(SGTT) - Sớm mai đầu xuân thời tiết đẹp, như mọi ngày thì bác Công sẽ ngồi thưởng trà bên hiên nhà, hoặc đi chơi loanh quanh chỗ này chỗ kia trong con xóm nho nhỏ nằm bên bờ bắc sông Cẩm Lệ cạnh cầu Đỏ ở Đà Nẵng.
Nhưng hôm nay là một ngày đặc biệt, người hương trưởng bảy mốt tuổi ấy đà thức dậy thực sớm để chuẩn bị cho buổi lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp thành phố cho di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ.
Ngày trước, người ngoài phía ngoài bờ sông nhìn vào thấy chỗ này rậm rịt cây cối, nên họ gọi ở đây là xóm Rừng, còn tự dân ở đây gọi tên xóm mình là Cấm Mít.
Cấm tức là nơi linh thiêng không nên lại gần, trâu bò cũng không được thả vào ăn cỏ, chỗ này còn được người xưa trồng hoặc tự mọc rất nhiều mít chen vào đài tháp cổ nên gọi luôn là Cấm Mít. Nhưng trong lễ cúng làng, thì xóm đất trồi giữa vùng sông nước bao quanh này được xướng tên Gò Giàng (Yang), tương tự như tên một gò đất có di chỉ tháp Chăm cũ ở làng Dương Lệ tận ngoài Quảng Trị.
Buổi lễ sáng nay, 23-2-2021 được tổ chức rất lớn bởi UBND quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, cùng các chức sắc và những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa khắp nơi.
Bác Công cũng như các vị cao niên trong làng mong mỏi sau dịp lễ này thì chính quyền hoàn tất việc giải phóng mặt bằng, cũng như đầu tư biến di chỉ này trở thành một linh địa hoặc là điểm tham quan du lịch về kiến trúc Chăm cổ của thành phố. Vì từ khi phát lộ di tích này hồi năm 2011 đến giờ, các đơn vị khảo cổ đã mang rời khỏi đây gần 400 hiện vật các loại, chỉ để lại các hố khai quật lộ thiên phơi ra nền gạch cũ mà không che chắn bảo vệ gì ngoài việc lợp mái tôn chữ A che một khu vực nhỏ gọi là Hố Thiêng.
Các vị trưởng thượng trong làng cho biết, lúc trước người Pháp có lập một đồn điền nhỏ chỗ này để trồng cây chè the và họ đã di chuyển đi rất nhiều trấn tượng lớn bằng đá sa thạch về chỗ bảo tàng Chăm được trường Viễn Đông Bác Cổ cho xây dựng. Họ nói mấy bậc thúc lão đời trước kể lại bọn Tây cho người đào sâu vào trong lòng những ngọn tháp khi đó còn chưa sập hẳn, để lấy các đồ chôn bằng vàng quấn vào đai bụng mang đi.
Hỏi sau này bà con mình có ai nhặt nhạnh gì được nữa không thì một anh trung niên nói có, nhặt được buồng cau vàng, ổ gà mẹ dẫn gà con đi ăn hay mấy cái trứng, miếng gạch Hời, đá thạch anh trấn trong các ô khám dưới các bờ móng của khu này.
Không phải bây giờ người dân ở đây mới nhận ra sự linh thiêng của cụm tháp Chàm này, mà từ năm 1882 dưới thời vua Tự Đức, bà con tiền nhân người Việt đã lập một ngôi miếu Bà thờ linh tượng Po Nagar ngay bên di chỉ này rồi. Có lẽ lúc đó các cụm tháp bắt đầu sụp dần theo thời gian cả ngàn năm tồn tại nên dân làng đã rước tượng của Bà ra ngai gỗ ở miếu mới lập mà thờ phụng được chu toàn, cầu mong được Bà phù hộ cho sinh sống yên ổn ở chốn này.
Nhìn ngắm từng phiến tượng sa thạch thô ít ỏi còn sót lại mà không đoán định được hình thù gì nữa, nên không biết có cùng phong cách điêu khắc với các dòng tượng ở những Chàm tích quanh đây như tháp Bằng An ở Vĩnh Điện hay thánh địa Mỹ Sơn. Khi xem kỹ cách rãi gạch bắt nền và dựng gạch tháp móng ở các hố khai quật thì lại thấy mạch vữa khá to, khác đi so với cách mài chập không vữa ở những tháp Chăm nói trên hoặc ở trong Quảng Nam, Bình Định hay Khánh Hòa.
Lối xây dựng này hẳn nhiên có dụng vữa và kích thước viên gạch rất giống với chất liệu kiến trúc ở di chỉ Gò Tháp do người Phù Nam để lại ở Tháp Mười mà tôi từng đến thăm quan. Những viên gạch hay bờ tường cũng đã mủn đi theo thời gian dài trong mưa nắng, không còn độ đanh rắn dạng gạch cháy nữa. Đưa tay gỡ thử những mẫu gạch nhỏ còn dính vào nhau thử xem thế nào thì chất vữa đã mủn đi không còn nữa, nên việc gỡ ra rất nhẹ nhàng mà không dính sít không thể gỡ như ở những tháp Chăm khác.
Bùi ngùi rời đi mà trong lòng nuối tiếc về quá khứ huy hoàng của một đế chế cũ. Đã ngàn năm trôi qua rồi, người xưa dựng tháp cũng mong cầu điều tốt. Người nay nên lấy đó làm trọng, xét sự khôi phục lại cho thấu đáo một phần nào trong tiềm lực của mình, hẳn sẽ nhận lại nhiều điều tốt đẹp hơn thôi.
Nguyễn Đình Hoàng Quân