(SGTT) - Khoảng độ đầu tháng Tư hằng năm, những nụ ngô đồng bất chợt tỉnh giấc, choàng một màu tím hồng nhẹ nhàng trên những mái ngói kinh thành Huế cổ xưa.
- Nhân dịp lễ hội, ghé Huế nhớ thưởng thức ẩm thực địa phương đặc sắc
- Cánh cửa du lịch nội địa… vẫn cần rất nhiều “chìa khóa”
- Ba món ngon từ nấm tràm, sản vật đất cố đô Huế
Truyền thuyết kể rằng, thuở xưa vua Phục Hy bên Trung Hoa tình cờ thấy được năm vì sao rơi xuống cây ngô đồng. Sau đó, chim phượng hoàng liên tục xuất hiện nhưng chỉ đậu trên loại cây này. Từ dạo ấy, cây ngô đồng được xem là loài cây quý, gắn liền với bậc đế vương. Có lẽ vì thế mà cây ngô đồng xuất hiện nhiều nơi cung điện, tượng trưng cho bậc vua chúa quyền quý.
Ở nước ta, sách sử ghi lại rằng, cây ngô đồng có nguồn gốc ở Quảng Đông (Trung Quốc). Đến đời vua Minh Mạng thì được đưa về trồng hai bên góc điện Cần Chánh. Sau đó lại sai biền binh lên núi tìm giống cây đưa về trồng ở một số nơi khác trong Tử Cấm Thành. Vì vậy, trong khuôn viên Đại nội Huế hiện nay có khá nhiều cây ngô đồng lâu năm. Mùa hoa cũng thường là mùa lá rụng, nên trên cây tuyền một màu phớt hồng e ấp.
Ở khoảng sân trước Tả Vu và Hữu Vu (hai công trình thuộc điện Cần Chánh) có hai cây ngô đồng lớn được trồng trong chậu. Phía sau Tả Vu cũng có một cây ngô đồng cao vút, thấp thoáng sau mái cung điện, tạo nên một góc hình khá đẹp nên rất hay được lên ảnh.
Dù chỉ được trồng rải rác, lại nở hoa trên cao không dễ thấy nhưng ngô đồng giữa Đại nội Huế vẫn khiến mọi người vương vấn ánh nhìn. Trước đây, cây ngô đồng chỉ được trồng trong khuôn viên cung điện, tượng trưng cho tầng lớp vua chúa quyền quý. Nhưng hiện nay một số cây ngô đồng đã được nhân giống trồng trong các công viên Tứ Tượng, cửa Quảng Đức, sân Nghinh Lương Đình.
Việt An