Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Năm con trâu, nội địa vẫn là hướng đi chủ đạo của du lịch Việt

Thị trường nội địa vẫn là cứu cánh cho du lịch Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh ngành du lịch chưa thể đón khách quốc tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tàu du lịch nằm bờ ở Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đào Loan

Năm 2021, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới với lượng người mắc, người tử vong không ngừng tăng lên. Do đó, du lịch trên thế giới vẫn “bế quan,” khiến du lịch Việt vẫn chưa thể đón khách quốc tế.

Đón khách nội địa vẫn là hướng đi chủ đạo của du lịch Việt Nam trong năm 2021.

Sẽ khai thác, phục vụ 80 triệu khách du lịch nội địa

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ với Vietnamplus, theo ước tính của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), sớm nhất phải đến quý 3/2021 thì du lịch thế giới mới có thể bắt đầu quá trình phục hồi. Bởi hiện nay, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp.

Biến đổi mới của virus gây bệnh đã ảnh hưởng lớn đến một số quốc gia với số lượng người mắc bệnh tăng nhanh hàng ngày, hàng giờ.

Dù có tinh thần lạc quan nhất, chúng ta cũng không thể dự đoán chính xác được thời điểm mở cửa thị trường đón khách quốc tế. Thị trường nội địa vẫn là cứu cánh cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Sau khi tính toán và căn cứ bối cảnh thực tế năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao chỉ tiêu cho ngành du lịch khai thác và phục vụ 80 triệu khách du lịch nội địa. Tổng thu từ du lịch là 377.000 tỉ đồng trong năm 2021.

Đây là con số khá cao nhưng nếu nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở Việt Nam, cùng sự nỗ lực, đồng hành của các địa phương, hiệp hội du lịch, sự vươn lên vượt khó của doanh nghiệp du lịch thì mục tiêu này sẽ đạt được. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết.

Trong năm 2021, ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung khai thác có hiệu quả thị trường khách nội địa. Ngành triển khai tiếp các hoạt động kích cầu du lịch trên cơ sở kế thừa chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn: trong năm 2020; chú trọng phát huy liên minh, liên kết giữa các địa phương-doanh nghiệp-truyền thông; đẩy mạnh hợp tác công-tư.

Cũng trong năm 2021, ngành du lịch tập trung các địa phương, điểm đến có dư địa phát triển, sản phẩm du lịch mới làm động lực lan tỏa ra khu vực, địa phương khác.

Dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng du lịch Việt vẫn duy trì quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Việt Nam ra các thị trường khách quốc tế mục tiêu, trọng điểm qua các hình thức E-marketing.

Mặt khác, ngành triển khai kế hoạch hành động phục hồi du lịch Việt Nam trong tình hình mới; chuẩn bị sẵn sàng để mở lại du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép. Công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến trên mạng xã hội và một số nền tảng trực tuyến (Facebook, Instagram, Youtube, Tiktok...) tiếp tục được tăng cường trong năm 2021.

Tổng cục Du lịch kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh bị tác động nặng nề do dịch Covid-19; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Kế hoạch hành động phục hồi du lịch Việt Nam trong tình hình mới khi Chương trình hành động quốc gia về du lịch và Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia đã kết thúc...

Tổng cục Du lịch cũng mong muốn các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp, các doanh nghiệp và đối tác đồng hành vào cuộc cùng triển khai việc mở lại du lịch quốc tế, đảm bảo an toàn cao nhất khi điều kiện cho phép và thực hiện hiệu quả chương trình hành động phục hồi du lịch.

Các doanh nghiệp du lịch cũng cần chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, chương trình kính cầu, khuyến mại phù hợp với điều kiện thực tế.

Và quan trọng hơn cả, ngành du lịch mong muốn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân phát huy tinh thần người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, tham gia chương trình kích cầu du lịch trong nước, mỗi người dân là một đại sứ du lịch an toàn...

Khẳng định thương hiệu điểm đến an toàn, hấp dẫn

Trong năm 2021, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế sẽ triển khai các giải pháp phục hồi và cơ cấu lại ngành. Ảnh: baochinhphu.vn

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, từ năm 2015-2019, khách du lịch quốc tế đến nước ta tăng 2,3 lần; từ 7,9 triệu lượt lên 18 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng trung bình 22,7%/năm.

Khách du lịch nội địa tăng từ 57 triệu lượt lên 85 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng trung bình 10,5%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng từ 355.000 tỉ đồng lên 755.000 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần với tốc độ tăng trung bình 19,3%/năm; đóng góp trực tiếp 9,2% GDP cả nước.

Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam tăng 12 bậc trong 5 năm từ 2015 đến 2019. Ngành du lịch nhận được nhiều giải thưởng hàng đầu thế giới, châu lục của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards).

Việt Nam đứng thứ 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế hàng đầu thế giới theo số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới.

Công tác quản lý nhà nước về lữ hành, hướng dẫn và lưu trú du lịch ngày càng được tăng cường. Số doanh nghiệp lữ hành, lưu trú tăng vượt bậc.

Đến hết năm 2019, cả nước có trên 2.600 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trên 27.000 hướng dẫn viên du lịch, 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với trên 650.000 phòng...

Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động nặng nề đến du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Khách quốc tế toàn cầu năm 2020 ước giảm khoảng 70-75% so với năm 2019, tương đương mức giảm khoảng 1 tỷ lượt khách; làm thiệt hại hơn 2.000 tỉ đô la đối với GDP toàn cầu.

Còn với Việt Nam, dịch Covid-19 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình trên 22,7%/năm giai đoạn 2015-2019. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2020, Việt Nam chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34,1%. Tổng thu du lịch chỉ đạt 312.000 tỉ đồng, giảm khoảng 58,7%, tương đương 19 tỉ đô la.

Tuy nhiên, năm 2020, toàn ngành du lịch nỗ lực vượt khó, thực hiện mục tiêu kép, chú trọng phòng chống dịch, đảm bảo du lịch an toàn; chuyển hướng thị trường, đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, góp phần giảm thiểu thiệt hại khi các hoạt động du lịch quốc tế bị ngưng trệ...

Nhờ chương trình kích cầu, các hoạt động du lịch nội địa được duy trì. Nhiều doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tiếp tục các giải pháp phục hồi hướng tới chu kỳ tăng trưởng mới.

Đến nay, công suất sử dụng phòng khách sạn ở một số điểm đến như Đà Lạt, Sa Pa, Hạ Long, Quy Nhơn, Phú Quốc, Côn Đảo... đạt hơn 30%, thời kỳ cao điểm, cuối tuần lên tới 80%.

Trong năm 2020, cùng với những nỗ lực duy trì xúc tiến, quảng bá du lịch trực tuyến và trên các kênh truyền thông quốc tế như CNN, CNBC, du lịch Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới khi được vinh danh ở các giải thưởng quốc tế uy tín.

Đó là giải thưởng “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” 2 năm liên tiếp; “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á,” “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á” 2 năm liên tiếp; lần thứ 4 liên tiếp được công nhận là “Điểm đến Golf tốt nhất châu Á.”

Cùng với đó là rất nhiều giải thưởng danh giá dành cho các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp du lịch...

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định sự yêu mến, công nhận của cộng đồng quốc tế là minh chứng cho thấy sự lớn mạnh của du lịch Việt Nam, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, ẩm thực và di sản.

Đặc biệt, thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 là nền tảng mang lại sự tin tưởng cho du khách trên khắp thế giới về hình ảnh một Việt Nam an toàn, hấp dẫn.

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tour du lịch thích ứng thời tiết: Không nên chỉ là...

1
(SGTT) – Theo nhận định từ một số chuyên gia du lịch và đơn vị lữ hành, sản phẩm du lịch thích ứng với...

Tour du lịch thích ứng thời tiết tại miền Trung

2
(SGTT) - Tình hình mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành du lịch. Tuy nhiên,...

Du lịch miền Bắc ảnh hưởng nặng nề vì bão lũ

0
(SGTT) - Bão Yagi không chỉ gây ra những tổn thất nặng nề về người và của, mà còn khiến ngành du lịch miền...

Loạt tour du lịch miền Bắc bị hoãn, hủy do ảnh...

0
(SGTT) – Ghi nhận tại một số doanh nghiệp lữ hành, bão Yagi và hệ quả sau bão đã khiến nhiều tour du lịch...

Nữ CEO với ước mơ ‘Mỗi gia đình Việt có ít...

0
(SGTT) - Từng học Thạc sĩ về Phát triển cộng đồng tại Australia và có nhiều năm sinh sống ở Thụy Sĩ, nhưng chị...

Nhiều doanh nghiệp Việt tập trung phát triển du lịch xanh,...

0
(SGTT) - Phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm đang được nhiều doanh nghiệp du lịch Việt lựa chọn khi có...

Kết nối