành công nghiệp này. Nhưng EU lại dỡ bỏ thuế này vào năm 2018 để thúc đẩy lắp đặt năng lượng tái tạo, chỉ một năm trước khi EC tuyên bố Trung Quốc là “đối thủ có hệ thống”.
Brussels đã không khôi phục thuế đối với hàng hóa năng lượng mặt trời của Trung Quốc kể từ đó, dù gần đây hối thúc các công ty châu Âu “giảm rủi ro” chuỗi cung ứng của họ ở Trung Quốc. Đây là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn nhằm đưa hoạt động sản xuất về châu Âu trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Bức thư của SolarPower Europe cho biết, tình trạng giảm giá mạnh của các sản phẩm năng lượng mặt trời đồng nghĩa với việc mục tiêu của EU nằm đưa công suất chuỗi của cung ứng năng lượng mặt trời ở châu Âu lên 30 GW vào năm 2030 có thể không thành hiện thực.
Ngành công nghiệp điện gió của châu Âu cũng bày tỏ lo ngại tương tự. Họ cho biết các nhà sản xuất tuốc-bin gió trong khu vực đang vấp phải sự cạnh tranh từ hàng giá rẻ của các đối thủ Trung Quốc.
Trung Quốc cũng trợ cấp ồ ạt và xây dựng các nhà máy sản xuất pin xe điện, vượt xa mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đây là một xu hướng thúc đẩy Trung Quốc xuất khẩu pin và có thể làm tiêu tan tham vọng mở rộng sản xuất pin xe điện của châu Âu.
Trong một bức thư khác thay mặt 40 công ty năng lượng mặt trời gửi EC, SolarPower Europe đã nêu rõ lo ngại này.
Theo SolarPower Europe, chi tiêu của châu Âu cho các linh kiện năng lượng mặt trời tăng từ 6 tỉ euro năm 2016 lên hơn 25 tỉ euro vào năm ngoái, dẫn đến tình trạng dư thừa các tấm pin mặt trời của Trung Quốc, hiện đang nằm trong các kho hàng ở châu Âu.
Số lượng tấm pin mặt trời tồn kho ở châu Âu đủ để đáp ứng gấp đôi nhu cầu chung hàng năm của châu Âu.
Tổ chức này cho biết, các công ty năng lượng mặt trời Trung Quốc hiện đang bán phá giá tại thị trường châu Âu, đưa ra các hợp đồng hai năm với giá “liên tục thấp hơn” giá trên thị trường giao ngay. Những hợp đồng như vậy thường bao gồm các điều khoản yêu cầu số lượng đặt hàng tối thiểu và tính độc quyền.
SolarPower Europe kêu gọi EC thực hiện mua lại khẩn cấp hàng tồn kho của các nhà sản xuất năng lượng mặt trời châu Âu và đưa ra quy định cấm các sản phẩm được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.
Khoảng 2/5 sản lượng polysilicon toàn cầu, nguyên liệu thô chính cho các tấm pin mặt trời, đến từ khu vực phía tây Tân Cương, nơi chính phủ Trung Quốc bị các tổ chức nhân quyền cáo buộc ép buộc người thiểu số Hồi giáo phải làm việc tại các nhà máy trong các trung tâm giam giữ. Bắc Kinh kịch liệt bác bỏ cáo buộc này.
“Tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng tình trạng giảm giá không được kiểm soát là một rủi ro nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của châu Âu. Vì vậy, các nhà lãnh đạo EU phải hành động khẩn cấp”, Walburga Hemetsberger, CEO của SolarPower Europe, nói.
Lê Linh